Huyền thoại "sống ngược tuổi" Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 23:05 08/09/2017
Chia sẻ

Bộ phim về mảnh đời kỳ lạ của Benjamin Button kể về câu chuyện một người sống "ngược tuổi" - sinh ra đã già, lớn lên thì trẻ lại. Có điều ít ai ngờ rằng, câu chuyện ấy được truyền cảm hứng từ một căn bệnh có thật.

Sinh lão bệnh tử là quy luật mà bất kỳ sinh vật nào trên đời này cũng đều phải tuân theo. Chúng ta ra đời là những đứa trẻ, trưởng thành lên, rồi già và chết đi.

Nhưng có bao giờ bạn nghĩ đến một người sinh ra thì già, qua thời gian lại dần trẻ lại? Thực ra, có một người đã tưởng tượng được điều ấy. Đó là nhà văn F. Scott Fitzgerald với tác phẩm "Mảnh đời kỳ lạ của Benjamin Button" (The Curious Case of Benjamin Button).

Dị nhân Benjamin - câu chuyện cảm động về cuộc đời của một ông lão "sống ngược tuổi"

Benjamin Button - một cậu bé sinh ra với thân thể và các chứng bệnh của một ông già. Mẹ qua đời, cha ruồng bỏ, Benjamin phải sống cả tuổi thơ trong viện dưỡng lão. Thoạt đầu, cậu phải ngồi xe lăn, sau này đi lại bằng nạng, và rồi tự đứng được trên đôi chân của mình.

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 1.

Cuộc đời của Benjamin Button cứ như vậy mà tiếp diễn. Trong hình hài của một ông già gần đất xa trời, Benjamin gia nhập một đội tàu đánh cá, trải qua 2 cuộc Thế chiến hung hiểm. Thân thể ông qua thời gian ngày càng tráng kiện, trẻ trung, khác hẳn với thời thơ ấu.

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 2.

Ông yêu say đắm Daisy - cô bạn hồi nhỏ thường ghé thăm viện dưỡng lão. Chuyện tình của họ dĩ nhiên không suôn sẻ, do khác biệt quá nhiều về ngoại hình. Họ đến được với nhau vào giữa cuộc đời, bằng một cuộc tình lãng mạn và cuồng nhiệt.

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 3.

Nhưng rồi Benjamin buộc phải ra đi, vì số phận không cho phép ông được lớn lên cùng với con gái ruột của mình.

Đến cuối đời, ông mang hình dạng của một đứa trẻ, nhưng chẳng thể nhớ được mình là ai. Người ta đưa ông đến gặp Daisy - lúc này đã là góa phụ - vì toàn bộ nhật ký của ông đều nhắc đến bà.

Daisy đã chăm sóc ông suốt phần đời còn lại, và cuộc đời 84 năm của Benjamin khép lại trong vòng tay của Daisy, dưới hình hài của một đứa trẻ sơ sinh.

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 4.

Về tổng thể, cuộc đời Benjamin Button là một câu chuyện buồn và giàu ý nghĩa. Nhưng tin được không, nguồn cảm hứng để Fitzgerald viết lên câu chuyện lại xuất phát từ một căn bệnh có thật: Hội chứng Progeria.

Căn bệnh kỳ lạ khiến trẻ em sinh ra đã là ông lão là có thực

Hội chứng Progeria là một căn bệnh di truyền cực kỳ hiếm gặp ở trẻ em, chỉ xuất hiện với tỉ lệ 1/8 triệu trẻ. Đây có thể hiểu là hội chứng "già trước tuổi" - khi các triệu chứng lão hóa xuất hiện ngay từ những năm đầu đời. Có người thậm chí đã gọi đây là "hội chứng Benjamin".

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 5.

Tuy nhiên, khác biệt giữa những bệnh nhân mắc phải hội chứng với Benjamin Button, đó là căn bệnh chỉ góp phần đẩy nhanh quá trình lão hóa. Tức là, bệnh nhân sẽ không thể trẻ lại như Benjamin, và thường chỉ sống được đến độ tuổi 15 - 16.

Hiện tại, bệnh nhân Progeria lớn tuổi nhất là Rupesh Kumar. Chàng trai người Ấn Độ năm nay 21 tuổi, chỉ nặng 20kg, nhưng cơ thể như của một ông lão 106 tuổi. Lý do là vì căn bệnh khiến cơ thể lão hóa nhanh hơn bình thường đến 8 lần ngay từ khi ra đời.

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 6.

Rupesh cùng gia đình

Tình trạng của Rupesh ngày càng xấu đi, khi cơ thể có rất nhiều dấu hiệu bị lão hóa trong các khớp xương, đồng thời cái đầu liên tục lớn thêm với tốc độ đáng sợ.

Khi Rupesh lớn lên, hình hài kỳ lạ của cậu lại vô tình thu hút những du khách hiếu kỳ đến quan sát. Thậm chí theo lời cha cậu, đã có người ngỏ ý... mua lại Rupesh để trưng bày trong rạp xiếc. Tất nhiên, cha cậu đã từ chối.

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 7.

Kumar không phải là trường hợp duy nhất mắc phải chứng bệnh này. Trước đó, người giữ "danh hiệu" bệnh nhân Progeria lớn tuổi nhất là Leon Botha - một họa sĩ và DJ người Nam Phi.

Mắc phải căn bệnh hiếm, nhưng Botha không đầu hàng số phận. Anh dành cả cuộc đời cống hiến vì nghệ thuật, sống như một chiến binh giành giật sự sống với thần chết, trước khi qua đời vào 5/6/2011.

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 8.

Nghệ sĩ Leon Botha

Một ví dụ khác là trường hợp của Harry Crowther - bệnh nhân người Anh 18 tuổi. Cũng không may mắc phải Progeria, thân hình cậu lão hoá nhanh gấp 5 lần người thường. Mạng sống bị căn bệnh quái ác bào mòn hàng ngày, nhưng Crowther đã luôn cố gắng vươn lên để sống một cuộc đời như người bình thường.

Hiện tại, cậu sở hữu một blog chia sẻ những câu chuyện của chính mình, nhằm truyền cảm hứng đến cho các bệnh nhân đồng cảnh ngộ.

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 9.

Một bức ảnh trên blog của Harry Crowther

Trường hợp giống với Benjamin Button gần đây nhất là cặp vợ chồng người Bangladesh vào năm 2016.

Đứa con trai họ ra đời với làn da nhăn nheo cùng các triệu chứng của một ông già, và được chẩn đoán mắc Progeria. May mắn cho bé, gia đình đã không hề chối bỏ, thậm chí ông Biswajit Patro - bố của bé - đã cảm tạ trời đất vì không để mất bé.

Huyền thoại sống ngược tuổi Benjamin Button và những câu chuyện về căn bệnh có thật - Ảnh 10.

Người bố Biswajit Patro đã cảm tạ trời đất vì đã giữ lại mạng sống của bé

Hiện tại, nhờ các tiến bộ của công nghệ, y học cũng đã tìm ra một số loại thuốc giúp làm chậm lại quá trình lão hóa ở bệnh nhân, thậm chí đã có trường hợp hoàn toàn khỏi bệnh vào năm 2012.

Các chuyên gia tin rằng trong tương lai, các phương pháp trị bệnh sẽ được tiếp tục phát triển và phổ biến hơn, để mọi bệnh nhân được tiếp cận đến nó.

Nguồn: BBC, Metro, Sharron Harry Blogspot, Mirror...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày