Nhưng cô vẫn luôn cảm thấy sự việc chưa được giải quyết ổn thoả. Việc cô "biến mất" - ngừng trả lời báo chí, ít dùng Facebook, tập trung học hành - chỉ khiến sự việc chìm đi chứ không mang lại câu trả lời cho ai cả. Đến thời điểm này, Huyền Chip quyết định rằng đây là lúc cần gửi đến độc giả một lời giải thích, một lời xin lỗi. Dưới đây là nội dung bức thư mà Huyền Chip gửi tới VietNamNet.
Hôm nay, bạn trai hỏi kỷ niệm nào với tôi là tồi tệ nhất. Tôi trả lời là buổi họp báo ra mắt tập 2 cuốn Xách ba lô lên và Đi cách đây đúng bốn năm, 19/9/2013. Sau đó, bạn hỏi về kỷ niệm tôi trân trọng nhất. Câu trả lời của tôi cũng lại là buổi họp báo đó.
Huyền Chip trong cuộc họp báo ồn ào cách đây 4 năm (Ảnh: Zing)
Tôi đã nhìn thấy rất nhiều người, cả quen biết lẫn không quen biết, lên tiếng bảo vệ mình. Có nhiều người vì tôi mà chịu lây không ít gạch đá của thiên hạ. Có nhiều người vì tôi mà mất bạn mất bè. Tôi thực sự không biết phải làm thế nào mới có thể đền đáp được sự tin tưởng và ủng hộ của mọi người.
Đã bốn năm nay tôi không nhắc đến vụ lùm xùm ngày đó. Một phần vì công việc bận rộn. Tôi học đại học, thạc sĩ, dạy một lớp ở Stanford, đi làm ở Silicon Valley, rồi lại muốn viết lách. Một phần vì nói có lẽ cũng chẳng có người nghe. Chuyện xảy ra đã lâu, mọi người đã có thêm nhiều chuyện ồn ào hơn để nói, và cái tên Huyền Chip đã lùi vào quên lãng. Một phần khác là vì càng gặp nhiều người, tôi càng thấy câu chuyện của mình thật nhỏ bé. Tôi muốn tập trung vào những việc có thể giúp tôi đóng góp thực sự cho xã hội.Nhưng hôm nay, nhân tròn bốn năm sự kiện đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi xin phép được một chút ích kỷ và nhìn lại sự việc từ góc nhìn của tôi. Khoảng cách, cả về thời gian lẫn địa lý, đã giúp cho tôi nhìn thấy nhiều khía cạnh của sự việc. Tôi đã phạm phải nhiều lỗi lầm ngốc nghếch, và đã nhận được nhiều bài học.
Bài học thứ nhất của tôi là nên bình tĩnh và từ tốn khi tiếp xúc với người phản đối mình. Tôi đã không hiểu được rằng một khi tôi đã chọn ra mắt sách, bất cứ ai cũng có quyền nghi ngờ tôi. Tất cả chúng ta đều có quyền đặt câu hỏi về những thông tin mà mình nhận được, và chúng ta nên làm như thế. Nhưng bấy giờ, khi bị nghi ngờ, tôi đã nổi cáu theo kiểu "sao dám nghi ngờ tôi". Sự tức giận khiến tôi ăn nói cộc lốc, khiến cho nhiều người nghĩ rằng tôi không tôn trọng độc giả, hay đơn giản là ghét tôi vì ghét cái thái độ. Bây giờ, nếu gặp phải trường hợp đó, tôi sẽ lắng nghe người phản đối trước, chấp nhận rằng phản đối của họ là có lý, thay vì cố gắng thanh minh cho bản thân.
Huyền Chip hiện tại.
Bài học thứ hai tôi học được là sự khác biệt giữa "sự thật" và "sự chính xác". Sau này, khi học viết nonfiction (phi tiểu thuyết) ở Mỹ, tôi học được rằng các cuốn hồi ký, du ký đều nên có "disclaimer" đính chính rằng vì sách được viết từ trí nhớ và trí nhớ con người là không chính xác. Ví dụ, cuốn sách nonfiction Tender at the Bone: Growing Up at the Table của Ruth Reichl, một cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy của New York Times, có disclaimer như sau:
"Everything here is true, but it may not be entirely factual. In some cases I have compressed events; in others I have made two people into one. I have occasionally embroidered. I learned early that the most important thing in life is a good story."
