Huyền Chip chỉ ra 6 lỗi cơ bản khi học tiếng Anh mà người Việt nào cũng mắc phải

Huyền Chip, Theo Helino 22:12 26/04/2018

Theo Huyền Chip, nếu một đứa trẻ ba tuổi có thể học nói được tiếng Anh thì chẳng có lý do để người lớn không học được cả.

Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền (1990), là cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Tháng 9/2014, sau những chuyến du lịch qua hơn 20 quốc gia trên thế giới, Huyền Chip đạt điểm SAT cao ngất ngưởng và nhận được học bổng của trường ĐH Stanford, Mỹ, ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học máy tính. Huyền Chip cũng vừa nhận thông báo được ghi danh vào chương trình thạc sĩ của ĐH Stanford.

Trên trang Fanpage của mình, Huyền Chip vừa có một bài đăng chia sẻ bí quyết học tiếng Anh cho người Việt.

Huyền Chip chỉ ra 6 lỗi cơ bản khi học tiếng Anh mà người Việt nào cũng mắc phải - Ảnh 1.

Huyền Chip là sinh viên ĐH Stanford, Mỹ

Tôi đã học tiếng Anh như thế nào?

Tôi được học tiếng Anh lần đầu tiên năm lớp ba và tôi thích học lắm, bởi lúc đó tôi cảm giác như mình được bước vào một thế giới khác vậy. Mỗi lúc tha thẩn chơi một mình, tôi lại hình dung mình đang nói chuyện với người bạn tưởng tượng của mình bằng tiếng Anh. Tôi thường lấy phấn viết những cuộc hội thoại đó lên nền gạch, có hôm viết kín cả sân.

Từ lớp 4 đến lớp 9, tôi vào đội tuyển Toán. Nhà trường ưu tiên cho chúng tôi học đội tuyển để thi thố, nên những môn khác, bao gồm cả tiếng Anh, bị dẹp sang một bên. Khi lên Hà Nội học cấp ba, tôi đã nhớ mình bị khủng hoảng toàn tập trong lớp tiếng Anh đầu tiên khi cô giáo gọi hai bạn lên giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh và tụi nó bắn ra một tràng. Tôi không hiểu một chữ nào cả, ngoại trừ tên của tụi nó.

Vốn từ vựng của tôi rất ít, cách phát âm buồn cười, đã vậy lại còn nói ngọng. Quê tôi nói ngọng âm ‘l’ thành âm ‘n’, âm ‘tr’ thành âm ‘t’, thỉnh thoảng ‘th’ với ‘s’. Cách tôi nói âm ‘r’ cũng được nhẹ nhàng như người Hà Nội. Có lần thầy giáo môn Sử gọi tôi lên trả bài đã bắt tôi đứng trước lớp lặp đi lặp lại hai từ "lễ hội" và "lung linh" cho đến khi tôi nói được âm "l" mới cho về chỗ. Cả lớp cười lăn lộn từ đầu đến cuối, còn tôi xấu hổ quá nên quyết tâm sửa cách phát âm cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Không có tiền đi các trung tâm dạy tiếng Anh, tôi quyết tâm tự học. Hồi đó tôi không có máy tính nối mạng ở nhà đâu mà muốn dùng Internet phải ra ngoài tiệm. Mấy anh chị đại học tôi quen giới thiệu cho tôi cuốn Ngữ pháp tiếng Anh thực hành (English Grammar in Use). Tôi đạp xe lên đường Láng, hồi đấy tràn ngập các cửa hàng sách cũ, tìm mua cuốn này. Không còn tiền mua các sách khác, tôi mượn sách tiếng Anh của mấy đứa bạn học cùng rồi chép tay các cuốn sách đó, bởi lúc đó tôi nghèo đến mức tiền đi in sách cũng không có. Tôi chép tay bởi mỗi khi gặp từ hay cụm từ nào mới, tôi muốn gạch chân nó để ghi chú bên lề.

Sách giúp tôi nâng cao từ vựng và ngữ pháp. Để cải thiện phát âm, tôi tận dụng mọi cơ hội nghe nói có thể. Một lần đi qua chợ Phùng Khoang, tôi thấy người ta bày bán đồ vũ và mua cho mình một cái Sony Walkman để nghe nhạc tiếng Anh. Thằng bạn người Hà Nội (bây giờ nghĩ lại thì đoán chắc hồi đó thích mình), tìm lời những bài hát tiếng Anh tôi thích rồi in ra cho tôi. Tôi nghe đi nghe lại cho đến khi thuộc lòng. Đến tận bây giờ, tụi bạn bên Mỹ của tôi vẫn mắt tròn mắt dẹt khi phát hiện ra tôi dường như biết lời của đủ các bài hát từ đời nảo đời nào.

Tôi tham gia tình nguyện dẫn khách du lịch tham quan Hà Nội để có cơ hội nói chuyện với người nước ngoài. Khi nào rảnh rỗi, tôi đạp xe lên bờ Hồ, rụt rè hỏi người nước ngoài liệu họ có thời gian nói chuyện với tôi không. Tôi nhớ như in Peter, anh chàng người Mỹ 19 tuổi đang xách ba lô đi quanh châu Á sau khi tốt nghiệp cấp ba. Cậu có đôi chân rất dài, tôi nhìn trộm chân cậu liên tục vì hai chân toàn vết xây xước, có chỗ đang lên mủ, còn cậu thì vừa nói chuyện vừa lấy tay cậy mấy cái vảy nhìn kinh không chịu được. Tuy vậy, tôi đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra chuyện các bạn trẻ học xong cấp ba dành một vài năm đi trải nghiệm ở nước cậu là hết sức bình thường. Nó được gọi là gap-year.

Huyền Chip chỉ ra 6 lỗi cơ bản khi học tiếng Anh mà người Việt nào cũng mắc phải - Ảnh 2.

Sáu lỗi tiếng Anh cơ bản mà phần lớn người Việt mắc phải

Qua sách báo, bạn bè, những người nước ngoài tôi nói chuyện cùng, cũng như quan sát của bản thân, tôi nhận ra những lỗi mình thường gặp phải khi nói tiếng Anh. Đây cũng là lỗi mà phần lớn người Việt Nam gặp phải.

Lỗi đầu tiên là không nói phụ âm ở cuối. Ví dụ, cho tất cả các từ "nice", "nine", và "nite", tôi sẽ đọc là "nai", trong khi người nghe sẽ nghĩ tôi đang nói từ "nigh" vì "nice", "nine", và "nite" đều có phụ âm ở cuối.

Lỗi thứ hai là nói một từ nhiều âm tiết như đang nói nhiều từ riêng lẻ. Trong tiếng Việt, các âm tiết được phát âm riêng biệt. Sự ngắt quãng giữa các âm tiết trong cùng một từ không khác sự ngắt quãng giữa các âm tiết trong các từ khác nhau lắm. Ví dụ, khi mình nói "hoa hồng có gai", "hoa" và "hồng" rõ ràng là thuộc cùng một từ, nhưng mình có thể nhẩn nha nói "hoa", "hồng", "có", "gai" - nếu có ngắt quãng dài dài giữa "hoa" và "hồng" thì người nghe vẫn hiểu. Trong tiếng Anh, một từ với nhiều âm tiết khác nhau phải được nói liền mạch. Ví dụ, khi mình muốn nói "roses have thorns", từ "roses" có hai âm và mình phải nói nó liền mạch, để người nghe hiểu rõ rằng âm thứ hai của "roses" gắn với âm thứ nhất của "roses" để tạo thành một từ, chứ không phải là một từ riêng lẻ hay gắn với âm "have" để tạo thành một từ gì đó.

Lỗi thứ ba là trọng âm. Đến tận bây giờ, sau khi đã ở Mỹ gần 4 năm, tôi vẫn thỉnh thoảng khiến bạn bè dở khóc dở cười vì lỗi này. Một từ có nhiều âm tiết khác nhau, có âm tiết cần nhấn mạnh, có âm tiết cần nói nhẹ hay thậm chí bỏ qua. Nhiều người chỉ nghe trọng âm để suy đoán ý nghĩa. Nhiều từ có cách viết giống nhau nhưng nghĩa khác nhau tuỳ thuộc vào âm tiết nào bạn đang nhấn mạnh. Có lần tôi muốn nói: "are you content yet?" theo nghĩa là "mày hài lòng chưa?", nhưng khi phát âm từ content, tôi đặt trọng âm vào âm tiết thứ nhất thay vì âm tiết thứ hai, và câu nói của tôi trở thành "mày là nội dung chưa?"

Lỗi thứ tư là không biết chữ cái nào là câm (silent). Trong tiếng Anh, có nhiều chữ cái được viết ra nhưng không đọc. Một chữ ái câm khá phổ biến là "p" hay "k" trước "s" và "n". Ví dụ, "pseudo", "psychic", "knee", "knot" sẽ chỉ đọc là "seudo", "syhic", "nee", "not". Tuy có một số nguyên tắc mình có thể áp dụng, có khá nhiều chữ cái dường như chỉ trở thành câm lặng vì ai đó cao hứng muốn nó thành câm lặng. Bạn có thể google "silent letter word list" để thấy một số từ với chữ cái câm lặng phổ biến.

Lỗi thứ năm là không phát âm được những âm không có trong tiếng Việt và thay thế chúng bằng một âm nào đó mình quen thuộc. Có nhiều âm có trong tiếng Việt, nhưng không có trong tiếng Anh, người nước ngoài mình gặp đều gặp khó khăn phát âm chữ "ng", "ngh" hay phân biệt "a", "ă", "ấ" cũng như đọc từ có dấu. Ngược lại, có nhiều âm có trong tiếng Anh mà tiếng Việt không có, như âm "ge" ở cuối từ "garage", âm "r" ở sau nguyên âm như trong từ "work" và "park", âm "u" trong những từ "button", âm "th", âm "z", âm "j". Đến tận bây giờ, tôi vẫn không nói được âm "th" như cách người Mỹ nói.

Lỗi thứ sáu là không có ngữ điệu chuẩn. Vì có đến những 6 dấu, tiếng Việt mình lên bổng xuống trầm mà bạn bè tôi bảo là nghe như hát. Nhiều người khi nói tiếng Anh vẫn giữ nguyên xi cái lên bổng xuống trầm xuống, thỉnh thoảng còn cố thêm dấu cho mấy âm tiết tiếng Anh để mà dễ đọc. Có lần có người khuyên tôi nên thêm dấu nặng vào trọng âm và dấu huyền vào âm nhẹ, ví dụ như "content" với trọng âm ở đầu đọc thành cón tèn.

Khi biết mình hay phạm các lỗi này rồi, tôi ý thức cố gắng sửa. Tôi nói chậm lại, chú trọng vào từng âm tiết một. Khi có máy tính lắp mạng ở nhà, tôi dùng từ điển. Tôi tra từng từ từng từ một để xem cách phát âm của từ đó như thế nào, trọng âm vào những âm tiết nào, có âm câm nào không. Nhiều từ mình cứ đinh ninh biết đọc rồi nhưng tra cách phát âm mới biết mình đọc sai hoàn toàn. Bây giờ, khi có mạng, tôi chỉ cần google "[từ đó] meaning" trên Google sẽ ra cả nghĩa, cách phát âm, và logo hình loa bên cạnh từ đó mình có thể nhấn vào để nghe cách phát âm mẫu.

Với các âm tôi gặp rắc rối khi đọc, tôi lặp đi lặp lại cho đến khi nói được thì thôi. Tôi thường ghi âm cách phát âm của mình để nghe lại, bởi tôi phát hiện ra cái mình nghe trong đầu khác hẳn với cái người khác nghe.

Để quen với ngữ điệu tiếng Anh, tôi chịu khó nghe tin tức thời sự (dĩ nhiên là bằng tiếng Anh). Ngay cả khi không chú ý nghe, tôi vẫn bật kênh tin tức lên để tai mình quen với ngữ điệu đó, với hy vọng dần dần sẽ thôi không còn cố thêm dấu cho tiếng Anh. Có một đợt tôi xem kênh Disney Channel khá nhiều, vì kênh đó có chương trình bằng tiếng Anh với phụ đề bằng tiếng Việt. Tôi cố gắng nghe, khi nào không hiểu thì đọc phụ đề để suy đoán xem từ mình không nghe được là gì.