Tuổi học trò là tuổi yêu?

Hồ Anh Thư, Theo Pháp luật xã hội 00:00 19/12/2013
Chia sẻ

Người xưa có câu, tuổi học trò – tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi khỏe, tuổi học. Nhưng liệu nếu như thêm vào cả "tuổi yêu" nữa thì có phù hợp và đúng đắn hay không?

Yêu là không tập trung học hành

Trong những ngày tháng học tập cùng nhau, việc phát sinh tình cảm là điều không thể nào tránh khỏi. Một tuần có 7 ngày thì hết 5 ngày các bạn đã gặp nhau ở trường, chưa kể thời gian đi học thêm và tham gia các sinh hoạt đội nhóm. Chuyện gặp nhau thường ngày đã trở thành thói quen của không chỉ riêng mỗi cá nhân nào. 

Việc gặp mặt nhau thường xuyên như thế làm cho tình cảm của các bạn ngày một tăng lên, sự quan tâm dành cho nhau cũng nhiều hơn và đó sẽ là một sự báo động nếu như việc quan tâm người yêu vượt quá mức độ, ảnh hưởng đến việc học hiện tại. Đa số các phụ huynh và những người lớn tuổi đều cho rằng, một khi đã vướng vào tình yêu, các bạn sẽ không thể nào chuyên môn tập trung cho việc học của mình được. “Mới tí tuổi đầu mà vướng vào những chuyện yêu đương như thế thì tâm trí đâu mà lo bài vởCứ thấy chúng nó suốt ngày chở nhau đi trên đường hẹn hò này nọ, có thấy đứa nào lo ở nhà học hành gì đâu” – cô M.K, 1 phụ huynh tâm sự khi được hỏi về vấn đề này. Hơn nữa, việc cứ giáp mặt nhau hằng ngày làm cho các bạn không thể nào chấm dứt được tình cảm dành cho đối phương, nhất là khi áp lực học hành, áp lực từ bố mẹ và người lớn khiến các bạn không còn đủ sức để “yêu” nữa.

Tuổi học trò là tuổi yêu? 1

Tình yêu đi vào và lý trí đi ra

Độ tuổi học trò phần lớn thuộc giai đoạn dậy thì mới lớn, tâm sinh lý vẫn chưa ổn định và hoàn thiện nên suy nghĩ của nhiều bạn vẫn chưa chín chắn. Nếu nhìn mọi thứ bằng con mắt thực tế, chưa chắc các bạn đã có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Đằng này khi yêu, các bạn hầu hết đều sử dụng con tim và tình cảm để suy nghĩ và dùng tiếng lòng của mình để đưa ra quyết định thì thường sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu xảy ra. Tò mò muốn thử, suy nghĩ đơn giản không tính đến hậu quả phía trước, sợ hãi, giấu giếm người lớn khi sự việc đã vỡ lỡ, tất cả sẽ như một cánh cửa đóng sầm tương lai mà lẽ ra sẽ thật tươi sáng của các bạn.

Tình yêu học trò cũng chẳng có gì đáng trách?

“Nói yêu thì nặng nề quá. Tụi mình thật ra là chỉ dừng lại ở mức độ trên quý mến nhau một tí. Có chuyện gì buồn hay vui thì chia sẻ cho nhau nghe, bài tập khó thì cùng nhau làm, hôm nào cuối tuần rảnh rỗi thì lại đi trà sữa giải khuây. Thay vì có một cô hay một cậu bạn thân, thì giờ đây mình lại có một cậu bạn được gọi là trên mức bạn bè, cùng mình trải qua những kỉ niệm đẹp của thời học sinh” – nữ sinh lớp 12 chia sẻ.

Tình yêu học trò còn là động lực hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau

Tuổi học trò hơn ai hết là những người có lòng tự trọng cao vút trời, sĩ diện của tuổi trẻ với cái tôi bản thân không chịu thua ai, đó chính là một trong những nguyên nhân ngầm giúp các bạn phấn đấu vươn lên trong học tập. Dù cho đôi khi mục đích chỉ để cảm thấy không mất mặt, không bị đặt “dưới cơ” cô cậu người yêu được cho rằng học giỏi hơn mình, thì vô tình kết quả các bạn nhận được cũng là một sự tiến bộ vượt bậc trong học tập. 

Cũng có thể thay vì lấy thời gian hẹn hò trà nước tốn kém, các bạn lại chọn cách học nhóm cùng nhau, vẫn có thể được gặp nhau, được nói chuyện với nhau, mà lại mang đến những hiệu quả tích cực. Phải đỗ đại học cùng nhau, phải cố gắng để được cùng tham gia kì thi học sinh giỏi với đàn anh đẹp trai khóa trên, phải có thành tích mới được các em xinh gái khóa dưới công nhận. 

Không thể khẳng định những điều này một cách hoàn toàn, nhưng có ai phủ nhận rằng liệu không có gốc rễ tình cảm làm động lực thúc đẩy, thì liệu các bạn có thể kiên trì cố gắng đến cuối cùng hay không?

Tình yêu học trò cũng cần lắm sự giúp đỡ của người lớn

Đôi khi tình yêu tuổi học trò không quá nặng nề như những gì người lớn định kiến, thực ra đó vẫn là những tình cảm rất đỗi trong sáng, cũng có lúc vui vẻ, cũng có những hờn dỗi, điều quan trọng là các bạn được giáo dục về cách nhận thức tình yêu như thế nào là đúng. Trong vấn đề này, cha mẹ thầy cô được xem là những người có vai trò cực kì to lớn, tác động đến suy nghĩ cũng như những hành động của các bạn. “Quả thật lúc đầu cô cũng thấy lo, nhưng sau thấy chúng nó cũng giúp đỡ nhau trong chuyện học hành cũng như tham gia các hoạt động đoàn thể này nọ cũng tốt. Không đi quá giới hạn cho phép thì được rồi, trẻ con bây giờ lớn sớm lắm, càng cấm cản chúng nó càng làm càn thì khổ” – cô L.A, mẹ của 1 học sinh lớp 11 chia sẻ. 

Tuổi học trò là tuổi yêu? 2

“Các em thường có xu hướng dùng sự bướng bỉnh của mình để chống lại người lớn, ép buộc không làm thì các em sẽ càng cố sức vẫy vùng làm ngược lại. Dù biết đó là hành vi không đúng, nhưng các em cho rằng đó là cách duy nhất để phản kháng và chứng tỏ bản thân. Thay vì ra sức ngăn cấm các em, thì cứ nhẹ nhàng khuyên bảo và hướng tới hành động tích cực hơn. Chỉ khi nào sự việc quá lắm mới phải dùng biện pháp mạnh” – GVCN 1 trường THPT cho biết.

Yêu nhau đâu phải chuyện gì cũng nói cho nhau nghe, đặc biệt những chuyện xảy ra đối với người trong cuộc, những lúc như thế, lời tâm sự giải bày với người lớn, hy vọng có được lời khuyên bổ ích và hành động đúng đắn là liều thuốc tốt nhất và kịp thời nhất đối với những mầm xanh non trong con đường tình cảm đầy khó khăn này.

Tạm kết

Tình yêu tuổi học trò không phải là điều xấu, đó chỉ là những rung động đầu đời rất đỗi đáng yêu mà mỗi người ai cũng phải trải qua khi cắp sách đến trường. Có thể tình yêu này mang đến cho các bạn những ngọt ngào hạnh phúc, nhưng hãy nhớ rằng, ở lứa tuổi này, tình yêu không phải là tất cả. Như một đồng xu hai mặt, vấn đề nào cũng tồn tại những cái lợi cũng như những cái hại, quan trọng là bạn biết rõ tay mình đang cầm mặt nào của đồng xu và tung nó như thế nào để không bị vướng phải những bất lợi do nó mang lại. Tình yêu tuổi học trò cũng như thế, đừng quá sức chăm chút vào nó, hãy để nó mãi tồn tại đúng như định nghĩa ban đầu mỗi khi được nhắc đến “hồn nhiên, ngây thơ và đầy đáng yêu”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày