"Lèn chặt như cá hộp" - một thực trạng đáng buồn ở thực tại
Trong mười năm liền, Lisa Congdon – một nghệ sỹ ở Portland, Oregon - luôn bị "lèn chặt như cá hộp" trong mớ công việc hỗn độn của mình ngày qua ngày.
Cuối cùng, vào năm thứ mười, Congdon bắt đầu có các triệu chứng hậu quả do làm việc căng thẳng. Bà thường xuyên bị đau lưng, đau cổ và nhức đầu kinh niên.
"Cứ mỗi lần thức dậy là tôi lại thấy lo lắng và có cảm giác căng thẳng trong người." - Bà tâm sự.
Không chỉ riêng bà Lisa mà chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều đã và đang phải trải qua cảm giác thời gian trong ngày là không đủ để thực hiện hết các việc cần làm.
Đối với đa số, giải pháp thường là làm việc về đêm hoặc làm thêm vào cuối tuần.
Cũng ổn, chỉ là điều này sẽ khiến nhiều người cảm thấy vô cùng mệt mỏi, căng thẳng và kiệt sức.
Nhiều người chọn cách làm việc tới khuya, hoặc làm vào cuối tuần
Bẫy thời gian kinh điển ai ai cũng mắc phải
Thực ra, có vẻ mọi người đang bị mắc bẫy. Ai trong chúng ta cũng đều nghĩ rằng làm việc liên tục trong 8 giờ hoặc hơn sẽ góp phần làm tăng sản lượng và gây ấn tượng với đồng nghiệp xung quanh.
Nhưng trên thực tế, ngay cả khung giờ làm việc truyền thống từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều cũng là "quá sức chịu đựng" với khả năng tập trung của mỗi người.
Một nghiên cứu từ Viện Công nghệ Illinois do Raymond Van Zelst và Willard Kerr thực hiện năm 1951 đã chỉ ra rằng, các nhà khoa học dành 25 tiếng mỗi tuần tại nơi làm việc lại không hiệu quả hơn những người chỉ làm việc 5 tiếng.
Tương tự như vậy, năm 2014, công ty mạng xã hội The Draugiem Group đã dùng một ứng dụng để nghiên cứu năng suất của các nhân viên.
Thật đáng ngạc nhiên, 10% số nhân viên xếp hạng cao nhất về năng suất lại không làm việc lâu hơn người khác, thậm chí họ còn không làm đủ 8 giờ/ngày.
Vậy bí quyết của họ là gì?
"Làm ít mà chất" còn hơn là "làm nhiều mà chẳng được bao nhiêu". Nói cách khác, thứ cần sắp xếp là thời gian nghỉ ngơi, để cơ thể nạp lại năng lượng, thay vì làm quần quật cả ngày.
Đối với Cal Newport - tác giả của cuốn sách "Quy tắc tập trung thành công trong một thế giới phân tâm" khuyên rằng chúng ta nên xây dựng một thói quen "làm việc sâu", tức là khả năng tập trung mà không bị phân tâm.
"Có một cách làm chủ nghệ thuật làm việc sâu khá đơn giản, đó chính là sau mỗi 52 phút làm việc tập trung, bạn hãy nghỉ 17 phút." – Newport tiết lộ.
Việc phân tách giờ làm việc thành những khoảng thời gian ngắn, và bổ sung thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp mọi người giảm mức căng thẳng, do đó đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian làm việc quy định.
"Sự thư thái không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, hay là một cách để ta thỏa mãn một thói quen xấu. Nó là điều không thể thiếu đối với não, y như vitamin D đối với cơ thể. " - Newport lập luận.
Thật vậy, tận dụng sự thư thái là bí quyết mà một số người thành công nhất thế giới đã khai thác.
2 vị tỷ phú nổi tiếng thế giới cũng không làm việc quá nhiều
Warren Bufett và Bill Gates không làm việc quá nhiều. Họ thường xuyên sắp xếp những ngày trống – tức là những ngày mà không có việc gì được lên kế hoạch trong thời gian biểu của mình.
Họ thấy rằng, việc để não tự do đi lang thang sẽ giúp đạt được hiệu suất cao hơn là phủ kín chi tiết các kế hoạch trong từng giây từng phút.
Đó cũng là một cách thức mà Justin Gignac, người đồng sáng lập mạng lưới tự do "Working Not Working" thực hiện. Trước kia, ông luôn luôn để bản thân vào guồng quay của công việc bất kể ngày hay đêm. Thế nhưng gần đây, vào buổi tối, ông đã bắt đầu để cho bản thân mình thong thả hơn.
"Tôi thắp một vài ngọn nến và sau đó chỉ nằm trong võng mà không làm gì cả," ông nói.
"Thật đáng ngạc nhiên. Việc để cho não một khoảng thời gian nghỉ ngơi là rất quan trọng. Khoảng thời gian trống đó giúp tôi nhìn rõ vấn đề hơn trên toàn bộ cục diện, chứ không chỉ là những điều ở ngay trước mắt."
Nguồn: BBC