Là soái ca U40 trong mắt của công chúng, nhưng có lẽ ít ai biết Hứa Vĩ Văn với hình ảnh lịch lãm và nhan sắc không tuổi đã có đến 22 năm hoạt động nghệ thuật. Bắt đầu từ nghề người mẫu từ năm 16 tuổi, thế nhưng chàng trai trẻ họ Hứa đã trải qua một quãng đường dài thăng trầm có thành công, có rẽ hướng, chờ đợi và cả trầm cảm.
Đến với chương trình Chuyện Xưa Chưa Kể, Hứa Vĩ Văn đã trải lòng rất nhiều về bản thân, và sự nghiệp. Đằng sau hào quang của một người đàn ông thành công, luôn có nhiều những tâm sự.
Chuyện Xưa Chưa Kể | Hứa Vĩ Văn
Tôi bắt đầu công việc người mẫu từ năm 1996, khi còn là 1 học sinh lớp 10 của trường THPT Bùi Thị Xuân. Đây là thời điểm mà ở Việt Nam chưa có bất kì công ty nào đào tạo người mẫu chuyên nghiệp cả, hầu như những người mẫu lúc bấy giờ đều có xuất thân từ các cuộc thi về thời trang, sắc đẹp. Bản thân tôi thì thi một cuộc thi thanh lịch của trường và may mắn đoạt giải.
Dù kiếm được tiền nhờ việc làm người mẫu nhưng khi nghĩ về tương lai tôi vẫn thấy rất chông chênh. Thực ra thời điểm tôi làm người mẫu đó cũng chưa hẳn là được vào showbiz vì Hoa Học Đường dù có nổi tiếng thì cũng chỉ là một câu lạc bộ của thanh niên. Lúc đó để nói là lấn sang ca hát hay đóng phim là cả một vấn đề xa vời. Tôi cũng rất phân vân, không nghĩ là mình sẽ theo công việc này lâu dài. Tôi vẫn nghĩ sẽ tiếp tục học đại học, không theo con đường nghệ thuật hay làm diễn viên như bây giờ.
Nhưng rồi tôi có những hoạt động ngoài lề đầu tiên với ca hát. Trở thành thành viên của nhóm GMC. Nói thẳng ra thì điểm đó tôi giống như một thanh niên đụng gì làm nấy, thấy đi hát ra tiền thì đi thôi, không suy nghĩ nhiều. Dù không dài nhưng đó cũng là khoảng thời gian cho mình nhiều thứ, tôi được phục vụ cho mọi người, cảm giác đó lạ lắm.
Sau này nghĩ lại, tôi thấy mình chỉ thích hát thôi chứ không phù hợp làm ca sĩ. Nghề ca sĩ đối với tôi rất phức tạp. Tôi nghĩ làm ca sĩ không chỉ có tố chất hay giọng hát mà còn phụ thuộc vào môi trường và sự hậu thuẫn. Người ca sĩ dường như cũng có tâm lý độc tôn, luôn muốn tên mình được đặt lên trước, không giống diễn viên, hôm nay đóng vai phụ thì ngày mai có thể lại đóng chính, không sao cả. Hứa Vĩ Văn thì không như vậy, tôi không thể cố gắng làm một ca sĩ. Tuy nhiên, lí do lớn nhất để thời điểm đó tôi dừng đi hát là do vấn đề chia lợi nhuận với công ty quản lý. Chúng tôi đắt show, có nhiều bài hit nhưng thu nhập thì không có bao nhiêu.
Nhưng bù lại, quãng thời gian đi hát đã cho tôi gặp Hiền Thục. Thời điểm tôi mới vào nghề cũng là lúc mà Hiền Thục trở lại sau một thời gian vắng bóng. Nhiều người nói tôi dựa hơi Hiền Thục để nổi. Nói một phần nào đó thì cũng đúng vì nhờ Thục mà nhiều người biết Hứa Vĩ Văn, nhưng giữa tôi và cô ấy có nhiều sự đồng điệu.
Hiền Thục chỉ bảo tôi rất nhiều, thậm chí cô ấy còn cho tôi hát lại bài của mình vì thực ra thời điểm đó tôi cũng không đủ tài chính để mua bài. Hai anh em cùng cố gắng bươn chải. Tôi thì chập chững, Thục thì mới sinh em bé nên cũng nhiều khó khăn. Hiện tại dù ít gặp nhau nhưng quan hệ chúng tôi rất tốt, đôi khi vẫn chia sẻ với nhau nhiều điều. Cuộc sống có thể đẩy hai người ra xa nhưng nếu luôn tôn trọng nhau thì đối phương vẫn ở trong lòng mình.
Cách đây mười mấy năm, giới làm phim không bao giờ nghĩ đến việc mời người mẫu đóng phim. Cũng vì vậy mà phim ảnh là một thứ gì đó rất xa vời với tôi, muốn đóng phim bắt buộc tôi phải bắt đầu lại từ những bước đầu tiên. Cuộc thi Triển vọng điện ảnh chính là một trong số những viên gạch sơ khởi đó.
Có một kỉ niệm mà có lẽ đến bây giờ vẫn không mấy ai biết. Ngay vào đêm chung kết cuộc thi, anh trai tôi qua đời vì tai nạn giao thông. Khi nhận được tin dữ, tôi vẫn cố thi xong rồi về nhà. Tôi được hạng ba, nhưng trong lòng lại ngổn ngang nhiều cảm xúc. Một tuần sau khi nhận giải, tôi nhận được lời mời đóng vai nam chính một bộ phim truyền hình dài 2 tập của đạo diễn Xuân Cường. Hai tập phim quay trong 2 tháng ở Vĩnh Long với thù lao là 1 triệu 8, nếu so sánh thì cũng tầm 18 triệu bây giờ. Nhớ lại mới thấy lúc đó mình đam mê đóng phim lắm, dù rất cực nhưng vẫn hy sinh nhiệt tình.
Cứ như vậy, cơ hội đưa tôi đến với dự án điện ảnh Sài Gòn Love Story. Bộ phim điện ảnh đầu tay của tôi và cả Ngô Thanh Vân. Phim khởi quay từ năm 2004, 8 năm sau khi tôi bắt đầu với nghệ thuật giải trí, gương mặt của Hứa Vĩ Văn khi đó đã chững chạc hơn, thuận lợi cho tôi nhiều hơn. Có thể nói Sài Gòn Love Story là phim ca nhạc đầu tiên của Việt Nam, tuy nhiên nó gặp phải khá nhiều trục trặc và phải mất đến 3, 4 năm mới được ra rạp, điều này khiến tôi rất buồn.
Scandal của Yến Vy khi đó không phải lí do cốt yếu khiến phim không được chiếu đúng thời điểm. Thời điểm đó tôi tâm sự với Yến Vy rất nhiều, tôi rất thương cô ấy. Dư luận lúc đó quá khủng khiếp, nó có thể huỷ hoại cả một con người. Mãi đến khi Vy sang nước ngoài, lấy chồng, sinh con thì mới có lại hạnh phúc.
Sự việc đó chỉ ảnh hưởng một phần. Thời điểm những năm 2000 chỉ có duy nhất dịp Tết để các phim điện ảnh ra rạp. Mỗi năm có khoảng 4 – 8 phim tranh suất và Sài Gòn Love Story thì không cạnh tranh được với các phim hài. Kết quả là phim bị hoãn chiếu đến 4 năm. Năm 2008, khi ở Sài Gòn mở thêm những cụm rạp mới, phim mới được trình làng. Nhưng lúc đó thì nhiều chất liệu, kĩ thuật, câu chuyện cũng đã trở nên cũ kĩ.
Diễn xuất của tôi lúc ấy chưa tốt. Có lẽ đó là lý do mà cả tôi lẫn Ngô Thanh Vân đều rất ngại khi nhắc về bộ phim đầu tay này. Nhưng dù sao nó vẫn là một kỉ niệm rất đáng quý của chúng tôi, để ai cũng trưởng thành hơn sau này.
Có nhiều kỉ niệm mà đến giờ nhắc lại vẫn nhớ như in. Như cảnh tôi với Vân hôn nhau ở dưới gầm cầu. Cứ hễ hai đứa hôn là có tiếng mèo kêu, phải quay đi quay lại rất nhiều lần. Hay như cú máy one-shot rất đắt giá vào thời điểm đó với bộ phim, với cá nhân tôi, đều là những hành trang đầu đời tuyệt đẹp.
Nhưng bạn biết đó, những thứ gì mình càng trân quý, thì mình càng buồn phiền khi nhìn nó xảy ra chuyện. Thời điểm phim bị hoãn chiếu 4 năm tôi bị trầm cảm. Vì mình đã đặt quá nhiều tâm huyết và kì vọng, vì nó là bộ phim điện ảnh đầu đời, nhưng cuối cùng cứ bị treo lại trong kho. Tôi buồn phiền, chả thiết làm gì, không biết bắt đầu từ đâu, dừng luôn hoạt động ca hát, tốn mất 3 năm để trượt dài trong mớ cảm xúc tiêu cực. Thời điểm đó mình còn trẻ, sống theo bản năng và cảm xúc nhiều hơn, thích thì làm, không thích thì bỏ, hay bi kịch hoá mọi thứ. Cũng không có người khuyên bảo nên tôi chỉ đành biết buông xuôi, giành thời gian cho việc đi chơi với bạn bè để giải khuây.
Trong khi Ngô Thanh Vân thì ngược lại. Cô ấy không ngồi yên chờ thời như tôi. Vân rất chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội. Trong lúc tôi thê lương sầu não thì cô ấy đã kịp tham gia 2 bộ phim điện ảnh khác là 2 trong 1 và Dòng Máu Anh Hùng. Đến bây giờ thì Dòng Máu Anh Hùng vẫn là phim võ thuật chất lượng nhất của Việt Nam, là bước ngoặt quan trọng biến Vân thành "đả nữ", còn tôi lúc đó vẫn mãi loay hoay. Nhưng cũng chính giai đoạn đó giúp tôi biết cố gắng, nỗ lực, thay đổi và sử dụng thời gian ý nghĩa hơn.
Nhiều năm qua, quan hệ của tôi và Vân vẫn bình thường nhưng chúng tôi cũng ít khi gặp mặt. Con đường hai đứa đi cũng đã khác hẳn. Bạn hỏi tôi về một sự tái hợp? Thành thật mà nói thì khá là khó, phần nhiều là do thời gian. Lẽ ra chúng tôi đã suýt gặp nhau trong một dự án gần đây nhưng kết quả là không như ý. Tôi rất mong sắp tới được gặp lại Vân ở một dự án nào đó, trước mắt thì tôi luôn ủng hộ những dự án của cô ấy.
Nói ra không biết có phải là mê tín không, nhưng sau dự án lận đận Sài Gòn Love Story thì hầu như bộ phim nào tôi tham gia cũng gặp vấn đề. Không chuyện này thì cũng chuyện khác. Chẳng hạn như lúc đóng Giao Lộ Định Mệnh của anh Victor Vũ. Trước đó tôi đang quay phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ, phải cạo trọc đầu. Tôi cứ nghĩ tóc sẽ mọc lại nhanh thôi nhưng không ngờ đến ngày quay Giao Lộ Định Mệnh thì tóc mới chỉ ra được... 3 phân. Lúc đó tôi cảm thấy rất có lỗi với anh Victor vì phải thay đổi ngoại hình.
Sau Thái sư Trần Thủ Độ, gần như tôi tạm biệt phim truyền hình để tập trung cho điện ảnh. Thực ra đối với một diễn viên, không có phân biệt giữa phim truyền hình và phim điện ảnh, cái nào tốt hơn cái nào đâu. Sở dĩ tôi không đóng phim truyền hình nữa là bởi tôi cảm thấy chất lượng phim chưa có cơ hội để phát triển. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ màn ảnh nhỏ chính là cái nôi của mình, là nơi đã nuôi dưỡng diễn viên tay ngang Hứa Vĩ Văn những tháng ngày đầu tiên với nghệ thuật thứ 7. Tôi rất mong muốn thời gian sắp tới, phim truyền hình Việt Nam sẽ có kinh phí đầu tư mạnh hơn và phát triển trở lại.
Nhưng điện ảnh cũng chẳng phải là một sân chơi màu hồng. Tham gia rất nhiều phim lớn nhỏ, tôi hiểu được rằng không có tiêu chí chắc ăn nào để một bộ phim có thể kéo được khán giả ra rạp, nhất là khán giả của nền điện ảnh chỉ đang phát triển rất hỗn mang như Việt Nam. Thành công của một bộ phim phụ thuộc rất nhiều yếu tố, không chỉ tên tuổi của diễn viên, đạo diễn nữa mà nó bởi nhiều khâu trọng yếu liên quan như sản xuất, phát hành. Đối với tôi, một bộ phim đạt danh thu cao chưa chắc đã là một bộ phim hay.
Đến thời điểm hiện tại tôi vẫn đang đau đáu một điều, tôi không muốn nhận những bộ phim làm ra chỉ để bán được vé. Tôi muốn điện ảnh Việt Nam đa dạng hơn, nhiều thể loại và nhiều sự dấn thân hơn. Hiện tại thị trường đang mạnh nhưng đó chỉ là bề ngoài, dù ta có nhiều lợi thế về mặt rạp chiếu và khán giả nhưng nhìn lại, ta vẫn chưa có nhiều tác phẩm thành công đa thể loại để tự hào như những nước bạn.
Như Ống Kính Sát Nhân là một ví dụ. Dù bộ phim không đến được với nhiều khán giả nhưng từ đầu tôi cũng chẳng trông đợi nó sẽ bùng nổ. Vì đó không chỉ là một tác phẩm với đề tài khó của một đạo diễn trẻ mà nó sẽ là một tiền đề, một ví dụ để các nhà làm phim thấy được khía cạnh thú vị của những thể loại phim khác ngoài phim hài hay phim tình cảm. Những va vấp, đúng sai của Ống Kính Sát Nhân đầy tính tính cực, để những bạn trẻ làm phim có thể nhìn vào đó mà rút kinh nghiệm. Tôi cảm thấy hãnh diện khi là thanh tra K, rât quý đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng.
Nghĩ lại thì đúng thật là có nhiều khó khăn suốt gần 22 năm qua, tôi cũng nhiều lần thấy nản chí. Nhưng có một câu danh ngôn mà tôi rất tâm đắc: "Người thành công là người không bao giờ bỏ cuộc. Người không bỏ cuộc là người biết dừng lại." Tôi chấp nhận dành cho mình những khoảng thời gian dừng lại đó. Dừng lại để có sức mạnh, tinh thần để đi tiếp. Chính những khoảng thời gian lận đận đó đã cho Hứa Vĩ Văn trải nghiệm và sự vững chắc ở thời điểm bây giờ.
Bản thân tôi tự nhận thấy mình đã thành công, nhưng giữ được thành công tồn tại mới là việc khó mà đến giờ tôi vẫn đang cố gắng hằng ngày.
Ở chặng đường sắp tới, tôi muốn để mọi người thấy mình ở nhiều góc độ hơn. Tôi không ngại thử, chỉ ngại phim Việt Nam chúng ta không đa dạng để thử mà thôi. Sắp tới tôi sẽ lại là một soái ca trong Chàng Vợ Của Em, có thể người ta sẽ nghĩ rằng tôi quay lại hình tượng an toàn với mình. Nhưng tôi tin vai diễn đó sẽ có điểm khác biệt. Làm việc với anh Charlie Nguyễn mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Từ hào hứng, hụt hẫng cho đến bất ngờ. Anh ấy gần như vắt kiệt diễn viên để có được những thước phim hay nhất, điều đó khiến tôi hài lòng.
Ngoài ra, còn một dự án cũng rất đáng trông chờ là Trái Tim Quái Vật của đạo diễn trẻ Tạ Nguyên Hiệp. Đây là một bộ phim rất lạ, hầu như ở Việt Nam chưa ai làm, thuộc thể loại phim trinh thám-kinh dị-điều tra, tôi sẽ đóng cùng B Trần và Hoàng Thuỳ Linh. Đây cũng là một vai diễn tương đối thử thách với tôi vì phải vào vai người đàn ông ngoài 50 tuổi, ngoại hình chảy xệ, bản tính lại xấu xa. Mỗi lần quay đều phải mất đến 3 tiếng make up với lớp trang điểm rất dày, thậm chí còn bị tổn hại da nhưng không sao, tôi chấp nhận.
Có thể trong mắt công chúng, tôi chỉ được chọn đóng những vai đẹp mã, lịch thiệp. Nhưng tôi dám khẳng định, Hứa Vĩ Văn hiện tại là người có rất nhiều sự lựa chọn. Tôi của bây giờ cũng đã khác 14 năm trước, đang rất nhiều năng lượng, diễn xuất cũng đã chín muồi và đóng được nhiều dạng vai. Chính vì vậy mà tôi luôn phân vân giữa rất nhiều kịch bản. Một số người từng nói tôi chảnh vì được mời mà không làm. Nhưng tiêu chí làm việc của tôi rất khắt khe. Ở mỗi dự án, tôi luôn phải cân nhắc xem mình có làm tốt hay không, có thời gian không, và bộ phim đấy mang lại giá trị gì cho mình.
Khán giả yêu quý mình, trông chờ sản phẩm nào của mình thì mình càng phải có trách nhiệm phục vụ những thứ tốt nhất. Ngoài ra, tôi cũng phải cân nhắc về vấn đề sức khỏe vì giờ cũng đã 40, không phải muốn làm gì cũng được nữa.