Tranh cãi quanh chấm thi môn Văn

Gia Đình, Theo 21:04 07/06/2013
Chia sẻ

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, với câu hỏi “lạ” trong đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm nay, sẽ không có đáp án cụ thể. Tuy nhiên, theo đáp án mà Bộ công bố ngày 5/6, nhiều hội đồng chấm thi vẫn băn khoăn.

Mất 3 điểm nếu “lệch lạc”

Cô Bùi Thị Cúc, giáo viên môn Văn (Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng, đề thi Văn năm nay rất hay, nhân văn, gắn với cuộc sống và mang tính giáo dục. Đề thi không mang tính truyền thống và đã có đổi mới. Học sinh không phải bám theo văn bản mà phải có cách nhìn riêng trong khi làm bài. Một câu hỏi “lạ” (câu 2- 3 điểm) nhưng lại chạm vào căn bệnh không hề lạ hiện nay: ích kỷ dẫn đến vô cảm. Vì thế, khi chấm cũng cần có đáp án hướng mở cho câu hỏi này.

Ngày 5/6, Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT. Về câu hỏi “lạ” nghị luận về gương dũng cảm cứu người của em Nguyễn Văn Nam (Nghệ An), được Bộ GD&ĐT đưa ra barem điểm khá kỹ. Trong đó, Bộ lưu ý: Nếu thí sinh có suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lý thì vẫn được chấp nhận. Nếu thí sinh có kỹ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa. Đồng thời, không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”.

Tranh cãi quanh chấm thi môn Văn 1
Thí sinh thảo luận sau giờ thi môn Văn tại Hội đồng thi trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội.

Một số hội đồng chấm thi băn khoăn, hướng dẫn chấm thi như trên còn khá mông lung, khó định lượng cho người chấm vì biết đánh giá tiêu chí như thế nào là lệch lạc? Ông Đỗ Tấn Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết, nếu có thí sinh viết rằng “Em khâm phục hành động của bạn Nam nhưng nếu là mình, em không dám thực hiện hành động ấy vì em không biết bơi, em không đủ sức khỏe” thì có được điểm không hay bị đánh giá là lệch lạc? Vì thế, trong ngày họp bàn về chấm thi tốt nghiệp, các giáo viên, tổ trưởng chuyên môn của trường sẽ phải đưa những tình huống giả định như trên để đối chiếu với hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT sao cho linh động.

Ông Ngô Vưu, tổ trưởng tổ Văn (Trường Quốc học Huế) cũng cho biết, ngày 7/6, trường sẽ họp bàn thống nhất cách chấm. Đặc biệt, những tình huống làm bài ở câu 2, môn Văn cũng sẽ được đưa ra bàn luận, thống nhất để không thiệt thòi cho các em.

Không đúng đạo đức: Không cho điểm

Theo ông Ngô Vưu, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, có cô gái đã nhảy cầu tại Huế tự vẫn. Ngay lập tức, có 2 thanh niên đã lao theo dòng nước để cứu cô gái này. Một nhà thơ ở Huế đã rất cảm kích và nhận xét với đại ý: “Hóa ra quê mình vẫn đẹp. Cuộc sống này vẫn còn có nhiều Thạch Sanh”. Sở dĩ ông kể câu chuyện này vì đối chiếu với câu 2 trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm nay, nhiều phụ huynh tranh cãi nhau về việc có nên cho con em họ học tập hành động dũng cảm của Nam hay không là không đúng đắn. “Đấy là hạnh động quá đẹp, quá nhân văn, rất đáng để noi theo. Nếu phụ huynh cho rằng các em nên giữ mình, liệu khi con em của họ bị nạn, ai sẽ đứng ra cứu? Tất nhiên, những em không biết bơi, không có sức khỏe, không ai bắt các em phải nhảy xuống nước cứu bạn. Thay vào đó, các em sẽ có những cách khác để cứu người”, ông Vưu nhận định.

Vì vậy, cũng theo ông Vưu, trong định hướng chấm thi năm nay, nếu bài làm nào không thấy được công lao của Nam, không đúng đạo đức, lợi dụng bài thi để thóa mạ các anh hùng đã anh dũng hy sinh, đương nhiên sẽ không cho điểm. Bộ GD&ĐT hướng dẫn chấm như thế là khá chặt chẽ.

Ông Đỗ Tấn Ngọc cũng khẳng định: “Chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận những bài thi có suy diễn lung tung, không đúng đạo đức. Những bài thi có kiến giải khác barem nhưng hợp lý thì vẫn phải cho điểm như trường hợp thí sinh viết do không có sức khỏe, không biết bơi nên sẽ không dám lao xuống nước như đã nêu ra ở trên”. Là thầy giáo lâu năm, ông Ngọc cho rằng, sẽ rất ít trường hợp phê phán đấy là hành động ngu dốt, không biết quý trọng bản thân. Đặc biệt, trong định hướng giáo dục, rất ít khả năng xảy ra những trường hợp như thế, ngoại trừ thí sinh ấy không được bình thường. Hầu hết thí sinh tại hội đồng thi nơi ông Ngọc phụ trách trong kì thi vừa qua đều ca ngợi hành động dũng cảm của Nam. Hình ảnh của Nam được đưa vào đề thi nhằm giáo dục thế hệ trẻ về nhân cách sống.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, sẽ không có đáp án cụ thể cho câu hỏi này. Thí sinh có quyền đưa ra quan điểm của bản thân, quan trọng là phải có những lập luận chặt chẽ để bảo vệ quan điểm đó. Ông Hiển cũng cho biết, vào các năm sau Bộ GDĐT sẽ tiếp tục ra đề thi theo hướng mở để học sinh quen hơn với việc thể hiện quan điểm với các vấn đề xã hội, phát huy tính tích cực và năng lực tư duy sáng tạo, có tác động đến tình cảm, đạo đức của thí sinh.

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, chậm nhất là đến ngày 18/6 phải có báo cáo sơ bộ kết quả chấm thi, xét tốt nghiệp gửi về Ban chỉ đạo thi Trung ương. Sau thời điểm này, các sở GD&ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp và thông báo để các trường THPT niêm yết danh sách tốt nghiệp, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho các thí sinh. Điểm mới trong công tác chấm thi năm nay, các hội đồng chấm thi đều phải thành lập tổ chấm kiểm tra để chấm lại ít nhất 5% các bài thi tự luận ngay trong quá trình chấm thi. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục chấm thẩm định để giám sát ngược khâu coi thi, chấm thi của các địa phương. Nếu có dấu hiệu làm bài tập thể, sẽ xử lý kỉ luật cán bộ coi thi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày