Vậy còn những người trong cuộc là chính các sĩ tử thì sao? Hãy xem các thí sinh đã “giải” đề bài này như thế nào nhé.
Qua quá trình chấm thi khách quan, một nhóm giáo viên ở hội đồng chấm thi ĐH X không khỏi bất ngờ khi đọc những bài văn của thí sinh.
Một thí sinh không ngại ngần “phóng bút”: “Em thích nhất mấy anh ca sĩ Hàn Quốc. Các anh ấy là động lực của đời em. Có rất nhiều các bạn có sở thích giống em và em nhận thấy rằng yêu thích thần tượng chả có gì là sai cả. Chị em cũng từng mê muội thần tượng nhưng chả có thảm họa nào xảy ra cả. Chị ấy vẫn là một người bình thường, có công ăn việc làm ổn định đó thôi.”
Có bạn còn nêu lên những luận điểm rất rõ ràng để bảo vệ kiểu “mê muội” thần tượng của mình: “Chẳng phải mọi thứ chúng ta đang làm đều hướng tới thứ gọi là hạnh phúc sao? Vậy khi chúng tôi nhìn những thần tượng của mình, yêu những thần tượng của mình, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Như thế gọi là mê muội sao? Nếu vậy thì còn nhiều thứ gọi là thảm họa lắm”.
Một bài văn khác còn viết với vẻ buồn bã: “Cô thầy ơi, chắc năm nay em trật đại học rồi. Em có thể kể cả ngày không hết với thầy cô về thần tượng của mình nhưng xin mọi người đừng nói đến từ mê muội ở đây. Hẹn gặp lại ở mùa thi năm sau. Yêu các anh, một lần và mãi mãi..."
Khi nói về những bài văn này, nhóm giáo viên cũng bày tỏ sự e ngại với thói quen hâm mộ quá đà của một số bạn. Có bạn còn khiến các giám khảo giật mình với dòng hô khẩu hiệu to tướng thay cho kết luận: “Nguyện yêu các anh chứ nhất định không yêu người khác. Thà trượt chứ nhất định không hùa theo để đùa cợt, phỉ báng các anh.”
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, bên cạnh những bài văn tiêu cực cũng có không ít bạn thí sinh đã bày tỏ quan điểm đồng tình với nhận định này bằng những lý lẽ phân tích thuyết phục, những góc nhìn mới, độc đáo về thần tượng của giới trẻ, vượt ra khỏi những suy nghĩ đơn thuần thần tượng về nhạc Hàn, phim Hàn… một cách chung chung.
Một thí sinh viết: “Mình thần tượng chính bố, mẹ mình – những người đã vất vả nuôi dạy mình. Dù bố mẹ mình chỉ là nông dân, không có điều kiện đi học đầy đủ nhưng trong lòng mình họ chính là thần tượng”.
Một thí sinh khác thì khéo léo lồng ghép với những ký ức tuổi thơ khi nói về thần tượng: “Ký ức tuổi thơ tớ, giản đơn lắm, chỉ là trò chơi đuổi bắt trốn tìm trên vỉa hè phố cổ. Thần tượng của tớ cũng đơn giản chỉ là hâm mộ một vài bạn rất giỏi môn Toán, hay cô giáo dạy tiếng Anh mà thôi. Hồi mới vào lớp một, tớ đã hỏi ba: “Ba ơi! Thần tượng là gì vậy ba?” Ba ví dụ cho tớ rằng: tớ có thể hâm mộ cô bán kẹo kéo rong (vì tớ thích cực kỳ món kẹo ngòn ngọt của cô ý), hay siêu nhân cũng được (vì siêu nhân luôn giúp đỡ mọi người mà). Vậy là tớ cứ thế mà hâm mộ thôi. Giờ mới thấy mình thật ngố.”
Có những bài văn bày tỏ ước mơ được trở thành diễn viên và hâm mộ anh Lâm Chí Dĩnh hoặc một vài diễn viên nổi tiếng khác, các bạn ấy miêu tả vẻ đẹp và diễn xuất tài tình của các diễn viên này.
Một số giáo viên chấm thi tại ĐH Đà Nẵng cho biết, không dừng lại ở việc viết về thần tượng là các ngôi sao ca nhạc, bóng đá hay diễn viên điện ảnh, nhiều bài văn đã để lại được nhiều ấn tượng khi thần tượng chính Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, người được đánh giá là có tài và vô cùng thẳng thắn, khiến người dân ai cũng yêu mến.
Tuy nhiên, lại có những thí sinh ngậm ngùi bày tỏ trực tiếp quan điểm của mình: “Quê em không có điều kiện tiếp xúc nhiều với Internet, hiện tượng mê muội các thần tượng cũng rất ít nên em không biết lấy ví dụ như thế nào về đề bài này cũng như không có kinh nghiệm của bản thân.”
Cũng có một số bạn lại chia sẻ rằng mình không có thần tượng nào và không cần thần tượng vẫn sống tốt vì có mục tiêu và lý tưởng sống đúng đắn, rõ ràng cho cuộc sống.
Theo Cục phó Cục khảo thí và Kiểm đinh chất lượng Trần Văn Nghĩa cho biết: “Các em hoàn toàn có thể bình luận ngược lại ý trong đề thi với những dẫn chứng cụ thể và xác đáng. Bộ luôn khuyến khích những bài làm không giống đáp án và mang tính sáng tạo cao.”
Rõ ràng là các bạn thí sinh đã hoàn toàn có thể tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến cá nhân của mình nhưng thay vì thể hiện nó một cách tốt nhất thì một số bạn lại thể hiện sự chưa khôn ngoan của mình khi chỉ trích đề thi và khăng khăng bảo vệ sự đam mê thần tượng đến phát cuồng của mình.
Về chất lượng điểm thi Văn, sau khi chấm hàng nghìn bài thi của một đại học lớn ở Hà Nội, tổ giáo viên cho biết, có nhiều bài thi được điểm 9 nhưng chưa có điểm 10. Ở Huế và Đà Nẵng cũng mới chỉ có thí sinh được điểm 9,25 và 9.
Khép lại một kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ nhưng đề thi môn Văn lại mở ra lại một yêu cầu khác trong việc giáo dục tư tưởng cho giới trẻ.