Sếp thường xuyên nhờ bạn làm thêm vào cuối tuần bằng cách thông báo ở những phút chót. Lần nào bạn cũng gật đầu trả lời "có" cho dù bản thân đã có kế hoạch cuối tuần với gia đình. Kết quả là ngày thứ Bảy của bạn trôi qua trong hậm hực và ấm ức với hàng dài các bản báo cáo.
Bạn gọi món tại một nhà hàng đắt tiền, thế nhưng khi phục vụ bê ra một đĩa bít tết chín quá mức và hỏi bạn "Mọi thứ có ổn không?" thì bạn lại đáp: "Mọi thứ đều ổn cả!", dù không giấu nổi vẻ mặt ủ rũ khi nhìn miếng thịt cháy sém.
Bạn muốn tham gia một lớp võ thuật, thế nhưng lo sợ rằng vợ bạn sẽ không vui vẻ khi bạn vắng nhà 1, 2 tiếng vào cuối tuần, vậy nên bạn còn chẳng buồn đề cập ý định này với cô ấy.
Nhà hàng xóm để con chó quý hóa của họ sủa nhặng lên hết cả một đêm khiến ngày tiếp theo của bạn thiếu ngủ trầm trọng, thay vì góp ý trực tiếp với họ, bạn chỉ biết nói xấu với vài người bạn trên Facebook.
Nếu từng rơi vào bất kỳ tình huống nào tương tự như trên, thì có vẻ như bạn là một trong số rất nhiều người mắc phải "Hội Chứng Người Tử Tế" được đề cập trong cuốn sách "No More Mr.Nice Guy" (Tạm biệt Quý ngài Tử tế) của nhà văn Robert Glover.
Hội chứng "Người Tử Tế"
"Người Tử Tế" luôn tiếp cận cuộc sống và các mối quan hệ ở thế bị động. Thay vì lên tiếng cho bản thân thì họ lại để mọi người liên tục lấn lướt mình. Họ luôn cố gắng không ngừng nghỉ chỉ để làm hài lòng người khác. Họ luôn cảm thấy khó khăn khi nói "không" – cho dù với những yêu cầu vô lý. Nói tóm lại, họ "tử tế" đến mức sai trái. Khi muốn hoặc cần điều gì, họ ngại ngùng mở lời vì sợ làm phiền tới người khác. "Người Tử Tế" cũng tránh xung đột như tránh dịch bệnh, thà "làm theo" còn hơn "làm khác".
Thoạt nhìn, "Người Tử Tế" hiện lên như một vị thánh. Họ hào phóng, linh hoạt và vô cùng lịch sự. Thế nhưng khi vén bức mặt nạ, sâu thẳm con người họ thường tràn ngập sự vô vọng, lo lắng và phẫn uất. "Người Tử Tế" luôn ở trong trạng thái bồn chồn lo lắng bởi thước đo giá trị bản thân của họ dựa trên sự đồng thuận và yêu mến từ người khác. Họ tốn quá nhiều thời gian để tìm cách nói "không" và cho dù vậy, đến cuối cùng câu trả lời thường vẫn sẽ là "có", bởi mọi thứ đã trở thành thói quen.
Do "thuận theo chiều gió" là cách mặc định của họ để tiếp cận cuộc sống nên "Người Tử Tế" ít khi kiểm soát được cuộc đời của chính mình, dẫn đến việc cảm thấy vô dụng, nhu nhược và bế tắc. Họ phẫn uất và thù hằn vì những mong ước thầm kín không được đáp ứng, họ luôn cảm thấy người khác đang trực chờ lợi dụng mình – dù cho chính họ là người cho phép điều đó xảy ra.
Bị áp bức lâu ngày, hậu quả của việc kìm nén quá mức là những cơn thịnh nộ kèm theo hành vi bạo lực bùng nổ. "Người Tử Tế" đích thực là một quả núi lửa chỉ chực chờ phun trào!
Vậy "Người Tử Tế" phải làm gì để giành lại sự kiểm soát cuộc đời mình cũng như thôi bị người khác dắt mũi?
Một vài người cho rằng phải cư xử hoàn toàn trái ngược với tính cách của mình mới là giải pháp, tức là thay vì cứ mãi bị động, họ phải trở nên thật hung hăng. Không muốn nhu nhược nhún nhường thêm nữa, họ cảm thấy mình cần phải lấn át người khác trong mọi tình huống. Họ tìm mọi cách để đạt được điều mình muốn, bất chấp cái giá phải trả.
Sự hung hăng, dù rất hữu ích trong các tình huống phải tranh đấu, thế nhưng rõ ràng không phải cách cư xử thích hợp và nên làm trong đại đa số trường hợp. Trên thực tế, nó còn có thể phản tác dụng khi khiến những người bạn cố kiểm soát trở nên phẫn uất và hung hăng bạo lực ngược trở lại với bạn.
Vậy nên, thay vì nhu nhược cam chịu hay hung hăng bạo lực, cách tốt nhất là tìm đến trạng thái nằm giữa lằn ranh giới của hai cách thể hiện trên: Sự quyết đoán.
Sự quyết đoán: Trạng thái hài hòa giữa cam chịu và hung hăng
Thế nào được gọi là quyết đoán?
Nói ngắn gọn, quyết đoán là một kỹ năng tương tác giữa các cá nhân, khi mà bạn dám tự tin biểu lộ ý kiến và đứng lên cho quyền lợi của mình, nhưng đồng thời vẫn tôn trọng quyền lợi của người khác.
Khi bạn quyết đoán, bạn đối thoại trực tiếp và thành thật với mọi người. Bạn không vòng vo bắt người khác phải đoán xem bạn muốn gì. Nếu cảm thấy bị làm phiền, bạn sẽ lên tiếng, nếu muốn hay cần gì, bạn sẽ mở mồm yêu cầu. Và bạn làm điều đó khi vẫn giữ được sự lịch thiệp cùng thái độ đúng mực.
Khi quyết đoán, bạn cũng phải hiểu một điều rằng, nếu bạn có quyền yêu cầu và phát biểu ý kiến của mình thì người khác cũng có quyền không thích và từ chối làm theo yêu cầu ấy. Bạn không được buồn và tức giận khi điều đó xảy ra. Bạn kiểm soát tình huống và tìm mọi cách để đi đến một giải pháp tốt nhất. Bạn sẽ học được rằng, không phải lúc nào bạn cũng đạt được điều bạn muốn, nhưng việc lên tiếng chẳng thể gây tổn thương cho bạn, nó chỉ giúp bạn tiến lại gần hơn với những điều bạn đang tìm kiếm.
Làm thế nào để trở nên quyết đoán trong từng hành động?
1. Khởi đầu từ những việc nhỏ nhặt:
Nếu ý nghĩ phải đứng lên vì bản thân làm bạn hoảng sợ, vậy thì hãy bắt đầu từ những tình huống nhỏ nhặt, ít rủi ro.
Ví dụ, nếu bạn gọi đồ ăn và nhận lại một món ăn không đúng yêu cầu, hãy cho người phục vụ biết và đổi lại món đúng. Bạn và vợ đang tìm một nhà hàng để ăn vào cuối tuần, đừng chỉ đồng ý theo cô ấy một cách vô thức, hãy đóng góp một chút ý kiến của bản thân.
Khi bạn đã cảm thấy thoải mái hơn trước các tình huống nhỏ, hãy từ từ tăng dần các mức độ.
2. Nói "không":
Trên hành trình để trở nên quyết đoán hơn, biết nói "không" là "người bạn" tốt nhất của bạn. Hãy tập nói "không’ thường xuyên hơn. Nếu yêu cầu của đối phương mâu thuẫn với giới hạn cá nhân của bạn, hãy nói "không". Lịch của bạn đã kín rồi? Hãy nói "Không, cảm ơn!". Bạn không phải trở nên thô lỗ để làm điều đó, bạn có thể kiên quyết từ chối trong khi vẫn lịch thiệp và ân cần.
Liệu người ta có thất vọng không khi bạn từ chối họ? Có thể lắm chứ. Nhưng hãy nhớ rằng, miễn là bạn bày tỏ mong muốn của mình một cách tinh tế, thì bạn không cần chịu trách nhiệm với phản ứng của người khác. Đừng cảm thấy tội lỗi khi đối xử bình đẳng với bản thân mình.
3. Hãy đơn giản và trực tiếp:
Để quyết đoán hơn, hãy nói ít hơn. Hãy giữ cho yêu cầu của mình đơn giản và trực tiếp. Đừng cố gắng rào trước đón sau và giải thích quá nhiều. Chỉ cần trực tiếp nói ra nó một cách tế nhị mà thôi!
4. Dùng mệnh đề "tôi":
Khi đưa ra yêu cầu hoặc thể hiện sự từ chối, hãy sử dụng mệnh đề "tôi" nhiều hơn.
Thay vì nói, "Bạn thật là quá quắt, bạn không biết ngày hôm nay tôi đã phải làm rất nhiều việc hộ bạn rồi sao, vậy mà bạn vẫn tiếp tục yêu cầu tôi dọn dẹp giúp bạn?", hãy nói, "Hôm nay tôi đã giúp bạn rất nhiều việc và cũng mệt rồi, tôi thấy bạn có thể giúp lại tôi bằng cách tự dọn dẹp nhé!".
5. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói một cách tự tin:
Hãy tỏ ra tự tin khi đưa ra một yêu cầu hoặc nêu lên ý kiến của mình. Hãy thẳng thắn, nói khéo một chút, giữ biểu cảm ổn định và nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng mình nói đủ to và rõ ràng. Những người cam chịu có khuynh hướng nói thì thào và lẩm bẩm khi trình bày quan điểm, điều đó chỉ khiến người khác cảm thấy khó chịu hơn.
Kết luận
Có những lúc bạn chắc chắn cần kìm nén cảm xúc và làm theo điều người khác yêu cầu. Việc đó có thể là rửa bát, cắt cỏ hay là hoàn thành bản báo cáo. Tuy nhiên, học cách nói lên quan điểm của mình, và quan trọng hơn, tôn trọng giá trị của những quan điểm, sẽ giúp bạn trở thành một người tự tin hơn. Kết quả của sự quyết đoán trong hành động có thể là chính xác điều bạn mong muốn, hoặc một sự thỏa hiệp hay một lời từ chối, nhưng dù kết quả thế nào, điều đó sẽ giúp bạn thấy mình làm chủ được cuộc đời của bản thân nhiều hơn. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, rồi sau đó dần dần biến sự quyết đoán trở thành một phần con người bạn.