10 năm sau tốt nghiệp, mỗi người một hướng đi
Video họp lớp cấp 3 của cô gái Lý Vũ Ngọc người Trung Quốc đang gây chú ý trên mạng xã hội đất nước tỷ dân. Những người bạn của cô gái này đều đỗ vào các trường đại học danh tiếng, đạt điểm cao trong top đầu của địa phương.
Bản thân cô gái họ Lý cũng thuộc nhóm học bá này, tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh top 1 Trung Quốc.Nhưng sau khi tốt nghiệp cô lại gia nhập showbiz với vai trò diễn viên hài. Đây là điều không ai ngờ tới bởi cấp 3 cô luôn có hình tượng "mọt sách" trong mắt mọi người, không mấy liên quan đến các hoạt động giải trí.
Cư dân mạng tò mò cuộc sống sau 10 năm tốt nghiệp của họ ra sao, liệu có thành công hơn những người còn lại trong lớp không. Theo tiết lộ của Lý Vũ Ngọc, một số người trong số họ lại có cuộc sống bình thường đến khó tin, một số lại "nổi loạn" khác thường so với con người trước kia, nhóm còn lại giàu có đến đáng ghen tỵ.
Ảnh minh hoạ
Người bạn đầu tiên được nhắc đến họ Vũ, học về Tài chính tại ĐH Hồng Kông (Trung Quốc). Nền tảng học vấn tốt giúp anh Vũ gia nhập một công ty cổ phần tư nhân ngay sau khi tốt nghiệp. Sau đó chàng trai này vẫn tiếp tục theo đuổi công việc trong lĩnh vực tài chính, đầu tư thêm cả cổ phiếu. Ở tuổi 30, Lý Vũ Ngọc ngưỡng mộ sự tự do cả về tài chính lẫn lối sống của người bạn năm nào.
Cô gái có biệt danh Su tốt nghiệp ngành truyền thông ĐH top đầu, trở thành một phóng viên thể thao. Thế nhưng càng làm công việc này Su lại nhận ra mình không phù hợp, khó thích nghi. Kết quả là trái với kỳ vọng của mọi người, Su không có bước tiến đáng kể nào trong sự nghiệp những năm gần đây, cũng không thích công việc hiện tại.
Anh chàng Trần Hạo đang học tiến sĩ tại trường Luật ĐH Bắc Kinh. Ở trường cấp 3, anh có tính cách trầm ổn, là học sinh giỏi tiêu biểu. Thế nhưng giờ đây Trần Hạo đang nung nấu những dự định "nổi loạn", thậm chí bảo lưu việc học để không bó buộc bản thân cuộc đời nhàm chán trước kia.
Điểm thi cao không phải thành công tất yếu
Cư dân mạng vẫn không khỏi xúc động trước sự đoàn tụ của những người "chiến thắng" trong kỳ thi đại học năm nào. Nhóm học sinh xuất sắc một thời này đã có thành công đầu đời ở tuổi 18, khi dùng thành tích học tập để từ vùng quê nghèo vươn lên các thành phố lớn. Họ chính là "con nhà người ta" đáng ghen tỵ trong mắt người khác.
Ảnh minh hoạ
Thế nhưng ít ai nhận ra, điểm thi cao chỉ là cánh cửa đưa họ đến một môi trường tốt hơn, không phải tấm vé bảo đảm cho tương lai xán lạn 10 năm hay xa hơn nữa. Video của Lý Vũ Ngọc đã phơi bày hiện thực này, phá vỡ ý nghĩ "học giỏi chắc chắn thành công" của nhiều người.
Sau khi tốt nghiệp lại là vô số những ngã rẽ, những sự lựa chọn hay hoàn cảnh đưa đẩy khác nhau. Đằng sau hình ảnh hào nhoáng của mỗi học sinh xuất sắc năm nào là khó khăn, nỗi niềm riêng, cũng gặp khủng hoảng như bao người khác.
Ảnh minh họa
10 năm sau tốt nghiệp, ít ai còn hỏi bạn thi đại học được bao nhiêu điểm. Khoảng thời gian từ năm 18 đến 28 tuổi đưa mỗi người từ gia đình ra xã hội khốc liệt. Họ không còn chung một hệ quy chiếu để so sánh như điểm số, giải thưởng ngày trước. Mỗi người đều sẽ hiểu câu nói "Chỉ cần thi đại học tốt, cuộc đời sau này không phải lo nghĩ" của nhiều phụ huynh năm nào không còn đúng 100%.
Đích đến của mỗi người cũng không chỉ bó buộc trong "công việc ổn định", "kiếm nhiều tiền" mà có thể rộng hơn, là sự tự do, là sự thỏa mãn về tinh thần. Cuộc sống không bao giờ có thể đoán trước. Chỉ có cách bước qua thành công quá khứ, xác định mục tiêu và tìm cách hiện thực hóa nó, bạn mới làm chủ được cuộc sống và hạnh phúc theo cách của chính mình.