Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả

Lê Ái - Ảnh: Vivian Ng - Thiết kế: Tom, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 07/04/2017

Tai nạn khiến Trinh mất chân trái vào năm 9 tuổi nhưng cô luôn tự nhủ: "Người bình thường cố gắng một, mình cố gắng mười thì cũng bằng họ thôi". Ở tuổi 24, Trinh có công việc ổn định, sống tự lập và tích cực kiếm tiền mua chân giả xịn cho mình.

"Trinh cụt", "Nhìn con Trinh cụt kìa tụi mày ơi", "Ê con Trinh cụt"... những tiếng gọi với theo của đám trai làng hòa lẫn trong tiếng cười vô cảm của nhiều đứa trẻ vùng quê Hậu Lộc, Thanh Hóa nhấn chìm Trinh trong nỗi ám ảnh.

Cô gái nhỏ quay lưng, cố đi thật nhanh về phía trước để lẩn tránh những lời chọc ghẹo ác ý ấy. Nhưng càng bước nhanh, Trinh càng cảm thấy đau đớn. Phần tiếp xúc giữa đôi chân giả cứng ngắc và lớp da non ở mỏm cụt bắp đùi lằn những vết đỏ thẫm, sâu và lì.

Bé gái đáng thương trốn tránh sự phân biệt của tụi con nít trong làng ngày ấy chính là Bùi Thị Trinh (24 tuổi). Nhiều năm về sau, Trinh không còn cảm thấy buồn hay giận khi nghe ai đó gọi mình là Trinh "cụt" nữa.

"Nghe mãi cũng thành quen rồi. Bây giờ, mình chỉ lo kiếm tiền mua chân giả mới. Cái hiện tại mình đang sử dụng có vài triệu đồng thôi nên đi hay bị đau chân lắm. Mình đang mơ về cái chân giả từ 100 đến 200 triệu đồng. Nhưng phải từ từ đã, vì hiện tại chưa có nhiều tiền", Trinh chia sẻ.

Clip: Kinghub

Mang chân giả vào Sài Gòn mưu sinh

Trinh là con gái đầu trong gia đình có 3 chị em ở một vùng quê nghèo của xứ Thanh. Với bố mẹ Trinh, sinh ra một bé gái trắng trẻo và khỏe mạnh dù không cần chăm bẵm nhiều, là một cái phước trời ban. Nhưng ông trời cũng muốn thử thách lòng người. Cô bé hồn nhiên phải đối mặt với chuyện không ai mong muốn nhất.

Năm 2002, trong một chiều đi học về, Trinh gặp nạn. Trời mưa che mất tầm nhìn của Trinh. Cô băng qua đường ray tàu hỏa mà không hay biết có đoàn tàu đang lao đến. Qua được chân phải, chân trái vướng quai dép nên bị ngã. Tàu đến!

May mắn giữ được mạng sống nhưng Trinh mất đi đôi chân ưa chạy nhảy. Lớn lên cùng chiếc chân giả được Hội chữ thập đỏ trao tặng, 9X tự nhủ: "Bản thân đã như thế này rồi, thì chỉ có học mới giúp mình thoát cảnh nghèo khó".

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 2.

Tốt nghiệp Cao đẳng Y Thanh Hóa với tấm bằng Khá, Trinh được nhận vào làm ở một bệnh viện đa khoa ở quận Thủ Đức (TP.HCM). Trinh khăn gói lên đường vào Nam để nhận công việc đầu tiên trong đời mình, mạnh dạn xếp lại suy nghĩ người khuyết tật thì phải sống cạnh gia đình để được chăm sóc, hỗ trợ.

Trinh nói, mắt tràn đầy tin tưởng: "Người bình thường cố gắng một, mình cố gắng mười thì cũng bằng họ thôi". Cuộc sống độc lập về kinh tế của Trinh ở hiện tại là một minh chứng sống động cho những điều cô nói.

Ngày nắng cũng như mưa, sau 16 tiếng làm việc tại bệnh viện, Trinh một mình đi bộ về phòng trọ trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức. Trong ngày nghỉ, 9X tranh thủ kinh doanh qua mạng để kiếm thêm thu nhập. Cô gái trẻ chắt chiu từng đồng với ước muốn sớm có đôi chân giả chất lượng.

Nơi sống của Trinh nhỏ hẹp. Đó là một căn phòng rộng chừng 10 mét vuông, có thêm gác lửng để chứa đồ. Mái lợp tôn, không có máy lạnh. Căn trọ trở nên buồn thiu vì 4 bức tường vôi cũ lộ đầy những "vết sẹo".

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 3.

Đầu buổi sáng, cả xóm trọ đã ồn ào náo nhiệt vì tiếng nô đùa của trẻ con. Mùi quần áo ẩm mốc vì phơi lâu ngày không gặp nắng xộc lên mũi, khiến người ta cảm nhận được sự ẩm thấp và điều kiện sống thiếu thốn của nơi này.

