Mới đây việc Hạ viện Mỹ thông qua lệnh buộc Tiktok phải cắt đứt liên hệ với Trung Quốc hoặc rời khỏi thị trường này đã gây tác động mạnh đến Tesla và Apple. Tờ Washington Post nhấn mạnh chính quyền Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ có động thái trả đũa, nhắm đến những tập đoàn lớn của Mỹ đang phụ thuộc vào thị trường này.
Năm 2023, Trung Quốc chiếm 50% doanh số và 20% công suất sản xuất của Tesla trong khi 95% số sản phẩm iPhone, AirPods, Macs và iPads của Apple được sản xuất ở Trung Quốc. Đây cũng là thị trường chiếm đến 1/5 tổng doanh thu của nhà táo khuyết, vào khoảng 74 tỷ USD năm 2022.
Trước tình hình này, cả CEO Elon Musk của Tesla và CEO Tim Cook của Apple đều đang vô cùng lo lắng, trong khi ông chủ Mark Zuckerberg của Meta (Facebook) lại vui mừng vì chẳng có nhiều hoạt động tại Trung Quốc và có thể tận dụng cơ hội khi Tiktok gặp khó.
Tuy nhiên điều ít ai để ý tới là chính Meta (Facebook) là người đã thúc đẩy câu chuyện cấm Tiktok, vốn đã từng được Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành để rồi bị người kế nhiệm Joe Biden bác bỏ.
Theo eMarketer, Meta có thể chiếm 22,5-27,5% doanh thu quảng cáo từ Tiktok, qua đó kiếm thêm về hơn 2 tỷ USD cho Mark Zuckerberg trong năm 2025 tới đây. Về phía Google, tập đoàn này cũng có thể lấy được 15-20% nếu Tiktok bị cấm tại Mỹ.
Tờ Business Insider (BI) cho hay kể từ khi vượt mặt MySpace cách đây 15 năm, Meta (Facebook) đã tăng trưởng bùng nổ nhờ công thức mua lại, sáp nhập và bắt chiếc đối thủ. Họ thâu tóm Instagram và WhatsApp, bắt chiếc Story như của Snapchat và gần đây nhất là xây dựng Threads đối đầu Twitter-X.
Tuy nhiên công thức này đã không còn hữu dụng với Tiktok.
Năm 2016, Facebook đã cố gắng mua lại Musical.ly nhưng cuối cùng lại để ByteDance nẫng tay trêm, sau đó tạo ra một trong những đối thủ đáng gờm nhất cho Mark Zuckerberg. Trước tình hình này, Meta ra mắt Reel như một sản phẩm sao chép Tiktok nhưng cũng không tạo được tiếng vang lớn.
Năm 2022, sau khi lượng người dùng tích cực trên Meta giảm lần đầu tiên, Mark Zuckerberg đã phải ngậm ngùi thừa nhận họ đang bị Tiktok đe dọa lấy mất thị phần.
Gặp khó trong việc tiến hành công thức cũ để đè bẹp Tiktok, Mark Zuckerberg đã chuyển sang cách thức mới để hạ gục đối thủ: chính trị.
"Trong khi những ứng dụng của chúng tôi bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ thì Tiktok, một ứng dụng của Trung Quốc lại kiểm duyệt nhiều nội dung tự do, thậm chí là ngay trên chính thị trường Mỹ. Đó liệu có phải là một nền tảng Internet mà chúng ta mong muốn", Mark Zuckerberg phát biểu tại trường đại học Georgetown University.
Tờ Washington Post cho hay kể từ năm 2022, Meta đã âm thầm tiến hành vận động hành lang khi liên hệ với tổ chức tư vấn Targeted Victory nhằm đẩy mạnh quảng bá câu chuyện Tiktok gây ảnh hưởng xấu cho trẻ em và xã hội Mỹ.
Việc tăng cường truyền bá câu chuyện Tiktok đưa thông tin sai sự thật, thu thập dữ liệu người dùng gây mất an ninh tại Mỹ đã nhanh chóng làm tiền đề cho các chính trị gia Mỹ vào cuộc.
Thậm chí khi Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) cáo buộc Meta sử dụng trái phép dữ liệu người dùng thì nền tảng này đã đáp trả thẳng rằng chính phủ đang "cho phép những công ty Trung Quốc như Tiktok thu thập dữ liệu người dùng ngay trên lãnh thổ Mỹ".
Biện pháp này đã được chứng thực là thành công tại Ấn Độ khi Tiktok bị cấm, người dùng nhanh chóng chuyển sang Instagram Reels hoặc Youtube Shorts.
Tương tự, hãng eMarketer nhận định Amazon cũng có thể thở phào nhẹ nhõm khi Tiktok bị cấm vì tiềm năng TMĐT của nền tảng này là quá lớn và có thể đe dọa đến đế chế này.
"Cấm Tiktok sẽ chỉ khiến những ông lớn như Meta hay Google trở nên độc quyền hơn mà thôi chứ chẳng ảnh hưởng quá nhiều đến an ninh người dân Mỹ đâu", giám đốc Evan Greer của "Fight for Future" nói thẳng.
"Trung Quốc đang để ngỏ mọi khả năng có thể xảy ra lúc này. Một số hãng công nghệ Mỹ có thể đối mặt rủi ro trở thành nạn nhân trong cuộc xung đột hiện nay", chuyên gia Xiaomeng Lu của Eurasia Group nhận định.
Rõ ràng việc Tiktok đối mặt nguy cơ bị cấm ở Mỹ là thông tin chẳng mấy vui vẻ gì cho Elon Musk khi Trung Quốc đóng vai trò quá quan trọng với Tesla. Đích thân vị tỷ phú này đã từng thừa nhận năm 2023 rằng cuộc xung đột Mỹ-Trung là rủi ro cho triển vọng phát triển của hãng.
Hiện Tesla đang gặp khủng hoảng toàn diện ở Trung Quốc trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà sản xuất địa phương. Hãng đang dự định cắt giảm 20% nhân sự trong bối cảnh doanh số giảm 20% trên toàn cầu. Trong khi đó cuộc chiến dìm giá của Elon Musk tại xứ sở tỷ dân vẫn chưa có hồi kết khi cắt giảm chi phí lại đang là thế mạnh của các nhà máy địa phương.
Trái lại, việc liên tục giảm giá đang ăn mòn lợi nhuận của Tesla, nhưng ngay cả như vậy thì doanh số vẫn suy giảm khi người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm giá rẻ hoặc dòng xe Hybrid hơn.
Nhà phân tích Ke Qu của CCB International dự báo cạnh tranh ngày càng tăng và gay gắt trong quý II và có thể sẽ tiếp tục sang quý 3/2024 trên thị trường xe điện Trung Quốc.
Hiện hơn 40 nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc đã giảm giá hoặc đưa ra giảm giá chỉ trong tháng này sau khi BYD (thương hiệu bán xe điện hàng đầu thế giới) giảm giá từ 10% - 15% cho các mẫu xe vào tháng 2/2024.
"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường ô tô xảy ra đợt giảm giá quy mô lớn như vậy", chuyên gia Ke cảnh báo.
Không chịu thua, Tesla cũng giảm giá 14.000 nhân dân tệ cho các mẫu xe 3, Y, S và X, sau khi giảm giá ở Mỹ và Châu Âu trong những ngày gần đây.
Cổ phiếu của Tesla đã giảm gần 40% trong năm nay và có khả năng sẽ còn thiệt hại nặng hơn nếu chính quyền Bắc Kinh có động thái trả đũa vụ Tiktok.
Tương tự, Apple cũng đang cực kỳ lo lắng trước khả năng bị Trung Quốc trả đũa. Báo cáo mới đây cho thấy doanh số bán iPhone của Apple tại thị trường Trung Quốc đã giảm 19% trong quý 1/2024, đánh dấu hiệu suất kinh doanh tồi tệ nhất của dòng điện thoại này kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào khoảng năm 2020.
Theo ước tính của Counterpoint Research, nhà táo khuyết đã tụt xuống vị trí thứ ba trong thị trường điện thoại cạnh tranh khốc liệt này, gần bằng đối thủ đang phát triển nhanh chóng là Huawei. Trong khi đó, toàn bộ thị trường mở rộng khoảng 1,5% với các thương hiệu nội địa như Honor và Xiaomi dẫn đầu đà tăng trưởng.
Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường lớn nhất của Apple, nhưng việc kinh doanh ở đây trở nên khó khăn hơn sau khi Bắc Kinh tăng cường lệnh cấm các thiết bị nước ngoài trong các công ty nhà nước và cơ quan chính phủ. Người tiêu dùng cũng đang đón nhận sự trở lại nổi bật của Huawei sau khi hãng ra mắt chip do Trung Quốc tự sản xuất - thứ mà các lệnh trừng phạt của Mỹ nỗ lực ngăn chặn.
Nhà sản xuất iPhone đã phải dùng đến các chương trình giảm giá "bất thường" vào tháng 1 tại Trung Quốc để giúp duy trì doanh số bán các thiết bị thế hệ mới nhất. Các đối tác bán lẻ của hãng ở thị trường này cũng đưa ra các ưu đãi, giảm giá tới 180 USD so với giá thông thường.
Thậm chí CEO Tim Cook đã phải tất bật đến thăm Trung Quốc như một động thái nhằm xoa chịu người dân lẫn chính phủ trong bối cảnh bị áp lực từ cả 2 phía.
Một mặt chính quyền Washington muốn Apple dịch chuyển nhà máy về Mỹ hoặc sang các nước khác, trong khi nhà táo khuyết lại đang cần Trung Quốc hơn bao giờ hết để giữ tăng trưởng.
Rõ ràng, việc Tiktok bị cấm tại Mỹ đang đem lại lợi ích cho một nhóm ông lớn công nghệ và cũng đe dọa đến một nhóm tập đoàn lớn khác.
Nguồn: BI, Washington Post