(Tất cả những điều viết ở đây là thật, tuy nhiên có thể chúng không hoàn toàn chính xác. Trong một số trường hợp, tôi đã tóm tắt nhiều sự kiện; trong trường hợp khác, tôi đã gộp hai người lại làm một. Tôi thỉnh thoảng thêm mắm thêm muối. Tôi học được từ sớm rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là một câu chuyện tốt.)
Bây giờ, nếu ra sách lại, tôi sẽ viết disclaimer đó. Cuốn sách của tôi có thể có những chi tiết không hoàn toàn chính xác, nhưng câu chuyện tôi viết ra là thật. Tôi đã bắt đầu đi khi trong tay chỉ có 700 đô. Tôi chưa bao giờ nói rằng chi phí toàn bộ cuộc hành trình là 700 đô – trong sách tôi đã viết là tôi phải đi làm để kiếm thêm tiền. Tôi cũng chưa bao giờ nói là tôi đi 25 nước trong hành trình. Khi phóng viên hỏi tôi lần đầu tiên, nếu tôi nhớ không nhầm thì cho Yahoo! News, tôi trả lời rằng chắc khoảng 20, 25 nước gì đó. Chuyện tôi vào Palestine là có thật – nhiều người đã tìm được video cuộc bạo động ở Palestine với tôi lơ ngơ bị cảnh sát đuổi. Chuyện tôi đi đâu cũng tìm được việc làm thêm hay đi đâu cũng được người ta giúp đỡ thật khó để chứng minh, nhưng lập luận rằng nhiều người không làm được thì tôi cũng không làm được là không công bằng cho tôi.
Bài học thứ ba tôi nhận được là một khi tôi chọn đưa câu chuyện của mình đến với độc giả, tôi sẽ phải hy sinh nhiều quyền riêng tư cá nhân. Tôi đã không công bố nhiều chuyện với hy vọng có thể bảo vệ những người liên quan, để rồi bị hiểu nhầm là cố tình gây chuyện mập mờ.
Tôi đã dành một thời gian rất dài cố gắng bảo vệ gia đình tôi khỏi báo chí, bởi tôi sợ báo chí sẽ viết về tôi theo kiểu "con nhà nghèo vượt khó", kể lể tuổi thơ tôi khổ sở thế này thế kia. Tôi không muốn bố mẹ tôi đọc được và tự ái – bố mẹ đã cố gắng hết sức cho tôi có một tuổi thơ hạnh phúc. Chị Bạch Dương có lần mời tôi tham gia chương trình của chị. Tôi nhận lời với điều kiện tôi sẽ không nói về gia đình. Sau này qua bạn, tôi biết được rằng trợ lý của chị đã hỏi dò bạn bè địa chỉ nhà bố mẹ tôi để đến quay. Tôi đã thất vọng vì điều này nên từ chối không tham gia chương trình.
Nhưng có lẽ, sự cố gắng bảo vệ gia đình này của tôi lại khiến cho nhiều người nghĩ gia đình tôi giàu có, tôi đi có người chống lưng, và nhiều tin đồn khác cuối cùng lại khiến bố mẹ tôi khổ hơn.
Tôi không có người chống lưng, cũng không có nhà tài trợ. Việc tôi lên kế hoạch xin tài trợ không có nghĩa là tôi đã xin tài trợ hay thành công trong việc xin tài trợ. Tôi cũng không đi để viết sách, làm truyền thông, hay để vào Stanford. Nếu ai đó nghĩ một con bé nhà quê như tôi khi vừa tốt nghiệp xong cấp ba có thể lên kế hoạch chi tiết cho tương lai của mình như thế, và làm được kế hoạch điên rồ đó, thì họ đã đánh giá tôi quá cao.
Chụp với nhóm làm nghiên cứu Huyền làm việc cùng khi ở trường ĐH Edinburgh, Scotland.
