Cô Tôn Nữ Vân Hương, Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình):
Bám sát vào cấu trúc đề thi để ôn tập.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, học sinh (HS) cần bám vào cấu trúc của đề thi, để từ đó có cách ôn tập cho phù hợp và hiệu quả. Đề thi ra sát với nội dung bài học trong chương trình SGK lớp 9 của Bộ GD-ĐT, do đó các em cần nắm vững kiến thức trọng tâm bằng cách đọc nhiều lần các bài đọc (read và listen and read) và các điểm ngữ pháp trong phần “language focus”, kể cả hiểu rõ cách dùng tiếng Anh giao tiếp được nêu trong phần “speak” của mỗi bài. Vì trong đề thi thường có một hoặc hai câu liên quan đến phần tiếng Anh giao tiếp.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 có phần trắc nghiệm, chọn câu trả lời đúng (a, b, c, d) để kiểm tra những kiến thức nói trên cũng như kiểm tra cách thành lập từ, các thì, viết lại câu... Đối với phần kiểm tra kiến thức về cách thành lập từ trong tiếng Anh (word form), HS cần học kỹ từ vựng, viết đúng chính tả và thuộc các từ cùng gốc. Ví dụ: care careful carefully; inform information informative. Đồng thời biết cách sử dụng các từ này trong câu cho đúng ngữ pháp. Ví dụ: Đề thi sẽ cho như sau: He speaks English ___ . (fluent), các em phải biết điền từ đúng, như sau: He speaks English fluently. Để giúp HS dễ học các từ cùng gốc, giáo viên thường dựa vào phần từ vựng ở cuối SGK (glossary) để soạn ra các bảng từ vựng cho mỗi bài học, vì thế các em nên thường xuyên ôn đi ôn lại hệ thống từ vựng này.
Tương tự, đối với cách dùng các thì (tenses) và hình thức động từ (verb form), giáo viên cũng có các bảng tóm tắt để HS nắm kiến thức tổng quát. Để làm được bài thi, HS cần ghi chép và đọc kỹ các bảng này. Riêng phần kiểm tra kỹ năng viết lại câu (rewrite), HS cần nắm vững ngữ pháp. Khi học ngữ pháp, các em cần thuộc các cấu trúc khác nhau để diễn đạt cùng một ý. Chẳng hạn như đề thi cho câu Mary is quite clever, but she is a lazy student và cho HS viết lại bắt đầu bằng từ Althoug (Although …………), các em phải biết cách sử dụng một cấu trúc khác bắt đầu bằng một từ cho sẵn và viết lại thành câu đúng: Although Mary is quite clever, she is a lazy student.
HS có thể chọn một vài cuốn sách tuyển sinh có dạng đề thi giống với cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT để luyện tập, thực hành kỹ năng làm bài như cuốn sách 35 đề tiếng Anh thi vào lớp 10 của các tác giả Mai Lan Hương và Hà Thanh Uyên; Kiến thức trọng tâm và 20 đề ôn thi tuyển sinh THPT môn tiếng Anh của các tác giả Xuân Trúc - Bích Ngọc…
Cô Nguyễn Ngọc Bích Hà, Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1):
Không nên chú trọng ngữ pháp mà bỏ quên từ vựng.
Trong quá trình ôn tập, các em nên chú ý ôn lại ba phần cơ bản là từ vựng, ngữ pháp và làm nhiều bài tập thực hành. Ở phần từ vựng, HS ôn lại những từ có trong bảng từ vựng từ Unit 1 đến Unit 10, đồng thời đọc kỹ các đoạn đọc trong từng bài (vì có lồng từ vựng vào ngữ cảnh thì mới nhớ lâu chứ không học thuộc làu). Để làm được các bài tập, ngoài việc nhớ từ vựng, HS phải học kỹ ngữ pháp vì ngữ pháp luôn được thể hiện qua câu. Ngoài ra phải nhớ những kiến thức cơ bản như tính từ bổ nghĩa cho danh từ, trạng từ bổ nghĩa cho động từ, các loại thì; nhớ cấu trúc của các mệnh đề liên hệ, các loại so sánh, câu tường thuật... Đặc biệt, bốn câu cuối trong đề thi thường kiểm tra kỹ năng viết bằng các bài tập viết lại. Phần này, các em phải biết áp dụng cấu trúc ngữ pháp và liên hệ ngữ nghĩa, đọc hiểu mới viết tốt.
Thời gian đến kỳ thi không còn dài, vì thế các em nên chia từng unit ra ôn tập (mỗi ngày một bài về từ vựng, ngữ pháp và làm 2-3 bài tập/ ngày). Nhiều HS thường chỉ chú trọng ôn ngữ pháp mà bỏ quên từ vựng là không đúng, vì phần kiểm tra từ vựng cũng thể hiện rất nhiều trong đề thi. Do đó các em không nên tập trung học từ vựng hay ngữ pháp mà cần có cách phân bố hợp lý, vì nếu chỉ học phần ngữ pháp mà bỏ qua từ vựng thì cũng khó hoàn thành đầy đủ các câu hỏi trong đề thi. Nếu học từ vựng chậm, các em nên làm nhiều bài tập thì sẽ nhớ từ vựng nhanh hơn, bởi trong mỗi bài tập luôn “xoáy đi xoáy lại” các từ trọng tâm trong chương trình. Khi làm bài thi, các em nên đọc lướt qua đề thi và sau đó cẩn thận đọc yêu cầu từng phần mà đề yêu cầu (từng bài tập, từng đáp án) để chọn lựa đáp án cho chính xác.