Huyện Lệ Thủy được xem là “vựa lúa” lớn nhất tỉnh Quảng Bình và sản xuất lúa vụ hè - thu luôn đạt năng suất cao. Tuy nhiên, vụ lúa hè - thu năm nay, ở huyện này có đến trên 700 ha đất bỏ hoang không sản xuất.
Xã Hoa Thủy bỏ hoang hơn 200ha đất trồng lúa vụ hè - thu
Xã Hoa Thủy một trong những địa phương có diện tích bỏ hoang, không sản xuất lúa hè - thu lớn của huyện Lệ Thủy. Vụ hè - thu này, Hoa Thủy có 739 ha lúa tái sinh, 16,5 ha gieo trồng mới và có đến trên 200 ha bỏ hoang.
Lý giải nguyên nhân, ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho biết: Khó khăn lớn nhất của việc gieo trồng vụ hè - thu là bị chuột phá hoại.
Thường lúa tái sinh sẽ thu hoạch sớm hơn lúa gieo sạ một khoảng thời gian dài. Thế nên khi lúa tái sinh thu hoạch xong thì chuột sẽ tấn công lên vùng lúa gieo sạ để tìm kiếm thức ăn.
“Thực tế nhiều năm nay, chỉ trong vài đêm là chuột phá nát cả đồng lúa, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, sản xuất không có lãi, chưa kể khi gặp thời tiết bất lợi sẽ thua lỗ” - ông Hoà nói.
Đồng lúa bị bỏ hoang của xã Đại Trạch
Huyện Bố Trạch cũng là địa phương có diện tích trồng lúa hè - thu bị bỏ hoang nhiều, riêng xã Đại Trạch có hơn 160ha bị bỏ hoang, mặc dù nguồn nước tưới tiêu luôn được bảo đảm.
Ông Nguyễn Văn Miền, thôn Hạ, xã Đại Trạch chia sẻ: “Tấc đất, tấc vàng” nhưng giờ lại bỏ hoang, tôi cũng rất tiếc nhưng cả cánh đồng không ai làm, mình muốn gieo cấy cũng không được. Trồng lúa không thể tự sản xuất đơn lẻ, diện tích ít không đủ làm thức ăn cho chuột”.
Ông Phan Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết, nông dân xã này từ lâu chỉ sản xuất một vụ đông - xuân, còn vụ hè - thu gần như ruộng đồng bỏ hoang vì sợ chuột phá hoại.
Địa bàn của xã có đường sắt Bắc - Nam đi qua, các hốc đá của đường tàu là môi trường lí tưởng cho chuột sinh sôi. Thế nên chuột ở Đại Trạch nhiều vô kể. Đã có nhiều chiến dịch diệt chuột, bắt giết hàng vạn con, nhưng cũng không thể làm sạch đồng ruộng được, nên người dân không mặn mà với vụ hè - thu.
Đồng lúa nhiều nơi trở thành bãi chăn thả trâu bò
Trao đổi với một số nông dân địa phương, họ cho biết, ngoài nỗi sợ chuột phá hoại, thì giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao cũng là một lực cản để nông dân chuyên tâm sản xuất.
Trước đây, người trồng lúa thường lấy công làm lãi nhưng nay đều phải thuê máy móc, chi phí vụ đông - xuân 180.000 đồng/sào, nhưng vụ hè - thu tăng lên 300.000 đồng/sào vì làm gấp để kịp thời vụ.
Bên cạnh đó, giá phân bón cũng tăng lên đáng kể. Năm 2021, giá phân bón từ 800.000 - 900.000 đồng/tạ. Nhưng đến năm 2022, giá phân bón tăng vọt lên 1,8 triệu đồng/tạ, thậm chí có thời điểm lên hơn 2 triệu đồng/tạ.
Năm nay, giá phân bón có giảm xuống còn 1,5 triệu đồng/tạ nhưng mức giá đó vẫn còn quá cao, trong khi năng suất lúa hè - thu chỉ đạt 70% so với vụ đông - xuân, làm không có lãi, thậm chí là thua lỗ nếu mất mùa.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình, vụ đông - xuân năm nay toàn tỉnh Quảng Bình gieo trồng 29.386 ha lúa. Nhưng vụ hè - thu chỉ gieo trồng được 22.500 ha lúa. Như vậy, toàn tỉnh Quảng Bình có 6.886 ha đất trồng lúa bị bỏ hoang trong vụ hè - thu.