Trinh nhìn ngắm căn phòng tuy cũ kĩ nhưng gọn gàng của mình với ánh mắt đầy gắn bó. Hai năm sống ở Sài Gòn một mình và 15 năm sống trong thân thể một người khuyết tật cho Trinh dũng khí tuyệt vời. "Từ bé đến giờ mình ít khi nghĩ lắm, vì vui cũng phải sống mà buồn cũng phải sống, khóc cũng phải sống mà cười cũng phải sống. Mình thấy bản thân hết sức bình thường, không có gì đáng ngưỡng mộ!" , Trinh bộc bạch.

Buông tay mối tình 4 năm vì cảm thấy không được trân trọng

"Người khiếm khuyến bản thân người ta đã là một thiệt thòi rất lớn. Xã hội phát triển nhưng chưa có cái nhìn thật sự khách quan về bọn mình. Cứ cho rằng những người khuyết tật là những đối tượng ăn bám, gánh nặng cho xã hội, cho gia đình trong khi có nhiều bạn trẻ lành lặn nhưng vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ. Nghề nghiệp nào không quan trọng, chỉ cần chăm chỉ làm việc và sống được bằng sức lao động chân chính của mình, thì đều quý giá cả. Mình mong mọi người sẽ thay đổi cách nhìn với người khuyết tật. Mình không cần sự thương hại, mình cần được tôn trọng", Trinh nói ra điều cô mong muốn nhất lúc này.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 4.

Cũng vì không chịu được cách nhìn phân biệt của người đời với người khiếm khuyết mà Trinh chấp nhận buông tay tình yêu đầu đời.

9X ngậm ngùi kể lại: "Mình với anh ấy yêu nhau cũng được 4 năm trời. Nhưng mình là người khuyết tật mà, khi được yêu là đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Được một thời gian, gia đình anh ấy phản đối vì nói mình như thế này không lo được cho gia đình họ. Người mình yêu không nói ra nhưng qua những ánh mắt, cử chỉ đổi khác là mình có thể đọc được suy nghĩ của anh ấy. Hiện tại, người ấy đã có gia đình và mình cũng chúc phúc cho họ thôi!".

Tình yêu với Trinh ở hiện tại không phải là điều được đặt lên hàng đầu nữa, cô bạn cần một cái chân giả mới hơn.

"Với mình, chân giả cũng quan trọng hệt như chân thật. Khi ở nhà, mình có thể tháo ra cho thoải mái để đi bằng nạng nhưng khi ra ngoài đường, nhất định phải mang vào để di chuyển bớt khó khăn hơn. Bởi vậy, nó cũng như một phần thân thể của mình rồi", cô gái vừa nói vừa chỉ vào "người bạn" không bao giờ rời bỏ cô.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 5.

Để lấy động lực kiếm tiền mua chân giả mới, gần đây, Trinh đăng lên Facebook hình ảnh của mình trong một chuyến du lịch cùng bạn bè. Trong những bức ảnh, Trinh xinh xắn và tràn đầy sức sống. Nhưng điều khiến cộng đồng mạng quan tâm là những điều hơn thế: cô gái ấy chỉ có một chân.

"Mấy hôm trước mình đi du lịch Vũng Tàu và ấp ủ chụp bộ ảnh một chân. Đi xa không mang theo nạng được, nên mình đành chụp hình trong phòng thôi. Người ta thường có tâm lý đẹp khoe, xấu che nhưng mình không nghĩ như vậy. Mình có thế nào sẽ sống như thế đó. Những người thương yêu mình sẽ chấp nhận hết, nếu ai không chấp nhận thì chỉ nên dừng lại ở mức quan hệ xã hội. Mình không có gì giấu diếm", Trinh nói đầy lạc quan.

Tạm kết:

Đặt ước muốn mua được chân giả trăm triệu sang một bên, điều đọng lại trong lòng chúng tôi khi được trò chuyện và tiếp xúc với Trinh - cô gái trẻ đầy năng lượng này là một tinh thần lành lặn, một lối sống không hề khuyết tật. Cũng như Trinh, chúng tôi muốn rằng xã hội hãy tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho những người trẻ có ý chí và nghị lực chẳng may gánh chịu nhiều bất hạnh, có cơ hội được làm điều mình muốn và sống với đam mê tuổi trẻ như tất cả mọi người.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 6.

Một ngày của Trinh bắt đầu bằng việc đi chợ.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 7.

Trở về căn nhà trọ lúc 7 giờ sáng.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 8.

9X tháo chân giả để thoải mái và thuận tiện hơn trong sinh hoạt.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 9.

Sống một mình, Trinh dùng nạng di chuyển khắp nhà, ngay cả khi đi vệ sinh.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 10.

Hôm nay được nghỉ, Trinh lên mạng bán hàng online.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 11.

Cô lạc quan khi nói về cuộc sống của mình.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 12.

Học sự lạc quan sống từ cô gái 24 tuổi mất 1 chân: tự lập ở Sài Gòn, nỗ lực làm việc kiếm tiền để mua chân giả - Ảnh 13.

Một ngày như bao ngày khác của Trinh trong căn trọ giữa Sài Gòn náo nhiệt.