Gần đến mùa đông, người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế lại giăng "thiên la địa võng" tràn lan khắp cánh đồng để bẫy chim trời và mồi họ dùng để bẫy chim trời lại là những con chim giả.
Khi chim trời bay ngang thấy "chim giả" hoặc "chim mồi" đậu kín, trắng cả cánh đồng và chúng cứ tưởng là bạn nên lập tức "hạ cánh" xuống cánh đồng nước đã dâng cao và đậu vào những cái bẫy đang chờ sẵn.
Có mặt tại khu vực Đá Dầm (thuộc thôn Bát Sơn, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc), PV bắt gặp 2 bố con bẫy chim đang gỡ khoảng 10 chú cò trắng bị mắc lưới.
Quan sát của PV thấy, xung quanh khu vực bẫy chim đều được trải lưới và dùng chim giả làm bằng xốp hoặc những xốp hộp đựng thức ăn bẻ đôi cắm trên đồng ruộng. Đặc biệt, có khoảng 20 con cò trắng bị buộc dây ở chân làm "chim mồi" được 2 bố con gom lại thành một lồng.
Người bố tiết lộ, mỗi ngày bố con ông giăng lưới bẫy được từ 20 - 50 con chim trời tuỳ vào ngày nắng hay mưa và lượng chim bay ngang qua nhiều hay ít. Sau khi bẫy được thì gần chiều tối sẽ có người đến nhà mua với giá dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/1 cặp cò trắng.
Hộp xốp đựng cơm được bẻ đôi ra cắm khắp cánh đồng.
Lồng "chim mồi" của 2 bố con.
Những con chim mắc lưới bị chết gom lại một chỗ.
Lồng chim vừa mới bẫy được.
Dàn lưới rộng thênh thang giữa cánh đồng Đá Dầm.
Thấy hỏi nhiều, người con trai nghi ngờ và gọi bố tức tốc gom chim lại gánh về nhà mặc cho chúng tôi hỏi mua nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu không bán.
Tiếp tục đến cánh đồng Dạ Lê (hay còn có tên là cánh đồng Thanh Lam, thuộc phường Thuỷ Phương, thị xã Hương Thủy) chúng tôi bắt gặp 4 khu vực người dân đã cắm "chim giả" trắng kín giữa đồng nước dâng cao mênh mông.
Tại khu vực này, người dân dùng keo, kẹp và hóp bẫy cả đêm lẫn ngày. Lúc nào cũng có người trực ngồi trên một chiếc đò, khi nào chim bị dính bẫy lập tức ra gỡ ngay.
Chim bẫy mà bị chết thì người nhà phải đem đi bán ngay với giá rẻ hơn chim còn sống. Thường thì chim bẫy ban đêm đều chết, vì sáng ra mới đi kiểm tra rồi mang ra chợ hoặc ở ngoài đường đông người qua lại bán luôn - một người chuyên bẫy chim bằng kẹp nói.
Dọc QL1A, đoạn qua cánh đồng Thanh Lam (thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) có 2 nhóm người dân địa phương đang tấp nập rao bán cho người đi đường cả chim đã chết và chim sống.
Trong vai một người đi mua chim trời, PV vào cánh đồng ngập nước giáp ranh phường Hương Sơ (TP.Huế) với xã Hương Toàn, Hương Vinh (thị xã Hương Trà) thì thấy cánh đồng trắng xoá gồm 4 khu vực "chim giả" đặt giữa đồng ruộng ngập nước.
Khi thấy chúng tôi, một người trực bẫy chim đang ngồi tỏ thái độ nghi ngờ rồi nói: "Anh ra đây làm gì?, không có chim bán đâu người ta đặt hết rồi, đi vào đi, chim bay đi hết rồi đó".
Theo quan sát, chủ yếu người dân nơi đây bẫy bằng kẹp, keo dính và dùng loa gọi chim, nhưng tàn nhẫn hơn là việc dùng chỉ khâu mắt chim.
Trao đổi với PV, ông Trương Văn Công – Chủ tịch UBND phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) cho hay, chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể đã cấm và tuyên truyền sâu rộng cho người dân. Tuy nhiên, chỉ còn vài người có hoàn cảnh khó khăn đến mùa là họ đi bẫy và đây cũng là nghề truyền thống của họ từ xưa đến nay nên họ làm chui.
Dụng cụ để đi bẫy chim trời của người dân Thủy Phương (thị xã Hương Thủy).
Sau khi chim bị mắc bẫy, người dân lập tức chèo đò ra bắt ngay.
Những con "chim giả" được làm bằng xốp.
Những con chim đã chết, bẫy được ban đêm đang được bán trên QL1A (cánh đồng Thanh Lam).
Xe máy, ô tô dừng lại mua chim gây mất an toàn giao thông.
Chim bị khâu mắt, bịt miệng chuẩn bị ra đồng làm "chim mồi".
Mua bán công khai chim trời gần cầu Bạch Yến (TP.Huế)