Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 31,7 triệu ca mắc và hơn 573.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 62.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 13,1 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 341.000 trường hợp thiệt mạng. Ngày 6/4, Brazil không ghi nhận trường hợp nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ báo cáo hơn 131.800 ca mắc mới, đưa tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này lên hơn 13 triệu trường hợp, trong đó có gần 167.700 bệnh nhân không qua khỏi.
Tại châu Âu, ngày 8/4, Ba Lan ghi nhận thêm 954 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, trên 27.800 ca mắc COVID-19 mới. Theo giới chức y tế Ba Lan, số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm 20% nhưng dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới gần 2,5 triệu người, trong đó có trên 56.600 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã ghi nhận trên 55.900 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này cách đây hơn 1 năm. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu làn sóng dịch thứ 3. Số ca lây nhiễm mới tăng nhanh, buộc các nhà chức trách nước này thắt chặt biện pháp phòng dịch vốn được nới lỏng hồi đầu tháng 3. Phần lớn các khu vực tại Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm trong vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm cả thủ đô Ankara và thành phố Istanbul.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm vào cuối tuần tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao (Ảnh: AP)
Theo kế hoạch, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm vào cuối tuần tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao trong thời gian diễn ra lễ Ramadan của người Hồi giáo, từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5. Trong thời gian này, các nhà hàng chỉ được phép mở cửa phục vụ đồ mang về hoặc giao hàng tận nhà. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 3,6 triệu ca với trên 33.300 người tử vong.
Ngày 8/4, Thái Lan ghi nhận thêm 405 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức tăng theo ngày cao nhất trong 2 tháng qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên trên 30.300 ca sau khi một loạt ổ dịch khiến số ca nhiễm mới gia tăng tại thủ đô Bangkok. Theo người phát ngôn Cơ quan xử lý tình hình dịch bệnh COVID-19 của Thái Lan, trong số 405 ca nhiễm mới nói trên, có 391 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 14 người nhập cảnh. Riêng thủ đô Bangkok có 95 ca và 145 trường hợp khác tại Narathiwat do một ổ dịch lây lan trong nhà tù tại tỉnh này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Thái Lan đang xem xét tạm thời đóng cửa các cơ sở giải trí tại 41 trong tổng số 77 tỉnh của nước này để phòng chống dịch bệnh. Chính quyền vùng đô thị Bangkok của Thái Lan đã quyết định hủy bỏ tất cả các hoạt động đón mừng Tết cổ truyền Songkran (Lễ hội té nước) tại tất cả các quận của thủ đô, đóng cửa tất cả các địa điểm giải trí trên khu phố Khaosan nổi tiếng ở Bangkok đến ngày 12/4 tới và sẽ thực hiện xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho tất cả các tiểu thương trong khu vực.
Bộ Y tế Campuchia đã xác nhận 113 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 8/4, trong đó riêng thủ đô Phnom Penh có tới 103 ca. Điều đáng chú ý là số ca nhiễm mới tập trung chủ yếu ở chợ Orussey và một nhà máy may. Riêng trong tối 7/4, hơn 50 tiểu thương và nhân viên bảo vệ tại chợ Orussey, chợ lớn nhất tại thủ đô Phnom Penh, có kết quả dương tính với COVID-19. Hiện chính quyền địa phương đang kêu gọi các tiểu thương và những người liên quan đến khu chợ trên phải đi xét nghiệm.
Số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt tại thủ đô Phnom Penh (Ảnh: AP)
Một ổ dịch khá phức tạp khác diễn ra lại tại nhà máy may ở quận Meanchey với 50 công nhân dương tính với COVID-19. Bộ Y tế Campuchia đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ hơn 2.500 công nhân của nhà máy. Chính quyền sở tại ra lệnh, tất cả các công nhân bắt buộc phải đến lấy mẫu xét nghiệm, nếu không sẽ bị cho thôi việc.
Malaysia đã quyết định đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 giai đoạn 3 dành cho toàn dân lên cuối tháng 4, thay vì vào tháng 5 như dự kiến. Lý do là để tránh hiện tượng quá tải ở giai đoạn cuối của chiến dịch tiêm chủng khi tỷ lệ đăng ký hiện tại còn ở mức thấp. Theo kế hoạch, Malaysia sẽ triển khai giai đoạn 2 chương trình tiêm chủng quốc gia vào ngày 19/4, dành cho đối tượng là người già có độ tuổi từ 60 trở lên và nhóm người có nguy cơ cao. Người dân được đăng ký lịch tiêm 2 tuần trước đó. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có chưa đến 2,3 triệu trên tổng số 9,4 triệu người trong diện tiêm chủng này đăng ký. Việc đẩy sớm giai đoạn 3 sẽ tạo điều kiện cho những người đăng ký sớm được tiêm vaccine. Tuy nhiên, những người già dù đăng ký sau vẫn được hệ thống nhận diện ưu tiên tiêm trước.
Malaysia mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay với việc hoàn thành tiêm chủng cho 80% dân số. Nước này đã đặt mua đủ lượng vaccine cho toàn dân. Đến nay, có khoảng 850.000 người đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Loại vaccine đang được sử dung là Pfizer Bontech và Sinovac của Trung Quốc.
Indonesia đã quyết định cấm người dân di chuyển bằng đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt trong lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, mục đích là để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Lệnh cấm này sẽ được áp dụng từ ngày 6 - 17/5. Thông thường, trước lễ Eid al-Fitr hàng năm, người dân Indonesia ồ ạt về quê bằng đường bộ hay đường hàng không. Đây là một ngày lễ quan trọng, chấm dứt tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Trước đó, Indonesia đã cấm tổ chức cuộc hành hương truyền thống quy mô lớn được người dân địa phương gọi là "mudik".