Trận đấu giữa Man Utd và Southampton diễn ra ngay trước sinh nhật của Sir Alex Ferguson (31/12/1941). Họ rất cần một chiến thắng để nuôi hy vọng bám đuổi Man City trên bảng xếp hạng, đồng thời lấy chiến thắng trên sân nhà làm món quà gửi đến Sir Alex.
Tuy vậy, bản thân Sir Alex không hề nghĩ tới chuyện "quà cáp". Ông chỉ muốn chiến thắng, muốn vô địch như thói quen thường lệ trước kia. Trước thềm trận đấu, Sir Alex chia sẻ: "Khi Man Utd chơi trên sân nhà, bạn phải luôn kỳ vọng họ giành chiến thắng. Hy vọng chúng tôi có thể giành 3 điểm hôm nay".
Khi nói về hy vọng giành chiến thắng, ông cũng nhắc lại câu chuyện của Arsenal đúng 20 năm trước. Mùa giải 97-98, Man Utd từng hơn Arsenal tới 9 điểm, nhưng dần tụt lại và mất chức vô địch vào tay đối thủ. Cuối bài phỏng vấn, ông kết luận: "Hãy kiên nhẫn, vì mọi thứ đều có thể xảy ra. Điều đó có thể bạn chẳng hề mong muốn, nhưng vẫn cứ xảy ra".
Nhưng rốt cục, Man Utd của Sir Alex ngày nào đã là thời dĩ vãng. Bởi thực tế họ hòa Southampton không bàn thắng ngay trên sân nhà. Một kết quả chẳng thể tệ hơn: Không chỉ có nguy cơ bị Man City tiếp tục nới rộng khoảng cách, Man Utd còn mất luôn ngôi nhì bảng vào tay Chelsea.
Gần 5 mùa giải trôi qua từ ngày Sir Alex giải nghệ, người hâm mộ vẫn chưa thể chứng kiến hình ảnh Man Utd hào hùng thuở nào. Trong kỷ nguyên Premier League dưới thời Sir Alex, Man Utd luôn là đội bóng cạnh tranh chức vô địch, chưa bao giờ nằm ngoài top 3. Giờ đây họ bằng lòng với một vị trí trong top 4.
Một năm sau ngày Sir Alex giải nghệ, David Moyes dẫn dắt nguyên đội hình đương kim vô địch của Man Utd khi đó (có bổ sung thêm Fellaini và Mata) cán đích ở vị trí thứ... 7. Van Gaal, rồi Mourinho tới thay máu đội hình, kết quả vẫn chẳng khá hơn bao nhiêu.
Man Utd bây giờ đã rất khác. Họ mua về đủ các ngôi sao, áp dụng đủ kiểu sơ đồ chiến thuật, chiêu mộ các huấn luyện viên tài ba nhất, nhưng vẫn chẳng thể tìm lại ánh hào quang năm nào. 4 mùa hè vừa qua, không khi nào Man Utd chi ra dưới 100 triệu bảng mua sắm cầu thủ. Điều đó cho thấy vấn đề khiến Man Utd không thành công không nằm ở yếu tố đội hình. Chính người ngồi trên băng ghế huấn luyện mới đóng vai trò quyết định.
Sir Alex là con người độc nhất vô nhị trong thế giới bóng đá. Ông vốn chỉ là một công nhân nhà máy bình thường, nhưng đột ngột rẽ ngang sang làm cầu thủ bóng đá vì đam mê. Ông có thể say sưa hàng giờ đồng hồ để kể những câu chuyện bóng đá. Đó là lý do khiến ông không hề có cách mạng về chiến thuật như Pep Guardiola, hay trở thành bậc thầy tâm lý chiến, phá lối chơi đối thủ kiểu Jose Mourinho.
Những chiến công của Sir Alex cùng Man Utd đều rất thuần bóng đá kiểu Anh: Luôn là đội hình 4-4-2, với những pha xuống biên tốc độ, mở bóng ra 2 cánh. Man Utd dưới thời Sir Alex mang hình ảnh con người bóng đá thực thụ: Không rườm rà chiến thuật, không số liệu phức tạp. Triết lý đơn giản ấy giúp ông trị vì tại Man Utd gần 30 năm với vô số thành công.
Một yếu tố khác khiến kỷ nguyên của Sir Alex thành công tại Man Utd chính là quyền hành: Tại đây, ông là nhân vật tối thượng. Từ Chủ tịch đội bóng, đến ban lãnh đạo, Giám đốc điều hành,... tất cả phải hết mực tôn trọng Sir Alex. Khi nhà Glazers mua lại Man Utd, họ phải hỏi ý kiến ông về đường hướng phát triển đội bóng thay vì tự đề ra: Từ chuyên môn, đến lịch du đấu, phát triển kinh doanh...
Dưới thời Sir Alex, không một cầu thủ nào có vị trí cao hơn tập thể. David Beckham nổi nóng trong phòng thay đồ, ngay lập tức anh ra đi sau khi ăn một chiếc giày vào mặt. Forlan bị bán tống bán tháo vì đi giày khác loại Sir Alex yêu cầu. Van Nistelrooy đang là chân sút số một cũng bị tống cổ vì xúc phạm đàn em Ronaldo. Giờ đây, những cầu thủ như Paul Pogba có thể thoải mái cười đùa trong phòng thay đồ, ngay lúc huấn luyện viên đang phát biểu.
Sir Alex không chỉ là huấn luyện viên. Ông còn là cố vấn, là nhà quản lý tối thượng, là "Vua" ở Man Utd. Mẫu huấn luyện viên như Sir Alex đến bây giờ chỉ còn một mình Arsene Wenger. Đó là lý do khiến "Giáo sư" không bao giờ bị ban lãnh đạo Arsenal sa thải dù thành tích có yếu kém, tệ hại đến đâu. Những HLV khác như Louis van Gaal trước kia hay Jose Mourinho bây giờ đều có thể nhanh chóng mất việc nếu không thể giúp đội giành vé dự Champions League.
Giờ đây, mọi huấn luyện viên khi tiếp quản Man Utd đều nhận nhiệm vụ "tái hiện hình ảnh đội bóng thời Sir Alex". Nhưng điều đó là không thể, bởi Man Utd không bao giờ có một Sir Alex thứ hai: Một con người độc nhất vô nhị, toàn năng, và nguyện sống chết với bóng đá.