Hỏi khó: Liệu rằng cây cối có bao giờ bị ung thư không?

Billy Cipher, Theo Helino 09:10 14/07/2019
Chia sẻ

Vì mọi dạng sống trên Trái đất đều cấu tạo từ tế bào, nên mỗi loài dù khác nhau đến đâu cũng vẫn có những điểm chung nhất định. Các nhà khoa học cũng từ đó mà đặt ra một câu hỏi: đều là loài đa bào, thực vật liệu có bị ung thư như chúng ta?

Để trả lời câu hỏi này, ta cùng tìm hiểu một chút về nguyên phân và cơ chế của bệnh ung thư đã nhé. Trong cơ thể của tất cả các loài đa bào khỏe mạnh đều diễn ra một hiện tượng gọi là nguyên phân.

Hỏi khó: Liệu rằng cây cối có bao giờ bị ung thư không? - Ảnh 1.

Một tế bào khi có đủ điều kiện về dinh dưỡng trong trường hợp cần thiết (cho sự lớn lên hoặc tái tạo các tổn thương của cơ thể) sẽ tiến hành phân tách thành 2 tế bào con. Như vậy, nguyên phân chính sự sinh sản của tế bào. Nếu sự sinh sản này xảy ra không kiểm soát, không có điểm dừng thì sẽ gây ra ung thư.

Trong y học, ung thư là tên chung một nhóm các bệnh lý ác tính của tế bào mà khi đó, tế bào tăng sinh vô hạn do đột biến gene gây ra bởi các tác nhân sinh ung thư.

Và vậy thì nếu xét theo khái niệm này, thực vật được ghi nhận là đã từng mắc ung thư. Hai biểu hiện phổ biến nhất mà đôi khi chúng ta cũng có thể bắt gặp là các u nổi ở thân cây hoặc các hạt sần trên lá.

Hỏi khó: Liệu rằng cây cối có bao giờ bị ung thư không? - Ảnh 2.

Có thể bạn chưa biết: những nốt sần trên lá sung xét về khoa học, chính là một dạng ung thư ở thực vật đấy. Tuy nhiên, chúng sẽ không gây ảnh hưởng gì xấu cho ta đâu – cứ ăn thoải mái nếu bạn muốn nhé

Tuy nhiên, ung thư hóa ra lại chẳng phải là điều gì đáng sợ lắm với cây cối do cấu trúc có nhiều điểm khác biệt với động vật.

Khác biệt thứ nhất nằm ở một bộ phận mà chỉ tế bào thực vật mới có – đó là thành tế bào. Những bức tường kiên cố này bao quanh mọi tế bào với nhiệm vụ bảo vệ cũng như tạo cấu trúc cho cơ thể thực vật. Ngoài ra, thành tế bào còn đảm nhận thêm một chức năng rất quan trọng nữa: đó là giữ cho các tế bào ở im một chỗ. Nói nôm na, đối với thực vật thì một tế bào sinh ra ở đâu, nó sẽ dành cả đời ở đúng chỗ đó.

Hỏi khó: Liệu rằng cây cối có bao giờ bị ung thư không? - Ảnh 3.

Sự khác biệt giữa tế bào thực vật và tế bào động vật nói chung

Ngược lại, tế bào người không hề có thành tế bào. Thông thường trong suốt quá trình sống, chúng sẽ được cố định tại một mô nào đó nhờ các sợi actin. Các sợi này kiểm soát sự dịch chuyển của tế bào – tuy nhiên không nghiêm ngặt như thành tế bào ở cây cối.

Trong một số trường hợp nhất định, tế bào vẫn có thể "chu du" sang các vùng khác để thực hiện chức năng của mình. Thật không may, cũng chính điều này đã vô tình cho phép các tế bào ung thư tách ra khỏi khối u di chuyển tới gần và xâm nhập vào mạch máu hoặc mạch bạch huyết, từ đó đi tới bất kì nơi nào trong cơ thể rồi gây bệnh ở đó. Hiện tượng này được gọi là ung thư thứ phát hay di căn.

Khả năng "nhập cảnh" vô tội vạ vào các mô mới này chính là một trong những lí do khiến cho ung thư vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, ngón đòn chí mạng này chỉ có thể áp dụng với con người hoặc động vật nói chung mà thôi. Tế bào thực vật chẳng bao giờ di chuyển – điều này không hề có ngoại lệ và nó đồng nghĩa với việc ung thư ở thực vật không có khả năng di căn.

Hỏi khó: Liệu rằng cây cối có bao giờ bị ung thư không? - Ảnh 4.

Khối u có thể lớn lên thoải mái nhưng nó chỉ có thể ảnh hưởng tới duy nhất khu vực đó mà thôi

Thứ hai, cây không có cơ quan nào được coi là quan trọng hơn hẳn các cơ quan khác. Chẳng hạn, ung thư não dù chưa di căn cũng đã rất nguy hiêm – bởi não là một trong những bộ tối quan trọng của cơ thể người. Thực vật thì không như vậy. Một cành đã bị ung thư rồi ư? Không sao, mọc thêm một cành khác là được.

Hỏi khó: Liệu rằng cây cối có bao giờ bị ung thư không? - Ảnh 5.

Thêm vào đó, dưới góc độ sinh học phân tử, các nhà khoa học cũng nhận thấy một điều khá thú vị trên lĩnh vực này. Vì một lí do nào đó, ngoại trừ các loài được lai tạo, đột biến xảy ra trên các gene tiền ung thư hay gene kiểm soát khối u có thể xảy ra ở thực vật, nhưng những đột biến này hiếm khi là đột biến gây ung thư.

Theo các phỏng đoán hiện nay, dường như cơ chế phát hiện sai hỏng trên ADN của thực vật hoạt động hiệu quả hơn chúng ta khá nhiều. Thay vào đó, ung thư ở cây cối thường gây ra bởi đột biến do virus, vi khuẩn, nấm hoặc côn trùng.

Tuy cơ chế của mỗi tác nhân có đôi chút khác biệt, giới nghiên cứu tạm chia chúng thành hai hướng tác động chính là kích thích sản sinh hormone tăng trưởng quá độ hoặc gây đột biến gen kiểm soát khối u theo hướng gây ung thư.

Hiện nay, các nhà khoa học chưa hoàn thành được nghiên cứu nào về tác động của khối u lên hoạt động sống của cây nhưng tới giờ thì họ hoàn toàn có thể kết luận dựa trên thực nghiệm rằng phần lớn các ca mắc ung thư ở thực vật đều sống sót khá lâu. Một số rất ít trường hợp gây chết vẫn đang được nghiên cứu thêm.

Tự nhiên trông vậy mà không hề đơn giản chút nào. Thật thú vị phải không?

Nguồn: SciShow

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày