Tới lớp không đơn giản chỉ là học chữ

Duyên Lê, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 14/12/2012
Chia sẻ

Cô giáo của tôi, trong một buổi học đầu tiên khi cô nhận lớp đã cười và nói với chúng tôi rằng: “Cô là động vật bậc cao, có trí thức và không ăn thịt người”

Các bạn hiểu cô giáo muốn nhắc chúng ta những gì qua câu nói trên? Lớp tôi, thoạt đầu mới nghe, cả lớp đều cười ầm lên, sau đấy cô giải thích: “Cô là một giáo viên, nhiệm vụ lên lớp là để giảng dạy, truyền đạt kiến thức đến học sinh của mình, cô rất ghét việc phải tự hỏi – tự trả lời, như thế lớp học sẽ rất nhàm chán và giáo viên cũng không có hứng thú đứng lớp. Vì vậy, cô mong tất cả các bạn có thể tích cực học tập, cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến vì cô không “ăn thịt” bạn nào dù có trả lời đúng hay sai. Cô hy vọng cả lớp và cô hợp tác cùng nhau để hoàn thành xuất sắc ở môn học này”  

Thực tế, học sinh bây giờ rất thụ động trong việc tự học, các bạn rất nhát giơ tay phát biểu, hay các bạn không biết, hay biết nhưng không muốn trả lời.

Bạn thấy đấy, lời nói của cô giáo đã cho thấy cô, hay bất kì một giáo viên nào - họ đều muốn học sinh của mình luôn tích cực học tâp, góp ý xây dựng bài để hiểu và tiếp thu kiến thức chứ không chỉ đến lớp ngồi, nghe giảng và hoạt động như một cái máy dưới sự điều khiển của người khác. Như thế các bạn sẽ thấy chán ngấy việc học, thậm chí là rất ghét việc đến lớp, chẳng qua bạn đến trường vì đấy là nhiệm vụ của bạn và chẳng khác nào đi học là để không phụ lòng ba mẹ!

Tới lớp không đơn giản chỉ là học chữ 1

Bạn đừng có quan điểm giơ tay chỉ để kiếm điểm cộng, quan điểm đấy giống như đưa bạn vào một “thế phòng thủ”, vì bạn sợ điểm mình đang kém, nếu không “tích góp” thì bạn không đủ điểm và sẽ “out”. Bạn nên biết, giơ tay phát biểu là một cách để bạn tự “đầu tư” kiến thức cho chính mình, cũng là cách để “tự ghi điểm” với giáo viên hơn. Vì giáo viên, họ luôn luôn thích những học sinh biết chủ động, biết cố gắng phấn đấu, và biết tìm tòi học hỏi. 

Ở các nước phát triển, giáo dục luôn là việc được đặt lên hàng đầu và họ đào tạo nhân lực ngay từ khi còn rất nhỏ. Singapore cũng là một trong số nhiều nước như thế. 

Ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng và cũng là nhà lãnh đạo suất sắc tài ba của Singapore, người có công rất lớn trong việc đưa Singapore trở thành “con Rồng châu Á” như hiện nay, trong chuyến sang thăm Việt Nam, khi được hỏi vì sao Singapore lại có một bước tiến như hiện nay, ông đã từng nói: “Người Việt Nam là một viên ngọc, còn người Singapore là một cục đất sét!” 

Câu nói của Lý Quang Diệu làm nhiều người suy nghĩ không ít, bởi lẽ nó quá đúng. Ông ví người Việt Nam như một viên ngọc, vì bản chất của người Việt Nam ta là tài giỏi, có năng lực, có ý chí, nhưng nếu ngọc không mài thì mãi không thể sáng! Còn đất sét, đơn giản vì đã được nhào nặn, được uống nén, nung nấu từ khi mới ra lò, chính vì thế, người Singapore đã có một nền tảng để phát triển, họ rất giỏi và biết làm giàu. Và người Sing không dựa vào thiên nhiên để sống mà tất cả đều dựa vào bàn tay và khối óc con người.

Quay trở lại vấn đề. Nói về kỹ năng, sau này ra trường, các nhà tuyển dụng, các công ty, cơ quan nhà nước, kể cả các nhà máy hay công xưởng…cái người ta cần ở bạn không phải là khả năng mà là kỹ năng của chính bạn. Nếu khả năng làm việc của bạn chưa tốt, có thể uốn nén để đào tạo sâu hơn, còn ngược lại, bạn có khả năng, nhưng thiếu kỹ năng cần thiết về lãnh đạo, về tổ chức, khả năng lúc đấy cũng không làm nên chuyện, chắc chắn khi ấy không ai cần đến bạn.

Tới lớp không đơn giản chỉ là học chữ 2

Xung phong trả bài, làm bài tập, thuyết trình trước lớp, tích cực tham gia các hoạt động....chính là những điều một học sinh cần làm và phải trải qua. Vì đến trường, bạn không chỉ học chữ, bạn cần phải học nhiều hơn như thế, bạn phải học kỹ năng giao tiếp (với bạn bè, thầy cô); học cách thông cảm và yêu thương nhau từ bạn bè; học sự tự tin và cả kinh nghiệm khi vấn đáp hay phát biểu ý kiến trước mọi người; học rèn luyện bản thân về tinh thần, đạo đức và cả thể chất; nếu bạn có dịp được làm MC cho một chương trình nho nhỏ nào đấy do trường hay lớp tổ chức. Chắc chắn điều này sẽ có lợi cho bạn để thể hiện mình vì sẽ giúp bạn học được cách truyền đạt, cách thể hiện trước đám đông…

Tất cả, đấy chính là những gì mà nhà trường muốn ở một học sinh. Quan trọng hơn, đấy là các kỹ năng bạn cần phải có để làm nền tảng cho chính mình!

Tạm kết

Tuổi trẻ ai cũng thế, có mục đích nhưng không nhiều động lực, có năng lực nhưng cạn kiệt “vốn”, có ước mơ nhưng ít ỏi say mê, có khát khao nhưng không hành động, có tham vọng nhưng không chịu tiến lên. Cứ thế chậm chạp bước ì ạch, bỏ lỡ thời gian hoang phí cơ hội thật không nên.

Câu nói của cô giáo tôi, thật ra cô đang đùa nhưng hàm ý đầy nhắc nhỏ. Các bạn đừng quá thụ động, hãy học theo một cách tích cực hơn, tự tìm tòi và chủ động hơn trong việc học. Học cách tự rèn luyện bản thân và những kỹ năng cần thiết, tất cả đều quan trọng và luôn có ích cho bạn. Vì đến trường không chỉ học chữ là đủ. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày