Một vị du khách có tên là Alex Jones đang đi dạo và dọn rác trên bãi biển ở đảo Padre thuộc Texas, Mỹ thì tình cờ nhìn thấy khá nhiều dây cáp bị trôi dạt vào bãi cát. Anh ta cho rằng có thể do ở đâu đó dây cáp bị đứt hoặc do ai đó cắt trộm và vứt xuống biển nên đã gọi cho Ban Quản lý Công viên quốc gia đảo Padre để báo cáo sự việc.
Ban Quản lý công viên đã cho người xuống kiểm tra tình hình nhưng họ đã nhanh chóng nhận ra rằng thứ mà Alex nhìn thấy không phải là dây cáp. Rebekah Claussen, hướng dẫn viên của Công viên quốc gia đảo Padre nói ngay: Anh đừng đụng vào vì việc đó không cần thiết!
Rebekah Claussen đã chia sẻ với Alex rằng "đống dây cáp" mà anh nhìn thấy thực chất là một loại sinh vật biển có tên là san hô roi biển.
Một du khách đã tìm thấy rất nhiều "dây cáp" dạt vào bãi cát (Ảnh: Live Science)
Loại san hô roi biển dạt vào bờ lần này có màu vàng rực rỡ đan xen với rong biển và các mảnh vụn đại dương khác nên chúng đã khiến Alex nhầm lẫn.
San hô roi biển có tên khoa học là Leptogorgia virgulata.
Roi biển là một loại san hô thuộc địa có thân mềm và dài. Chúng có chiều cao trung bình từ 15 đến 60 cm, đôi khi đạt tới 1 m. San hô roi biển mọc ở trên đá ở độ sâu 20 m dọc theo rìa phía tây của Đại Tây Dương. Chúng là động vật ăn thịt, các thân nhánh là các xúc tu chìa ra để bắt phù du trôi qua theo dòng chảy.
Thân nhánh của chúng là tập hợp từ các polyp san hô có thân mềm với xúc tu tạo thành một vòng quanh miệng. Theo Trung tâm Khoa học Biển đảo Tybee ở Georgia, roi biển trôi dạt vào đảo Padre là loại san hô roi biển sặc sỡ có nhiều màu sắc như trắng, tím, vàng, đỏ. Chúng có thể được tìm thấy ở vùng biển phía Bắc như New Jersey và phía Nam như Vịnh Mexico.
Chuyên gia cho biết chúng không phải là dây cáp mà là san hô roi biển (Ảnh: Live Science)
Rebekah Claussen cũng cho biết: "Roi biển bị trôi vào bờ là do chúng bị tách ra khỏi đá và không còn sống nữa.
Vì màu sắc đặc biệt nên nhiều người thường nhầm chúng là dây cáp hoặc dây câu. Tuy nhiên nếu tình cờ bắt gặp san hô roi biển trên bờ biển thì mọi người hãy cứ để mặc chúng thay vì dọn dẹp vì sau khi phân hủy chúng rất có ích cho hòn đảo.