Hôm nay, chúng ta nói lời tiễn biệt những người lính quả cảm về với bầu trời...

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 01:12 30/06/2016
Chia sẻ

"Bố không về được nữa rồi! Khi nghe tiếng phi cơ vang lên. Con hãy nhìn lên trời. Có bố, các chú, các anh đang dõi theo con đó…" - Hôm nay chúng ta nói lời tiễn biệt những người lính ấy, về với bầu trời.

Cuộc sống có rất nhiều lựa chọn, và những người lính không quân đã chọn bầu trời.

Thượng úy Trần Thanh Luân (biên đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn không quân 370) đã từng nói về những lần bay trên bầu trời Tổ quốc khiến anh cảm thấy tự hào về quê hương đất nước như thế nào: "Nhất là khi bay qua quần đảo Trường Sa, thấy biển xanh nước biếc, những chiếc tàu đánh cá của ngư dân, rồi hình dung những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên các hòn đảo, những người lính, những ngư dân đang dõi theo cánh bay của mình mà xúc động vô cùng".

Ở vùng trời bao la mà các chiến sĩ thống lĩnh, họ sẽ là những chiến binh tự do nhất, cô độc nhất, và mang một trái tim quả cảm nhất. Bởi khi ngồi vào buồng lái, họ biết mình đã gửi thân xác này cho bầu trời và biển cả. Các anh đã chọn sống một cuộc đời quả cảm khi chấp nhận hy sinh tính mạng cho Tổ quốc dù là thời bình hay thời chiến.

Hôm nay, chúng ta nói lời tiễn biệt những người lính quả cảm về với bầu trời... - Ảnh 1.

Tranh: Đạt Lê

Hơn 10 năm trước, vào ngày 29/4/2005, chiếc máy bay huấn luyện L-39 thuộc E910 của Trường Sĩ quan không quân Việt Nam đang bay trên bầu trời Nha Trang thì đột ngột chết máy. Hai phi công đã điều khiển máy bay ra hướng biển, sĩ quan chỉ huy cấp tá quyết định cho phi công học viên nhảy dù và tự mình lái máy bay ra khơi xa. Người thầy phi công chấp nhận cái chết cô độc để giữ toàn mạng cho học viên và vùng dân cư bên dưới.

Tháng 7 năm 2010, chiếc MiG-21 thuộc đơn vị C21, Đoàn không quân B71 do phi công Vũ Duy Minh điều khiển gặp sự cố ở địa phận huyện Mê Linh. Anh đã cho máy bay hướng ra ngoại thành, cách xa khu vực dân cư trước khi nhảy dù.

Trong các vụ máy bay rơi ấy, người lính phi công khi phát hiện sự cố luôn bình tĩnh lái máy bay ra khỏi phạm vi dân cư và hy sinh ở đồng ruộng hoặc ngoài khơi xa. Người lính có nghĩa vụ bảo vệ nhân dân, nhưng hơn cả những điều đó, các anh còn hành động theo tiếng gọi từ trái tim một chiến binh đầy tình yêu thương và cả lòng dũng cảm, khiến các anh đón nhận cái chết không hề sợ hãi vào những tích tắc cuối cùng của cuộc sống.

Huyền thoại Nelson Mandela đã từng nói: Người quả cảm không phải là người không biết sợ mà là người chế ngự được nỗi sợ.

Tôi tin rằng nếu cái chết không làm cho các anh sợ thì không có thế lực thù địch nào có thể khiến các anh lùi bước.

Dù một ngày trôi qua có hàng tá những chuyện xảy ra và những mối quan tâm đời thường, nhưng câu chuyện của Su30- MK2, của Casa- 212 sẽ nhắc chúng ta về hình ảnh của những người lính không quân luôn mang trong mình tinh thần: Chỉ cần Tổ quốc gọi, là đi!

Chúng ta đang yêu, đang hẹn hò, đang có những phút quây quần bên gia đình hay đang hò hét tại một đêm nhạc cuồng nhiệt nào đó, là chúng ta đang có cuộc sống hạnh phúc trong thời bình. Hạnh phúc nào cũng phải trải qua mất mát và đánh đổi. Và những người lính thầm lặng trên vùng trời Tổ quốc đã đánh đổi máu và nước mắt để mang đến cho chúng ta những giây phút thanh bình này.

Xin đừng quên….

Hôm nay, chúng ta đã mất 10 người lính không quân tinh nhuệ.

Hôm nay, chúng ta nói lời tiễn biệt 10 người lính ấy, về với bầu trời...

Như nhà báo Ngô Văn Hải đã nói: Người lính phi công không về sẽ "hóa sếu trắng bay cao". Những giấc mơ bay của 10 chiến sĩ vẫn còn dang dở, nhưng mọi người luôn tin rằng linh hồn các anh rồi sẽ hóa thành đàn sếu trắng, tiếp tục bay kiêu hãnh trên vùng trời kia.

Và nhân dân sẽ luôn dõi theo cánh bay của các anh.

"Ngủ đi các con yêu của bố ơi
Chỗ bố nằm ngày xưa giờ con không cần chừa ra nữa
Con cũng đừng để cửa
Bố không về được nữa rồi!
Khi nghe tiếng phi cơ vang lên
Con hãy nhìn lên trời
Có bố, các chú, các anh đang dõi theo con đó…"

- Trích bài thơ "Lời nhắn từ biển sâu" của tác giả Chiến Văn

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày