I. Phần chung
Câu 1: (2 điểm)
Hoàn cảnh Mị nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ:
• Thời điểm: Đêm tối tại nhà thống lí Pá Trá khi mọi người đã ngủ say. Không gian tĩnh mịch im lìm.
• Thời điểm: Khi A Phủ bị trói đã mất hết hi vọng vào sự sống. Khi sức sống tiềm tàng đã thức dậy trong tâm hồn Mị sau đêm tình mùa Xuân nhưng bị đè nén bởi sự vùi dập, đánh đập của A Sử.
• Hoàn cảnh: Mị theo thói quen dậy nhóm bếp, ánh lửa bập bùng, Mị nhìn sang A Phủ và nhìn thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ.
• Trước lần nhìn thấy dòng nước mắt của Mị, hàng đêm “Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm khi nghe thấy tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng mới biết A Phủ còn sống”.
• Diễn biến sự kiện: Khi và chỉ khi dòng nước mắt của A Phủ "bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Mị bừng tỉnh, lòng thương người trong Mị mới trỗi dậy. Thương người, Mị lại thương mình. Mị hình dung lại chuỗi ngày ê chề dài dằng dặc của cuộc đời mình. A Phủ sao mà giống Mị thế, Mị cũng từng bị A Sử trói đứng thế kia, có nhiều lần khóc nước mắt rơi xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được. Nhớ đến những chuyện ngày trước, trở về với hiện tại, Mị đau khổ, cay đắng cho thân phận của mình: "Ta là thân đàn bà chúng nó đẵ bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi". Rồi Mị quyết định giải cứu A Phủ rồi cùng bỏ trốn.
Ý nghĩa đối với tâm lí của việc cảnh Mị nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ đối với tâm lí của nhân vật Mị:
• Trong đêm tình mùa xuân, sức sống trong tâm hồn của Mị đã trỗi dậy nhưng mới dừng lại ở sự vận động trong ý thức. Sau đêm tình mùa xuân sức sống ấy đang lắng lại, im lìm do sự áp bức của A Sử.
• Sự kiện Mị nhìn thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ đánh dấu sự trỗi dậy của sức sống nơi Mị bằng hành động.
• Sự kiện này chính là đỉnh cao của quá trình diễn biến tâm lí của Mị, đánh dấu cao trào của khát vọng sống trong tầm hồn Mị lên tới đỉnh điểm, đồng thới khép lại quá trình tâm lí của nhân vật trong toàn bộ phần 1 của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
Câu 2: (3 điểm)
Giải thích
• Thần tượng: Là những hình mẫu con người cụ thể được ngưỡng mộ, được coi là tấm gương học tập, hướng tới và là hình mẫu được theo đuổi và mơ ước được trở thành đối với những cá nhân cụ thể.
• Ngưỡng mộ thần tượng: Là sự yêu mến, hâm mộ một cách có có chừng mực những cái hay, cái đẹp của một thần tượng cụ thể. Đây là một hiện tượng tâm lý bình thường ở con người.
• Mê muội thần tượng: Là sự cuồng tín, theo đuổi, đề cao thần tượng một cách quá mức, mù quàng. Đây là hiện tượng tâm lí không bình thường, dẫn đến những suy nghĩ và hành động lệch lạc.
• Nét đẹp văn hóa: Là một một khía cạnh đáng được tôn trọng, ngợi ca trong đời sống văn hóa.
• Thảm họa: Là một hiện tượng lệch lạc, đi ngược những tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống căn bản cần được loại trừ, bài xích.
• Bản chất của vấn đề cần nghị luận là sự chừng mực trong việc thần tượng hóa một cá nhân, điều hướng tâm lý, hành động của mình theo hình mẫu cụ thể đó.
Bàn luận, phân tích
• Vấn đề thần tượng hóa là một vấn đề nổi bật, thường trực trong đời sống tâm hồn mỗi con người.
• Vấn đề thần tượng hóa là một vấn đề mang tính thời sự, đặc biệt đáng lưu tâm, nhất là ở giới trẻ.
• Bối cảnh hiện tại: Sự du nhập văn hóa, sự cởi mở trong quan niệm, đời sống; ý thức xã hội đề cao những con người nổi tiếng; nhiều người, nhất là các bạn trẻ đã thường xuyên xây dựng những hình mẫu thần tượng cho mình.
• Khẳng định ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa: Có những thần tượng đẹp sẽ là động lực giúp con người ta hoàn thiện bản thân, hướng tới những thành công, những nét đẹp cao cả mà thần tượng đã định hướng. Ngưỡng mộ thần tượng đúng chừng mực, không chỉ làm cho đời sống tâm hồn, văn hóa phong phú hơn mà còn làm cho con người sống có mục đích, mục tiêu cao đẹp và giàu động lực phấn đấu, hoàn thiện mình.
Dẫn chứng: Có thể lấy dẫn chứng về việc thần tượng những thành công của những người nổi tiếng, về lối sống đẹp của một con người cụ thể…
• Khẳng định mê muội thần tượng là một thảm họa: Khi đề cao thần tượng đến mức tuyệt đối, thiếu lý trí tỉnh táo hoặc lựa chọn những mẫu thần tượng lệch lạc sẽ khiến tâm lý con người không bình thường, dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và những hành động thiếu kiểm soát, thiếu kiềm chế hoặc sai trái.
Dẫn chứng: có thể lấy dẫn cứng về việc chọn hình mẫu thần tượng lệch lạc, không xứng đáng; việc quá tôn sùng tuyệt đối thần tượng mà bài xích quan điểm của người khác; việc mê muội thần tượng dẫn đến những hành động sai trái…
• Vấn đề được đề cập đòi hỏi sự tỉnh táo, chừng mực trong việc xây dựng hình mẫu hướng tới của con người. Đồng thời gợi nhặc về lối sống có mục đích phù hợp, giàu lý tưởng, đúng đắn.
Liên hệ, phát triển
• Vấn đề được nghị luận mang tính đúng đắn vì nó đúng với mọi người, mọi thời; đồng thời mang tính cấp bách bởi đang là một vấn đề nhức nhối của thời đại, đặc biệt trong đời sống trẻ giữa bối cảnh văn hóa hội nhập ở nước ta.
• Liên hệ tới thần tượng của bản thân, điều hướng điều chỉnh thần tượng của cá nhân mình sao cho phù hợp.
• Mở rộng vấn đề với những cá nhân sống không có thần tượng: Có thể không có hình mẫu thần tượng cụ thể, song luôn cần có mục tiêu, mục đích sống cụ thể, có hoài bão, khát vọng vươn lên làm cuộc sống đẹp hơn.
II. Phần riêng
Câu 3a:
Mở bài:
- Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao và truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân là hai tác phẩm điển hình của văn học Việt Nam hiện đại. Chí Phèo là tác phẩm điển hình của văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945, Vợ nhặt là tác phẩm điển hình của văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945. Mỗi tác phẩm đều có những đặc sắc nghệ thuật riêng, tuy nhiên, hai truyện ngắn này đều có một điểm chung, đó là cách kết truyện đều rất đáng chú ý về giá trị nghệ thuật.
(0,5 điểm)
Thân bài:
- Kết thúc truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao viết: “Đột nhiên chị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua”.
+ Trước hết, kết thúc này cho thấy tư tưởng của nhà văn Nam Cao về hiện thực xã hội. Số phận của người Việt Nam trong xã hội thực dân phong kiến trước cách mạng tháng Tám bị bần cùng hoá, lưu manh hoá. Chí Phèo từ một chàng thanh niên khoẻ mạnh, có nhân cách, bị Bá Kiến biến thành một con vật người, một công cụ thực hiện những âm mưu thâm độc.
+ Chí Phèo đã đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu sự sống của mình. Tưởng như đây là một cách giải quyết mâu thuẫn xã hội. Không còn Bá Kiến, không còn Chí Phèo, xã hội sẽ hết bi kịch. Nhưng không, với kết truyện này, Nam Cao cho thấy tương lai: một Chí Phèo con sắp ra đời và lại lặp lại vòng đời của Chí Phèo bố. Bá Kiến đã chết, nhưng còn đó con trai hắn – Lý Cường. Và rất có thể, Lý Cường lại biến Chí Phèo con thành một thằng lưu manh như cách bố hắn đã làm với Chí Phèo.
+ Kết thúc này do đó cho thấy tư tưởng nghệ thuật sâu sắc của nhà văn Nam Cao về cuộc đời. Xã hội muốn tốt đẹp hơn, công bằng hơn, không thể hành động một cách manh động như Chí Phèo từng làm với Bá Kiến. Cần hành động một cách quyết liệt, dứt điểm để quét sạch những Bá Kiến, Lý Cường ra khỏi xã hội. Người dân làng Vũ Đại cần biết xoá bỏ những định kiến xã hội, đón nhận sự hoàn lương của những con người như Chí Phèo, thì mới có thể có được một xã hội tốt đẹp hơn.
(2 điểm)
- Kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt Kim Lân viết: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.
+ Kết thúc này thể hiện cảm quan hiện thực cách mạng của nhà văn Kim Lân. Cái đói khát đã khiến cho những số phận con người trở nên vô cùng rẻ rúng. Lấy vợ vốn là một việc trọng đại của một đời người đàn ông, tục ngữ tổng kết: tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Lấy vợ hệ trọng là thế, vậy mà trong cơn bĩ cực ấy, người ta có thể “nhặt” được vợ. Quả thật, hiện thực cuộc sống ấy đã hạ thấp nhân phẩm của con người.
+ Mặc dù thế, con người không trở nên bi lụy, lụi tàn, mà ngay trong những hoàn cảnh ấy, sự sống vẫn đang từng ngày, từng giờ hồi sinh. Tràng lấy được vợ, cảm thấy vui mừng vì hạnh phúc trong tổ ấm nghèo đói của mình.
+ Tràng không nghĩ đến cái chết, sự lụi tàn đang bủa vây cuộc sống của anh và gia đình anh. Anh nghĩ đến hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.
+ Lá cờ là biểu tượng của Tổ quốc, của Đảng, của Cách mạng. Đám người đói chính là hình ảnh của quần chúng nhân dân ta bị bần cùng hoá đến cực điểm trước cuộc Cách mạng tháng Tám. Hình ảnh này cho thấy tư tưởng nghệ thuật của nhà văn Kim Lân. Cuộc sống lụi tàn ấy đang hồi sinh. Hình ảnh ấy chính là hình ảnh thu nhỏ về Cuộc Cách mạng vĩ đại của dân tộc tháng Tám 1945 đã đưa lịch sử dân tộc ta bước sang một trang mới. Con người Việt Nam sẽ thoát khỏi kiếp sống nô lệ, sẽ vùng lên làm chủ cuộc đời, sẽ lấy lại phẩm giá, danh dự, chứ không phải là những kiếp người rẻ mạt, bọt bèo nữa.
(2 điểm)
Kết bài:
- Mỗi nhà văn có một tư tưởng nghệ thuật riêng, tuy nhiên nó đều cho thấy một cảm quan hiện thực sâu sắc của Nam Cao và Kim Lân. Không cần nói nhiều, diễn đạt dài dòng mà chỉ cần bằng những kết thúc truyện ngắn gọn, các nhà văn đã gửi gắm vào đó những tư tưởng vô cùng sâu sắc về cuộc đời, về số phận con người trong những thời điểm bi thương của dân tộc. Tài năng nghệ thuật của Nam Cao và Kim Lân đã được thể hiện rõ ràng qua những cách kết thúc truyện đó.
(0,5 điểm)
Câu 3B
Yêu cầu chung: Phân tích được những đặc sắc trong hình ảnh của thiên nhiên tạo vật của đoạn thơ và tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Ý thứ nhất: giới thiệu tác giả Huy Cận , một trong những nhà thơ tiêu biểu và bài thơ Tràng Giang tiểu biểu cho hồn thơ Huy Cận trong Lửa Thiêng . Đoạn trích là bức tranh thiên nhiên Tràng Giang và tâm trạng của nhân vật trữ tình khi đối diện với tạo vật trong vũ trụ Tràng Giang (0,5đ).
Ý thứ hai: Cảm nhận chung về bài thơ Tràng Giang (1đ).
• Tràng Giang, mặc dù được gợi tứ từ hình ảnh sông Hồng nhưng đó là hình ảnh của không gian vũ trụ qua hình ảnh một dòng Tràng Giang, cùng với “nỗi buồn dưới đáy hồn nhân thế”, “ nỗi sầu vạn kỷ" chất chứa trong Lửa Thiêng của Huy Cận. Đồng thời Tràng Giang cũng là “nặng buồn sông núi” của nhà thơ trước hiện thực đất nước bị ngoại xâm (0,75đ)
• Tràng Giang là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển với một hồn thơ mới – Huy Cận (0,25đ).
Ý thứ ba: Tràng Giang, một cái nhìn toàn cảnh và nỗi buồn của con người khi đối diện với cái vô cùng vô tận của vũ trụ (1,5đ).
• Bốn dòng thơ thứ nhất có thể coi là bức tranh toàn cảnh của Tràng Giang được nhấn mạnh bởi sự tương phản giữa cái mênh mông của sóng nước Tràng Giang với sự bé nhỏ của tạo vật.
+ Cái mênh mang của Tràng Giang được mở ra ngay từ câu thơ đầu tiên, một câu thơ đầy sóng, từ chữ mở đầu “sóng” cho tới chữ cuối cùng “điệp điệp”, "vừa là nỗi buồn điệp điệp, vừa là sóng gợn điệp điệp.
+ Hai chữ Tràng Giang buông xuống giữa câu thơ càng tạo âm hưởng mênh mang của sóng nước, gợi một “dòng sông lớn, một đại giang".
+ Thêm vào một chữ “buồn”, dòng Tràng Giang đã trở thành dòng sông tâm trạng (0,5đ).
• Tạo vật từ “con thuyền” đến cành củi, đều làm nổi bật sự bé nhỏ hữu hạn của tạo vật trong sự tương phản với cái mênh mang của Tràng Giang. Giống như một thủ pháp “lấy điểm để nói diện”, hình ảnh tạo vật càng làm nổi bật cái vô cùng vô tận của Tràng Giang, của vũ trụ.
+ Hình ảnh con thuyền có chuyển động mà không có tiếng động gợi sự tĩnh lặng gợi một nỗi buồn mang mác . Con thuyền với nỗi sầu trăm ngả càng làm nổi bật một “Tràng Giang buồn". Những chữ “song song”, “trăm ngả" còn làm cho Tràng Giang trở nên rợn ngợp.
+ Hình ảnh cành củi khô gợi ta nhớ tới câu thơ của Đỗ Phủ "Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ / Bất tận Trường Giang cổn cổn lai". Nhưng câu thơ Đổ Phủ gắn với cảm hứng nghệ thuật, còn ở câu thơ của Huy Cận cành củi gắn liền với cảm hững lãng mạn, một nỗi buồn mang mác trước cảnh sông nước mênh mang. Thủ pháp đảo trật tự “ Củi một cành khô”, đặc biệt sự tương phản về số lượng “một cành” và “mấy dòng” nhằm nhấn mạnh cái bé nhỏ của tạo vật (1đ).
Ý thứ tư: Tạo vật trên dòng Tràng Giang và nỗi niềm cô đơn lẻ loi của nhân vật trữ tình (1,5đ).
• Một Tràng Giang trống trải đìu hiu và tâm trạng bơ vơ của nhân vật trữ tình (1đ).
+ Tạo vật Tràng Giang từ “ cồn nhỏ”, “gió đìu hiu”, những âm thanh chợ chiều từ đằng xa gợi về đều làm nổi bật một không gian không chỉ yên tĩnh mà còn vô cùng trống trải.
+ Những chữ “ lơ thơ” chỉ sự thưa thớt, “đìu hiu” chỉ sự chuyển động nhẹ nhàng đầy hư thực tạo ấn tượng về sự trống trải.
+ Tác giả sử dụng thủ pháp lấy “động” để nói “tĩnh”, lấy tiếng chợ từ đằng xa vọng về một cách mơ hồ “đâu" để làm nổi bật cái yên tĩnh đến vô cùng của Tràng Giang.
• Không gian Tràng Giang được mở ra theo chiều cao, chiều sâu, chiều dài, chiều rộng cốt để làm nổi bật cái cô liêu của bến sông . Các từ chỉ chiều không gian “xuống", “lên” chỉ thước đo không gian dài rộng còn để làm nổi bật nỗi cô đơn của con người. “Bến cô liêu” cũng là bến lòng của thi nhân . Những chữ “sâu chót vót” vừa chỉ chiều cao của bầu trời lại vừa chỉ cái thăm thẳm trong nỗi niềm của nhân vật trữ tình (0,5đ).
Ý thứ năm (0,5đ): Nhận xét tổng quát về bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình.
• Thiên nhiên đẹp mà buồn . Trong cảnh đã ẩn chứa nỗi niềm của con người, vừa buồn vì sự hữu hạn của con người trước vũ trụ, lại vừa buồn trước cảnh sông núi đất nước mênh mang trống vắng đìu hiu (0,25đ).
• Hai khổ thơ mang đậm màu sắc cổ điển bởi các cấu trúc dòng sông, con thuyền, cành củi trôi dạt, dòng sông bến đò, gợi một bức tranh thủy mặc. Ngoài ra người viết còn sử dụng những thủ pháp quen thuộc của thơ ca cổ điển (0,25đ).