Năm 17 tuổi, tôi đã có một pha "nổi loạn" mà đến giờ mỗi lần nghĩ lại đều vừa xấu hổ, vừa buồn cười và cũng có chút buồn man mác.
Ngay từ bé, tôi đã là một thằng bé có cá tính khác biệt hoàn toàn so với đám bạn cùng trang lứa. Tôi rất kiên định, người lớn nói vui thì là có chính kiến nhưng nói đúng ra thì có phần khá là cố chấp.
Nếu như tôi đã thích một chiếc ô tô màu đỏ thì dù có xuất hiện 10 chiếc ô tô với nhiều màu sắc khác nhau, thậm chí là đẹp hơn nhiều thì tôi vẫn nhất quyết phải có bằng được chiếc ô tô đỏ mà tôi mơ ước.
Cái tính cách này theo tôi đến tận khi trưởng thành. Trong suốt thời thơ ấu cho đến lúc đi học rồi đi làm, cái tính cách này của tôi không ít lần đã để lại hậu quả. Ví dụ như lúc bé tôi tin chắc như đinh đóng cột rằng nếu bị nhện cắn tôi có thể trở thành Người Nhện. Kết cục trong lúc đi tìm nhện để "được nhện cắn" thì tôi bị rết đốt 1 vết đau điếng người, vết thương sưng to tấy nhức đến cả tuần mới đỡ.
Tôi học hành không quá xuất sắc nhưng cũng chẳng phải dạng quá là dốt, sức học của tôi trung bình nhưng bù lại tôi khá là thích thú với việc học và rất chăm chỉ cần cù nên thường sẽ được thành tích khá trở lên.
Tôi có mơ ước trở thành phi công, bố mẹ tôi thì muốn tôi theo học ngành nghề nào phổ thông 1 chút, sau này cũng dễ dàng tìm kiếm công ăn việc làm hơn.
Mặc kệ bố mẹ nghĩ sao, tôi kiên quyết phải trở thành phi công cho bằng được. Lúc đó, nơi duy nhất đào tạo ngành nghề này là tại Học viện Hàng Không TP. HCM. Ngay lập tức, tôi hạ quyết tâm phải vào TP.HCM để thi đại học cho bằng được.
Khi ngỏ ý này với bố mẹ, cả hai liền phân tích những khó khăn của việc học xa nhà và ngành nghề tôi chọn thật sự khó tìm được công việc ổn định như thế nào. Ấy vậy nhưng tôi quả quyết đến cùng. Lúc này, bố tôi đã thực sự nổi cáu và nói rằng sẽ cấm không cho tôi thi vào Học viện Hàng Không, nếu còn cố tình thì không cho tôi bất kỳ 1 đồng kinh phí nào để di chuyển hàng nghìn cây số đi thi cử.
Bản tính cố chấp cộng với sự háo thắng của cái tuổi 17, tôi vẫn quyết định viết 1 nguyện vọng duy nhất là Học viện Hàng Không. Khi sự đã rồi, bố tôi cáu giận đến mức cấm mẹ hay bất kỳ ai đưa tôi đi thi.
Trước sự phản đối của bố tôi đã uất ức đến mức cho rằng ông không coi mình là con cái. Lúc đó, tôi cũng có cái lý của mình rằng thi đại học là việc chính đáng và bố thật quá quắt khi phản đối tiêu cực như vậy.
Sau nhiều ngày ôm sự uất ức và không cam lòng đó, tôi đã viết 1 lá thư với những lời lẽ gay gắt để gửi cho bố. Trong thư tôi tôi đã viết những gì thì chính tôi cũng không thể nhớ nổi nữa, nhưng dòng cuối cùng tôi với nét chữ to và nổi bật thì tôi vẫn còn nhớ như in.
"ÔNG KHÔNG PHẢI LÀ BỐ CỦA TÔI".
Chuyện đã qua đi rất lâu rồi, sau khi tôi bay vào TP.HCM để bước vào kì thi quan trọng đó thì bố tôi cũng đã chấp thuận theo ý của đứa con trai. Chỉ có điều, vài năm về sau khi tôi thật sự gặp khó khăn trong công cuộc tìm kiếm việc làm, người đứng ra lo liệu chu toàn cho tôi lại chính là bố.
Con trai và bố đôi khi không dễ dàng gì để tìm được tiếng nói chung. Thậm chí, việc thấu hiểu và thông cảm cho nhau cũng ít nhiều gặp khó khăn. Tôi ít nói chỉ làm, bố cũng vậy. Những mâu thuẫn giữa tôi và bố thật ra bắt nguồn từ việc tính cách của tôi khá giống bố. Tự lập, quyết đoán và nhiều khi trở thành cố chấp.
Hôm nay trong lúc dọn dẹp lại nhà cửa, tôi vô tình tìm thấy lá thứ mà tôi đã gửi cho bố gần 20 năm trước. Đọc lại những lời lẽ non nớt cố tỏ ra trưởng thành nhưng lại có chút gì đó tủi thân, giận hờn.
Ngày đó tôi nghĩ bức thư này chắc hẳn đã khiến bố tức giận lắm. Nhưng ngày hôm nay tôi mới hiểu, có lẽ ngày đó bố tôi đã buồn nhiều hơn là tức giận. Bởi vì vậy mà ông vẫn giữ lá thư cũ mèm này đến tận bây giờ chăng?
Nếu có một ngày nhận được lá thư này từ con trai mình, có lẽ tôi cũng sẽ hành xử như bố mà thôi.