Tìm hiểu về các ngành học độc đáo

Dân Trí, Theo 16:59 07/03/2011
Chia sẻ

Đó là những ngành Kỹ sư cảnh quan, nhân học, công nghệ Spa, Thủy văn học, Hán Nôm...

Ngành Kỹ sư cảnh quan

Đào tạo kỹ sư Cảnh quan có kiến thức và kỹ năng về quy hoạch thiết kế, tổ chức thi công và quản lý các công trình cảnh quan hoa viên, nắm vững kỹ thuật tạo giống, gieo trồng, chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh, hoa, kiểng nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ góp phần bảo vệ môi trường và phát triển mảng xanh một cách bền vững.

Các trường đào tạo chuyên ngành này sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về quy hoạch, thiết kế, quản lý cảnh quan môi trường, khoa học cây trồng, lâm nghiệp đô thị và kỹ thuật hoa viên; kỹ năng thực hành cần thiết để có thể ứng dụng trong việc thiết kế, thi công các công trình phát triển mảng xanh ở các đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch (du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng), khu dân cư hoặc ở các biệt thự sân vườn…

Những kỹ sư tốt nghiệp ngành học này có khả năng nghiên cứu, thực hiện việc thiết kế, thi công và quản lý các lãnh vực về cảnh quan và hoa viên, có cơ hội phát triển nghề nghiệp tại các cơ quan tư vấn, nghiên cứu hoặc sản xuất như: Văn phòng kiến trúc sư trưởng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông Công chánh, Sở Xây dựng, các công ty công viên & cây xanh, công ty quản lý công trình công cộng ở các đô thị, các khu du lịch, khu chế xuất, khu công nghiệp, sân golf, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử, các cơ sở khuyến xanh kinh doanh hoa kiểng, các công ty du lịch sinh thái hoặc có thể tự thành lập các công ty tư nhân.

Ngành này được đào tạo tại một số ít trường như ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông nghiệp Hà Nội.

Ngành Nhân học

Ngành Nhân học về cơ bản là một khoa học sử dụng tư liệu dân tộc học để nghiên cứu và khám phá sự đa dạng của các nền văn hóa và các nguyên tắc tổ chức xã hội của con người cả trong lịch sử và hiện tại…

Mục tiêu đào tạo cụ thể là trang bị cho sinh viên vừa có kiến thức đại cương về các ngành khoa học Xã hội Nhân văn, vừa có kiến thức chuyên sâu về ngành Nhân học cả về lý luận và phương pháp nghiên cứu, có kỹ năng thực hành và khả năng vận dụng kiến thức chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, bộ môn Nhân học sẽ được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc để làm công tác giảng dạy về văn hóa - xã hội tại các trường đại học, cao đẳng, hoặc tiếp tục theo học các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ ở các trường đại học trong nước và nước ngoài.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Nhân học có khả năng làm việc trong các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan đến ngành học về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, có thể làm cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và cán bộ nghiên cứu ở các Viện và Trung tâm nghiên cứu.

Những trường đào tạo ngành cũng có rất ít gồm Trường ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM). Riêng ngành này, Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQGHN) tuyển sinh 3 khối A, C, D.

Công nghệ Spa và Y sinh học TDTT

Công nghệ spa gắn liền với y sinh học giúp duy trì sức khỏe, giảm stress, kiến thức về sử dụng nước nóng, nước lạnh như thế nào, kỹ thuật massage, bấm huyệt...

Đào tạo chuyên sâu về ngành này là ở Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng TPHCM Với ngành này, trường xét tuyển từ điểm sàn của thí sinh thi vào ĐH Y dược và TDTT của cả nước.

Ngành thủy văn học

Học ngành này, sinh viên được cung cấp những kiến thức về Toán, Vật lý, Tin học và phương pháp tính toán trong chuyên môn, phục vụ trực tiếp các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, môi trường... và quản lý tài nguyên nước.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ năng lực của một cử nhân ngành thủy văn, có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các trung tâm và sở khoa học và công nghệ các tỉnh trong cả nước; hoặc làm việc tại các trạm thủy văn, trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh thành phố, các đài khí tượng thủy văn khu vực. Ngoài ra, có thể làm ở ban phòng chống lụt bão các tỉnh thành, cơ quan khác như Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, công ty tư vấn thiết kế điện 1, 2, 3 hoặc các nhà máy thủy điện…


Sinh viên có thể tìm việc làm tại các viện nghiên cứu của Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia; các viện, trung tâm nghiên cứu và các đài, trạm của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Dầu khí …

Cả nước có 200 trạm khí tượng thủy văn ở các tỉnh thành đã và sắp hoàn thành. Đồng thời, các sân bay cũng mở thêm những đài quan trắc (trạm đo đạc theo dõi không khí, nhiệt độ, hướng gió…). Vì thế, cơ hội việc làm ngành này rộng mở.

Các trường đào tạo ngành Thủy văn học gồm: ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Thủy lợi... Điểm chuẩn vào ngành học này từ 14,5 - 17 điểm.

Ngành Hán Nôm

Ngành Hán Nôm là cửa ngõ dẫn bạn đi sâu vào kho tàng văn hoá truyền thống để khám phá những giá trị văn hóa trong quá khứ, ứng dụng và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại và tương lai. Nhưng nếu ông đồ xưa bày mực tàu, giấy đỏ, bút lông ra viết chữ Nho, thì người học Hán Nôm ngày nay gõ bàn phím máy tính để giải mã các văn bản cổ.

Sinh viên học ngành này ra trường làm nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm, ngữ văn ở các cấp. Ngành này phù hợp với những người có tính cẩn thận, tỉ mỉ, thích sáng tạo, yêu thích văn hóa truyền thống, muốn duy trì dòng mạch liên tục về văn hóa giữa truyền thống và hiện đại.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm giảng viên ĐH và CĐ về Hán Nôm tại: Ngành Hán nôm của Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Khoa học Huế; Khoa Ngữ văn của ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, các trường ĐH và CĐ ở các tỉnh khác… Giáo viên môn ngữ văn tại trường phổ thông các cấp trên toàn quốc.

Nếu bạn muốn làm nhà nghiên cứu, thì Viện Nghiên cứu Hán Nôm (183 Đặng Tiến Đông, Hà Nội) là một địa chỉ có uy tín và thường xuyên nhận sinh viên tốt nghiệp ngành Hán nôm. Ngoài ra còn có nhiều đơn vị thuộc Viện KHXH Việt Nam (Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Tôn giáo, Viện Ngôn ngữ, Viện Đông Nam Á…) cũng cần chuyên gia Hán Nôm.

Triển vọng phát triển nghề nghiệp: Xã hội ngày càng nhận thức được giá trị của truyền thống, đó là cơ hội cho những người giảng dạy và nghiên cứu Hán Nôm. Nhiều đơn vị tuyển dụng còn thiếu nguồn nhân lực trí thức Hán Nôm trình độ cao để làm công việc nghiên cứu và giảng dạy.

Ngoài ra, tốt nghiệp ngành này có thể làm công việc như phiên dịch các văn bản Hán Nôm (tác phẩm văn sử triết, gia phả, hoành phi, câu đối…) tại các công ty dịch thuật. Các tác phẩm cổ văn này là một thách thức lớn đối với người học tiếng Trung Quốc hiện đại, nhưng lại là công việc quen thuộc của người học Hán Nôm.

Phiên dịch tiếng Trung Quốc hiện đại cho các đơn vị tuyển dụng (cơ quan dịch thuật, công ty liên doanh với Trung Quốc hoặc Đài Loan…). Tư vấn văn hóa Hán Nôm cho các lĩnh vực thiết kế, xây dựng (qua các kiến thức khoa học về âm dương, ngũ hành…), một số công việc về du lịch và văn hóa…

Nơi đào tạo ngành này là các trường ĐH KH XH và NV thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, tuyển sinh theo khối C, D với nhiều bậc đào tạo: Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày