Huyền thoại đầu tư Warren Buffett vừa cập nhật bản di chúc và đây là bài học bạn có thể rút ra, bất kể tài sản bao nhiêu

Linh San, Theo Nhịp sống thị trường 09:20 28/11/2024
Chia sẻ

Chuyên gia tài chính cho biết chúng ta có thể học từ cách tiếp cận chủ động và minh bạch của Warren Buffett khi lên kế hoạch thực hiện di chúc, cho dù bạn có bao nhiêu tài sản.

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett vừa cập nhật bản di chúc và đây là bài học bạn có thể rút ra, bất kể tài sản bao nhiêu- Ảnh 1.

Trong suốt sự nghiệp rực rỡ với vai trò nhà đầu tư, Chủ tịch Berkshire Hathaway, Warren Buffett đã trở thành hình mẫu lý tưởng cho những ai muốn tích lũy tài sản. Ở tuổi 94, khi đã gần đến cuối cuộc đời, ông hy vọng có thể chia sẻ những kinh nghiệm về cách phân bổ tài sản của mình.

Trong một bức thư công bố vào thứ Hai, Buffett đã tiết lộ chi tiết về di chúc của mình, làm rõ cách ông sẽ dành phần lớn tài sản cho các mục đích từ thiện.

Theo đó, ông sẽ tiếp tục đóng góp cho các tổ chức từ thiện khi còn sống, và sau khi qua đời, tài sản của ông sẽ được chuyển vào một quỹ từ thiện do con gái và hai con trai của ông giám sát. Cả ba người sẽ cùng quyết định tổ chức từ thiện nào sẽ nhận tiền và số tiền bao nhiêu.

Buffett giải thích rằng quyết định này nhằm giúp các con ông có thể điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và quy định thay đổi của các tổ chức từ thiện.

"Tôi có những suy nghĩ đột phá, nhưng tôi không chắc liệu tôi có thể làm điều đó khi đã nằm dưới mặt đất sáu feet và làm tốt hơn ba người đang còn sống mà tôi hoàn toàn tin tưởng", Buffett nói.

Trong bức thư tuần này, ông nhấn mạnh rằng mặc dù ông tin tưởng vào sự phán đoán của các con, nhưng ở độ tuổi 71, 69 và 66, họ có thể không kịp phân bổ hết tài sản trước khi qua đời. Vì vậy, ông đã chỉ định ba người ủy thác trẻ hơn để thay thế các con ông, trong trường hợp họ qua đời trước khi quỹ từ thiện được phân phát hết.

Buffett đã thông báo kế hoạch này cho các con, dù ông hy vọng họ sẽ có thể phân bổ toàn bộ tài sản của mình.

Chuyên gia cho rằng có nhiều điều cần học hỏi từ cách tiếp cận chủ động và minh bạch của Buffett đối với di chúc, cho dù bạn có 100 triệu đô la hay chỉ 100 nghìn đô la để cho đi.

"Ông ấy đã suy nghĩ xa và có sự linh hoạt khi cần thiết," Jose Reynoso, trưởng bộ phận Kế hoạch tài sản và thuế tại Citizens Private Wealth nói. "Dù bạn có bao nhiêu tài sản đi chăng nữa, việc bắt đầu sớm và có sự linh hoạt là điều rất quan trọng".

Tại sao bạn cần lên di chúc từ sớm?

Ngay cả khi bạn nghĩ mình không có nhiều tài sản để để lại cho người thừa kế, việc có một di chúc sẽ giúp bạn quyết định những gì sẽ xảy ra sau khi bạn qua đời, thay vì để người khác quyết định thay.

"Nhìn chung, nếu bạn không có di chúc, nhà nước sẽ cung cấp một kế hoạch thay bạn", Reynoso nói. Điều này có thể dẫn đến những quyết định về chăm sóc sức khỏe và tài chính trái ngược với nguyện vọng của bạn.

Để tránh nhầm lẫn và giúp người thân tránh vướng vào các thủ tục pháp lý kéo dài và tốn kém, bạn nên chuẩn bị một kế hoạch thừa kế cơ bản. Điều này có thể bao gồm:

Chỉ định người thừa kế: Một số công cụ tài chính, chẳng hạn như các khoản đầu tư, tài khoản ngân hàng và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cho phép bạn chỉ định người thừa kế sẽ nhận tài sản trong tài khoản của bạn khi bạn qua đời. Những chỉ định này thường được ưu tiên thực hiện hơn so với di chúc, vì vậy việc cập nhật chúng là rất quan trọng, đặc biệt là sau những thay đổi lớn trong cuộc sống.

Lập bản di chúc đơn giản: Một di chúc sẽ chỉ định cách bạn muốn phân bổ tài sản sau khi qua đời. Đây là một việc dễ thực hiện - bạn có thể tìm mẫu di chúc miễn phí trên các website.

Chuẩn bị giấy ủy quyền và chỉ thị trước: Những tài liệu này có thể có tên gọi khác nhau ở các khu vực khác nhau, nhưng mục đích chung của chúng là thiết lập nguyện vọng của bạn và cho phép bạn chỉ định người ra quyết định thay bạn trong trường hợp bạn không thể tự quyết định.

Tình huống thực tế có thể phức tạp hơn, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến của luật sư để tìm ra kế hoạch phù hợp nhất. Ngoài ra, việc thiết lập một quỹ tín thác, giống như Buffett, cũng là một lựa chọn hợp lý.

Điều quan trọng cần học từ tỷ phú này là quy trình: bắt đầu sớm và duy trì giao tiếp rõ ràng, thường xuyên với các thành viên trong gia đình.

"Đây là một kế hoạch được suy nghĩ kỹ lưỡng và truyền đạt rõ ràng trong gia đình," Reynoso nói về các thông tin công khai từ Buffett. "Việc giao tiếp này có thể giúp tránh những vấn đề phát sinh sau này".

Thực tế, trong bức thư gần đây, Buffett đã khuyên tất cả các bậc phụ huynh, dù giàu hay nghèo, nên làm như sau: "Khi con cái bạn trưởng thành, hãy để chúng đọc kỹ di chúc trước khi bạn ký tên".

Làm thế nào để thực hiện di chúc như Buffett?

Nếu bạn cũng muốn một phần lớn tài sản được sử dụng cho mục đích từ thiện sau khi qua đời, giống như Buffett, bạn có thể lập một quỹ tín thác từ thiện (như Buffett đã làm) hoặc thành lập một quỹ riêng. Tuy nhiên, đây là những lựa chọn đắt đỏ, thường chỉ dành cho những người rất giàu có.

May mắn thay, bạn có thể đạt được kế hoạch tương tự Buffett thông qua một tài khoản từ thiện gọi là Quỹ đóng góp do người hiến tặng chỉ định. Đây là một tài khoản do bạn kiểm soát, với các quỹ dành cho từ thiện. Bạn có thể mở tài khoản thông qua quỹ cộng đồng hoặc bộ phận từ thiện của các công ty chứng khoán như Vanguard hoặc Schwab, và thường không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu.

Bạn có thể gửi các tài sản như tiền mặt, bất động sản hay cổ phiếu vào tài khoản này và quyết định cách đầu tư, cũng như nơi bạn muốn đóng góp.

Một trong những lợi ích lớn của việc đóng góp vào quỹ này là bạn có thể nhận được các khoản giảm thuế ngay lập tức khi đóng góp vào quỹ, và quyết định nơi tiền sẽ đi sau này. Nếu bạn qua đời trước khi quyết định, người kế thừa sẽ tiếp quản tài khoản của bạn.

Hơn nữa, nếu quỹ của bạn có tài sản tăng giá, bạn và tổ chức từ thiện không phải trả thuế khi đóng góp.

"Đây là phương thức lý tưởng cho những ai muốn mô phỏng mô hình của Buffett ở quy mô nhỏ hơn", Nicholas Yeomans, chuyên gia lập kế hoạch tài chính, nói. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia tài chính trước khi mở một tài khoản như vậy.

"Bạn có thể từ thiện khi còn sống và tiếp tục cho đi sau khi bạn qua đời, và đặc biệt có thể cho đi mãi mãi," Yeomans cho biết.

Điều này có nghĩa là bạn có thể lập quỹ và giao cho con cái quản lý để chúng thực hiện các dự án từ thiện mà bạn mong muốn sau khi bạn qua đời, hoặc yêu cầu gia đình quyết định việc phân phối tài sản trong quỹ để nhận được các khoản thừa kế còn lại - giống như cách Buffett làm, nhưng đơn giản hơn.

"Quỹ từ thiện của bạn có thể liên tục hỗ trợ các nhà thờ, tổ chức từ thiện, bảo tàng — những thứ bạn quan tâm", Yeomans nói. "Nó không cần mã số thuế riêng, không có hội đồng quản trị, và không có những thủ tục phức tạp mà những người bình thường cũng có thể dễ dàng thực hiện".

Theo CNBC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày