“Để tìm ra bản chất và đối tượng của vụ án liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công tác thu thập tài liệu, dấu vết đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì giải mã được dấu vết mới có căn cứ tiến hành các bước điều tra tiếp theo, đặc biệt là trong trường hợp không có nhân chứng”, Thượng tá Nguyễn Viết Nội, Phó Trưởng phòng Giám định kỹ thuật pháp lý (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) cho biết.
Nổ xe máy kinh hoàng làm 2 người thiệt mạng
Lật giở những trang hồ sơ, Thượng tá Nguyễn Viết Nội nhớ lại vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh khiến 2 mẹ con thiệt mạng từ nhiều năm trước.
Thượng tá Nguyễn Viết Nội.
Vụ nổ xảy ra vào ngày 1/12/2011, như thường lệ chị N.T.Q (SN 1982, trú xã Nam Sơn, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) dùng xe máy đưa con gái là N.K.V (SN 2007) đến lớp mẫu giáo. Khi vừa nổ máy ra khỏi cổng nhà chừng 5m, chiếc xe bất ngờ phát nổ và bốc cháy ngùn ngụt, khiến hai mẹ con chị bị hất ngã xuống mặt đường. Khi người thân đưa lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu, chị Quỳnh đã tắt thở do vết thương quá nặng. Con gái 4 tuổi của chị Q. cũng bị bỏng nặng, tử vong sau nhiều ngày cấp cứu.
Dư luận ban đầu cho rằng, chiếc xe máy bị trục trặc kỹ thuật nên đã gây tai họa. Nhà sản xuất xe cũng bàng hoàng, kiểm tra ngay khâu kỹ thuật trong sản xuất. Để truy tìm hung thủ vụ nổ xe, cơ quan chức năng đã tập trung nhiều hướng nghi vấn. Hàng trăm lượt cảnh sát được tung vào cuộc, trong đó có cán bộ của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) vào cuộc phân tích và giám định tang vật.
Cán bộ điều tra đánh giá, vụ cháy nổ có 2 khả năng: Nổ ắc quy dẫn tới nổ bình xăng hoặc do vật nổ. Mọi mẫu vật thu được ở hiện trường đều được đưa về Viện Khoa học hình sự, nhiều cuộc hội thảo của các chuyên gia cháy nổ, của lãnh đạo Viện đã đưa ra những phân tích, đánh giá. Cuối cùng đã khẳng định vụ nổ là do… vật nổ. Vậy vật nổ đó là gì? Để tìm được câu trả lời, những người làm khoa học như Thượng tá Nội phải chạy đua với thời gian vì hơn ai hết, anh hiểu rằng, khi một vụ cháy nổ xảy ra nếu không nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cháy thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, dẫn đến nhận định sai lệch bản chất vụ án.
Tội ác của gã em rể
Quá trình điều tra vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì vào ngày 21/12/2011, Thượng tá Nội và các đồng nghiệp qua giám định chính thức có kết luận tìm thấy dấu vết chất nổ TNT trên mẫu vật và 2 mảnh kíp nổ vỏ nhôm (bé bằng 1/3 vỏ hạt vừng). Vị trí đặt vật nổ nằm tại khu vực đặt bình ắc quy (dưới bình xăng) của xe máy. Theo Thượng tá Nội, cơ chế gây nổ được làm rõ: kíp điện được đấu nối với các hệ thống điện đèn báo phanh phía sau của xe, đạp phanh gây nổ kíp, kích nổ thuốc nổ, sau đó gây cháy nổ bình xăng, dẫn đến vụ cháy nổ xe máy.
Như vậy bản kết luận giám định này đã khẳng định vụ cháy nổ xe máy không phải là một vụ tai nạn thông thường, mà khả năng do có đối tượng đã sử dụng mìn tự tạo gây nổ nhằm mục đích tước đi sinh mạng của hai mẹ con người phụ nữ xấu số. Nhận định này chính là “chìa khóa” để các điều tra viên vững tâm truy tìm tội phạm.
Hơn 40 ngày sau vụ cháy nổ xe máy, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát đã triệu tập Nguyễn Đức Tiềm (SN 1978, quê Hải Dương, em rể của anh Quế - chồng nạn nhân) lên trụ sở làm rõ. Lúc đầu, Tiềm quanh co, không thừa nhận đã gây ra vụ việc. Nhưng trước những chứng cứ khoa học không thể chối cãi, đối tượng đã cúi đầu thừa nhận là hung thủ duy nhất gây ra cái chết cho thai phụ Q. cùng cháu gái 4 tuổi.
Tiềm khai, vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với gia đình anh vợ nên hắn đã nung nấu ý định trả thù. Giữa tháng 11/2011, Tiềm về quê ở Hải Dương lấy thuốc nổ. Đêm 30/11/2011, rạng sáng 1/12/2011, phát hiện chìa khóa xe máy Dream của chị Q. vẫn cắm ở ổ điện, Tiềm mở khóa yên, tháo bình xăng, gắn kíp điện vào thuốc nổ...
Và một điều cũng thật bất ngờ khi điều tra vụ án này, cơ quan công an còn phát hiện vào năm 2010, tên Tiềm còn là thủ phạm của vụ nổ xe ở Kinh Môn, Hải Dương làm anh T (bạn của Tiềm) cụt chân. Vì ghen tuông, nghi ngờ vợ có tình cảm với anh T, Tiềm đã lén lút gài thuốc nổ vào chiếc xe Suzuki Viva của nạn nhân.
Trả giá cho những hành vi tàn độc của mình, Nguyễn Đức Tiềm đã bị Tòa tuyên án tử hình.
Dấn thân vào ngành nghề nguy hiểm, thường xuyên tiếp xúc với tử thi trong tình trạng đang phân hủy hoặc cháy đen, dị dạng do bị lửa thiêu rụi… cùng với môi trường độc hại, Thượng tá Nguyễn Viết Nội cho rằng, ngoài cái tâm với công việc, những người làm công tác giám định kỹ thuật pháp lý còn phải thực sự yêu nghề.
Đến nay, song song với công tác quản lý, Thượng tá Nguyễn Viết Nội vừa đảm nhiệm công việc chuyên môn của một giám định viên, vừa tham gia công tác đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ khám nghiệm và giám định cháy nổ với trách nhiệm của một “người truyền dạy”.
Anh luôn nhắc các cộng sự và học trò của mình rằng, điểm xuất phát cháy chính là “hạt vàng” trong điều tra vụ việc. “Kinh nghiệm khám nghiệm hiện trường cháy cho thấy, nguồn nhiệt chưa chắc đã là nguyên nhân cháy, mà phải là nguồn nhiệt cùng chất mồi gây cháy nằm trong điểm xuất phát cháy mới đích thị là “thủ phạm”. Nếu không xác định được vùng cháy, không tìm ra điểm xuất phát cháy thì không thể xác định được nguyên nhân cháy”, vị Thượng tá Cảnh sát nói.
Thượng tá Nguyễn Viết Nội chia sẻ, khám nghiệm hiện trường và giám định dấu vết cháy nổ đơn thuần đã khó, giám định những vụ án mạng liên quan đến cháy nổ lại càng khó hơn. Ở những vụ án này, tội phạm thường lấy cháy nổ để xóa dấu vết phạm tội và thường có sự tính toán từ trước để tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra. Sau khi lửa cháy đã tàn, các vật chứng liên quan đến vụ án thường bị than hóa khiến dấu vết gần như bị xáo trộn. Thời điểm gây án thường vào đêm khuya, địa điểm vắng người qua lại nên hầu như không có nhân chứng. Hay có nhiều vụ việc, hiện trường gần như không lưu lại dấu vết nào của hung thủ, mà theo cách gọi của lính hình sự là “án mờ”. Lúc này, hành trình lần tìm chứng cứ của “cánh” giám định viên như các anh lại càng khó khăn, vất vả gấp bội.
Nhưng hơn hết thảy, bằng tình yêu nghề của những “trái tim nóng” luôn cháy hết mình vì công việc, thượng tá Nội cùng các đồng sự vẫn miệt mài “bới than tro và xác chết” để tìm ra những chứng cứ khách quan, được khẳng định bằng khoa học giúp lực lượng chức năng có hướng điều tra đúng. Với các anh, những kết luận giám định khoa học đó là động lực và cũng là niềm tin giúp các anh tiếp tục âm thầm cống hiến vì sự bình yên của mọi người, mọi nhà.