Tối 2/2, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, cùng 41 tỉnh thành trên cả nước đã có công văn về việc cho học sinh được nghỉ học thêm 1 tuần so với dự kiến, đến hết ngày 9/2, đề phòng những diễn biến phức tạp của chủng virus mới Corona.
Trước đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo sở Y tế và sở GD-ĐT phối hợp thực hiện việc cho học sinh, sinh viên trên địa bàn nghỉ học nếu dịch bùng phát. Đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm túc cho những học sinh, sinh viên có biểu hiện nhiễm bệnh không đến trường, áp dụng các hình thức phòng chống dịch bệnh. Sở GD-ĐT phải chỉ đạo những trường học có học sinh, sinh viên đi về từ vùng dịch tăng cường biện pháp quản lý, giám sát để phát hiện sớm trường hợp mắc dịch bệnh, có biện pháp ngăn ngừa lây lan.
Ngay khi nhận được thông báo, nhiều phụ huynh vừa mừng vừa lo, mừng vì các con được nghỉ học để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, nhưng lại lo vì cuộc sống "lao đao" không có người trông con.
Nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội phun khử trùng chống dịch đảm bảo an toàn cho các học sinh trong thời điểm dịch Corona. Ảnh: Phương Thảo.
Chị Đỗ Thị Trang (30 tuổi, quận Hà Đông) đã quyết định đưa con trai 4 tuổi về quê ở Nam Định nhờ ông bà trông hộ suốt 1 tuần cháu bé được nghỉ học.
"Sáng nay mình đưa con về quê, rồi chiều lại bắt xe vòng lên Hà Nội để kịp giờ đi làm. Hiện nay sức khoẻ của các con là quan trọng nhất, mình ủng hộ việc cho học sinh nghỉ học 1, 2 tuần, thậm chí đến khi dịch bệnh được khống chế. Sau này, vào thời gian nghỉ hè, các con có thể học bù nếu cần thiết" - chị Trang nói.
Từ ngày Việt Nam xuất hiện ca nhiễm Corona đầu tiên, chị Trang đã trang bị khẩu trang cho con suốt ngày, dù ban đầu cháu chưa quen và cảm giác hơi khó chịu. "2 ngày cuối tuần, gia đình mình đều ở nhà, không dám đi chơi hay đến chỗ đông người dù trời rất đẹp, và con thì thèm ăn kem".
Nhiều trẻ nhỏ được bố mẹ trang bị khẩu trang đeo mỗi ngày đề phòng dịch bệnh. Ảnh minh hoạ.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Định (31 tuổi, quận Hoàng Mai) sau khi nhận thông báo 2 con được nghỉ học, đã phải "lao đao" tìm kiếm nơi trông trẻ tạm thời. Cuộc sống gia đình 4 thành viên ít nhiều bị đảo lộn, vì đặc tính công việc, anh chị không được phép xin nghỉ ở nhà.
"Tôi cũng như một số các bậc phụ huynh khác đang làm việc ở Hà Nội. Gia đình tôi có 2 cháu, đều được nghỉ học để phòng dịch bệnh, khiến vợ chồng tôi phải cố gắng tìm chỗ gửi các cháu. Bé trai nhỏ tuổi đang học mẫu giáo, tôi gửi nhờ cô giáo trông hộ. Bé gái lớn hơn đang học lớp 1 thì nhờ bà ngoại trên Hà Nội trông giúp.
Vì thông báo quá gấp nên hiện giờ chúng tôi chỉ biết cố gắng thay nhau tranh thủ sang bà và cô giáo chăm các con vài hôm nữa. Với tình hình hiện tại, có lẽ vợ chồng sẽ thu xếp xin nghỉ làm để đưa con về quê đến bao giờ có thông báo mới thì tính tiếp" - anh Định chia sẻ.
Dù cuộc sống tạm thời bị "đảo lộn", nhưng anh Định cho rằng quyết định của các sở ban ngành cho học sinh nghỉ học là kịp thời và chính xác.
"Sang tuần không khí lạnh tăng cường ở miền Bắc, thì dịch sẽ tiến triển khó dự đoán. Chúng tôi vất vả khi con nghỉ ở nhà, nhưng vất vả hơn nếu chúng đến trường ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Sắp tới, ban quản lý chung cư nơi tôi sinh sống, còn có dự định tổ chức các buổi vui chơi trông trẻ cho cư dân, tôi thấy ý kiến này rất hay và nhất định sẽ ủng hộ" - anh Định nói thêm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phụ huynh hết sức lo lắng tình hình sức khoẻ của con em mình. Ảnh minh hoạ.
Anh Tuấn (35 tuổi, quận Hai Bà Trưng) miêu tả hài hước khi nhận được thông tin chính thức về lịch nghỉ học của các con: "Xóm mình và nhà mình vừa thấy tiếng trẻ con gào rú sung sướng như đội tuyển vừa ghi bàn... "Festival âm lịch" dài quá! Nhiều người còn bảo, lương ai thấp hơn thì người đó ở nhà trông con...".
"Việc đau đầu nhất là phân công ai đi làm, ai ở nhà trông con" - anh Tuấn nói. "Hai vợ chồng tôi đã quyết định thay phiên nhau chăm con vì công việc của chúng tôi đều linh hoạt, không bắt buộc phải có mặt ở văn phòng. Tôi sẽ cố gắng về nhà sớm hơn mọi ngày để phụ giúp vợ. Trên hết, vợ chồng tôi cảm thấy yên tâm hơn, bởi vì nếu đi học, các con không tránh khỏi những tình huống nô đùa, tinh nghịch, không đảm bảo an toàn".
Để hỗ trợ các gia đình có con nhỏ, Ban Lãnh đạo một số công ty cũng đã ra quyết định tạo điều kiện cho các CBNV không sắp xếp được người trông con được làm việc online ở nhà trong khoảng thời gian Sở GD&ĐT cho học sinh các cấp trên địa bàn Hà Nội và Hồ Chí Minh nghỉ học.
Chị Trân (37 tuổi) lúc trước còn "hoảng loạn" không biết gửi con ở đâu, lúc sau đã "thở phào nhẹ nhõm" khi nhận được thông báo của công ty. Chị quyết định đăng ký làm việc online tại nhà để tiện trông con.
"Sau quyết định của Sở giáo dục, rất nhiều phụ huynh và học sinh tán thành nhưng cũng gây xáo trộn không nhỏ cho những gia đình không có người trông nom con cái khi được nghỉ. Thật may công ty đã hỗ trợ tiện cả đôi việc, nếu không tôi phải lên mạng tìm kiếm những nơi trông trẻ tạm thời, vì ông bà già yếu không thể chăm cháu, mà chồng tôi lại không thể nghỉ làm" - chị Trân tâm sự.
Một số công ty tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên được làm việc online tại nhà. Ảnh chụp màn hình.
Không được may mắn như chị Trân, chị Hà (27 tuổi) lục đục chuẩn bị quần áo, đồ chơi, thức ăn,.... để "cùng con đi làm". Văn phòng chị sáng 3/2 hoà giữa tiếng gõ máy "lọc cọc" là giọng cười nói nô đùa của vài ba trẻ nhỏ. Tuy rằng đến công ty của bố mẹ thì hiệu quả phòng bệnh cho các con cũng không được đánh giá cao, nhưng chị Hà cho rằng, đây là những trường hợp "bất khả kháng" vì không có biện pháp gì khả dĩ hơn.
"Công ty tôi đồng ý việc cán bộ công nhân viên đưa con đến văn phòng tiện trông nom và làm việc. Đương nhiên điều này sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ như ồn ào, gây khó khăn cho các đồng nghiệp khác, khó tập trung,... nhưng những bà mẹ bỉm sữa như tôi không có phương án nào khác. Các con được bố trí chơi ở một khu riêng gần đó, có người trông giữ hộ. Ban đầu còn lạ, nhưng sau dần các con quen nhau và chơi đùa vui vẻ" - chị Hà cho biết.
Học sinh đến trường trong thời điểm dịch bệnh đều đeo khẩu trang ngay cả trong lớp học. Ảnh: Hiếu Nguyễn.
Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 10h ngày 3/2, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên thế giới ghi nhận tổng số ca mắc là 17.389 người mắc, 362 người tử vong. Trong đó Trung Quốc 361 người tử vong, Philippines có 01 trường hợp tử vong. Số ca mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc 182 tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc).
Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến khá phức tạp và có dấu hiệu lây lan. Ở Việt Nam, tính đến 10h sáng nay đã ghi nhận 8 trường hợp dương tính với nCoV. Hiện tại, cả nước đang cách ly theo dõi cho 73 trường hợp nghi nhiễm tại các cơ sở y tế.
#ICT_anti_nCoV