Bài học thứ tư tôi nhận được là tôi không cần phải giải thích góc nhìn của bản thân. Góc nhìn là một cái cá nhân, không có góc nhìn đúng mà cũng chẳng có góc nhìn sai. Cuốn sách của tôi là một cuốn nhật ký. Nó được ghi chép bởi tôi, dựa vào trí nhớ của tôi, phản ánh suy nghĩ và hiểu biết của tôi. Một ngày có vô số chuyện diễn ra, tôi có quyền chọn ghi nhớ những sự kiện nào. Tôi có thể quên đi nhanh chóng những chuyện buồn, hay thực sự nghĩ nó không buồn cho lắm, mà chỉ nhớ đến những chuyện vui.
Có lẽ vì thế mà nhiều người cho rằng tôi cố tình vẽ lên một thế giới màu hồng để đẩy giới trẻ ra khỏi nhà để đi vào chỗ chết. Chúng ta có quyền chọn nhìn cuộc sống một cách tiêu cực hay tích cực. Tiếc thay, quá nhiều người ở Việt Nam đã học được cách nhìn tiêu cực, tin vào sự tràn lan của những điều xấu xa trong xã hội. Cuốn sách của tôi là một đốm lửa tích cực nhỏ bé, còn lâu mới đủ sức dập tắt cơn gió tiêu cực mà các bạn trẻ đã được dạy từ khi lọt lòng.
Sau vụ ồn ào đã qua đi, nhiều người hỏi tôi tại sao không đưa hộ chiếu với visa những nước đã đi để xong chuyện. Giá mà mọi chuyện đơn giản như thế để mà tôi có thể giải quyết chỉ bằng một hành động. Một điều tôi đã nói với phóng viên ở buổi họp báo rằng tôi sẵn sàng cho phép họ kiểm tra visa trong hộ chiếu của tôi thay vì đưa những visa này lên báo. Ở Việt Nam mọi người còn ít quan tâm đến sự riêng tư cá nhân cũng như nạn trộm cắp danh tính (identity theft), nhưng những thông tin cá nhân như hộ chiếu, chứng minh thư, bằng lái xe, visa, thậm chí cả boarding pass máy bay, là những thông tin mà bạn không nên đưa lên mạng xã hội, đừng nói là đưa lên báo chí là hàng triệu người cùng xem.
Các báo, có lẽ do sợ mình không đủ năng lực kiểm chứng những visa đó, từ chối làm điều đó và chỉ đơn giản đưa tin là tôi không công bố hộ chiếu. Tôi không kiểm soát được những gì báo chí viết về tôi. Nhiều điều tôi muốn nói, báo chí không đưa và nhiều điều tôi không nói, báo chí lại đưa.
Tôi đã trả lời trên VietNamNet là tôi không lừa dối độc giả, và đến tận bây giờ, tôi vẫn khẳng định như thế. Có thể một số thông tin trong sách là không chính xác, nhưng nó không phải là hư cấu. Tôi thành thật xin lỗi nếu độc giả nào mua sách của tôi và cảm thấy mình bị lừa dối. Nếu quyền quyết định nằm trong tay tôi, tôi hy vọng mình có thể trả lại tiền cho độc giả đó. Tôi xin lỗi vì đã nông nổi nghịch ngợm hồi trẻ. Tôi là một người tồi tệ. Tôi đã và đang cố gắng hàng ngày để trở thành một con người tốt hơn.
Tôi có xấu hổ về những chuyện đã xảy ra không? Có, rất nhiều. Tôi xấu hổ vì đã trẻ con, ngu ngốc, yếu đuối, hiếu thắng, coi mình là trung tâm vũ trụ, chỉ biết nhận mà không biết cho. Sự việc đã giúp tôi cũng như những người liên quan nhận ra nhiều điều về bản thân, về cuộc sống, cũng như về xã hội ngày nay.
Tôi không hy vọng rằng mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho tôi. Tôi cũng không cố gắng làm cho những ai ghét mình yêu quý mình. Tôi chỉ có thể nỗ lực hết mình, dùng sức hèn tài mọn của mình để giúp ích cho đời. Trong suốt chuyến đi của mình, cũng như sau chuyến đi, tôi đã nhận được vô số sự giúp đỡ của người khác mà tôi chưa bao giờ đền đáp được xứng đáng. Tôi đã dành bốn năm qua cố gắng trả những cái nợ đó – đôi khi trực tiếp, đôi khi gián tiếp qua việc giúp đỡ những người khác.
Tôi vấp ngã, nhưng tôi đứng dậy và đi tiếp.
Huyền Chip (Berlin, 19/9/2017)