Với phụ nữ mà nói thì đúng là ngoài chuyện làm đẹp, ăn vận thật ưa nhìn ra thì những tuyệt chiêu giữ lửa gia đình của họ còn có cả chuyện cân đối thu chi trong nhà. Tại vì sao ư, bởi vì một khi tay hòm chìa khóa đã chắc thì kinh tế trong nhà sẽ vững, vợ chồng lại đồng tâm hiệp lực làm ăn thì tổ ấm ắt hẳn sẽ vững bền.
Về chuyện chi tiêu, người ta thường nói làm nhiều tiêu nhiều, làm ít tiêu ít nhưng vẫn có những người thực hiện ngược lại. Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cá phê phin, đó có lẽ là mơ ước chi tiêu của nhiều phụ nữ. Câu chuyện chi tiêu của Mẹ trẻ Lê Thị Thu Hiền (Vân Hồ, Sơn La) là một ví dụ. Hai vợ chồng làm kinh doanh vật liệu xây dựng, dù không phải ở thành phố lớn mà chỉ là vùng nông thôn thôi nhưng mỗi tháng cũng phải thu nhập không dưới 20 triệu. Tuy nhiên, Hiền không hề hoang phí mà luôn tiết chế các khoản chi của gia đình sao cho không tháng nào vượt quá 5 triệu đồng, số còn lại sẽ để đầu tư kinh doanh và tích lũy về sau.
Thu Hiền khá giỏi vun vén khi mỗi tháng chỉ thu gọn chi tiêu gia đình trong 5 triệu đồng không hơn.
"Nhà mình có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ, bé lớn năm nay 3 tuổi còn bé nhỏ thì được 11 tháng. Thu nhập chủ yếu của gia đình đến từ cửa hàng vật liệu xây dựng. Mỗi tháng mình đều gói gọn chi tiêu gia đình trong vòng 5 triệu, cũng có tháng hết nhưng đa số thì không bao giờ hết 5 triệu. Mình cảm nhận thấy tiêu như vậy là vừa đủ chứ không hề bị thiếu thốn hay thừa thãi", Thu Hiền chia sẻ.
Được biết, nhà Hiền có một cửa hàng vật liệu xây dựng ở Sơn La đặt ở khoảng đất nhờ được của ông bà nội. Hai vợ chồng Hiền cũng chưa có điều kiện xây nhà vì còn đang tập trung vào việc kinh doanh. Cũng vì con còn nhỏ, lại phải tính kế lâu dài nên HIền khá tập trung vào việc làm thế nào để cân bằng được tài chính của gia đình.
Bảng chi tiêu hàng tháng của vợ chồng Thu Hiền (Sơn La) |
---|
Tổng thu: 20 triệu - Tiền ăn: 2,4 triệu - Tiền bỉm, sữa, ăn vặt của con: 600k - Tiền gas, mắm muối, xà phòng: 250k - Tiền điện: 250k - Tiền gạo: 250k - Tiền điện thoại, xăng xe: 150k - Tiền cáp ti vi: 45k - Các hiếu hỷ và tiền mua quần áo, mỹ phẩm sẽ chỉ được phát sinh trong 1,055.000k Tổng chi: 5 triệu 15 triệu còn lại để tái đầu tư và tích lũy |
Hiền làm nghề kinh doanh cùng với chồng và thu nhập của cả nhà đều được cô cân đối khá tốt.
"Vợ chồng mình ở riêng nhưng lại sát cạnh bố mẹ chồng. Mẹ chồng mình bán hàng tạp hóa, mua bán gì chủ yếu mình đều mua của bà cho nên bà chỉ lấy giá bà nhập chứ không lấy lãi. Nhiều thứ cũng dùng chung với ông bà, ví dụ như tiền mạng internet nhà mình không mất đồng nào vì kéo trên bà xuống, tiền dịch vụ ti vi thì chỉ mất hơn 45k vì đấu nối cùng cổng của ông bà nên được giảm một nửa. Rau thì vườn rộng nhà trồng được nên không mất tiền rau, đôi khi mẹ mình cũng mua luôn thức ăn cho nhà mình nên tiền cũng đỡ. Nói chung ở cạnh ông bà cũng có cái tiện", Hiền chia sẻ.
Vợ chồng Hiền may mắn nhờ được ông bà nội nên mọi thứ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Thu Hiền còn cho biết thêm, cũng có thể do vợ chồng cô ở vùng nông thôn nên các chi phí cũng rẻ hơn, ngoài ra tiền xăng xe nhà cô hầu như hết rất ít vì cũng không đi lại nhiều. Thêm nữa là các bé nhà Hiền cũng đều chưa đi học nên tạm thời tiền học của các bé chưa xuất hiện trong bảng thu chi gia đình. Hiền cũng là một bà mẹ hay tìm hiểu về các phương pháp nuôi con, cô nuôi hai bé chủ yếu bằng sữa mẹ nên không tốn nhiều tiền mua sữa ngoài. Bỉm thì cũng chỉ dùng buổi tối cho bé thứ hai còn lại ban ngày "thả rông" cho nên mỗi tháng tốn chẳng đáng bao nhiêu.
Hai bé nhà Hiền chưa đi học nên chưa tốn thêm khoản này. Hiền cũng xác định, đến tuổi con đi lớp cũng sẽ cho con học trường công lập, nên sẽ không tốn hơn là bao nhiêu.
Hiện tại, hai vợ chồng Hiền cùng nhau làm lụng trong cửa hàng vật liệu xây dựng. Chồng Hiền chở vật liệu cho khách còn cô thì ở nhà trông nom con cái và bán hàng. Mỗi tháng, thu nhập của cả cửa hàng tính trung bình vào khoảng ngoài 20 triệu đồng.
"Mặt hàng này tiền thu về cũng có tháng nhiều tháng ít vì tùy theo mùa xây dựng. Nhưng mà nếu các mẹ làm công ty, tiền tháng nào lĩnh tháng đó cho luôn vào túi thì vợ chồng mình luôn bị khách hàng nợ lại, đợi hết công trình mới thanh toán. Như trên mình thì đa số là người dân tộc Mông và người Mường, thu nhập của họ phụ thuộc vào mùa nông sản như ngô, mận, chè cho nên hoặc là thời điểm giữa năm, tháng 5 tháng 6 hoặc là vào khoảng tháng 9 hết vụ ngô họ mới trả tiền cho nhà mình được.
Vợ chồng mình là người Hưng Yên, lên Sơn La lập nghiệp cho nên cũng phải tích cóp để xây nhà nữa. Đám xá thì mình cũng ít khi đi, tiền quần áo mỹ phẩm thì mình chia đều trong khoản thừa hàng tháng chứ cũng không mua dồn cục quá nhiều.
Nói chung quan điểm chi tiêu của mình là cái gì nên sắm mới sắm còn không thì nên tiết kiệm. Thêm nữa là nhà mình rất ít khi đi chơi nên cũng bớt thêm được khoản đó, bây giờ con còn nhỏ, cho đi cũng chưa biết hưởng thụ, lại sợ đi xa con ốm, nên đợi sau này các bạn ấy lớn thì mình lại tính tiếp".
Hiền không phải người bản xứ mà là ở nơi khác đến Sơn La lập nghiệp.
Bản thân Hiền là một người phụ nữ rất biết thu vén cho gia đình dù tuổi đời cũng chưa hẳn là nhiều lắm. Hiền luôn nhận thức được rằng chỉ tiêu vào thứ thiết yếu bởi vì khả năng tài chính chưa cho phép tiêu pha nhiều. Ngoài công việc buôn bán với chồng, Hiền còn tranh thủ bán cả hàng online để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp chồng lo cho các con và để tích lũy thêm những khoản cần dùng cho sau này.