Thí sinh không rải hồ sơ như những năm trước
Trong năm nay, tâm lý thi thêm để cầu may, hay nộp nhiều hồ sơ, nhiều trường rồi đến lúc thi mới quyết định sau đã giảm. Số lượng hồ sơ gửi về các trường đại học, cao đẳng giảm 30% so với năm ngoái, dẫn đến số lượng hồ sơ ảo và kinh phí của các trường dành cho kỳ thi tuyển sinh đại học cũng giảm đi.
Nguyễn Thị Ngân (học sinh THPT Phan Đình Phùng) cho biết: “Do lệ phí thi đại học năm nay khá cao (115.000đ/bộ) nên mình đã cân nhắc chỉ nộp những trường và ngành thực sự mình muốn thi vào. Nếu rải hồ sơ nhiều trường thì rất tốn kém mà cuối cùng mình cũng không thi đến.”
Cô Nguyễn Thu Giang (giáo viên THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Trong những buổi hướng nghiệp, tôi và các giáo viên chủ nhiệm đã tư vấn cho các em cách lựa chọn trường và ngành học phù hợp với năng lực của bản thân lẫn xu thế việc làm hiện nay. Chúng tôi cũng khuyên các em không nên rải hồ sơ, dẫn đến lượng hồ sơ ảo tăng, gây tốn kém rất nhiều chi phí cho cả các em và phía nhà trường tổ chức tuyển sinh.”
Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều gia đình cũng cân nhắc, không cho con em nộp hồ sơ thi tràn lan như những năm trước. Việc bỏ ra 115.000/bộ hồ sơ để nộp nhiều trường, và sau đó, thí sinh không đến thi gây tốn kém cho cả phía gia đình thí sinh lẫn phía nhà trường tổ chức tuyển sinh.
Đại học không còn là cánh cửa duy nhất
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2014 do Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê mới công bố, cả nước có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm có trình độ ĐH, CĐ bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV/2012. Con số trên làm dấy lên mối nghi ngờ về con đường lập thân bằng cách vào đại học. Thực chất, hệ thống giáo dục đại học ở nước ta hiện nay đào tạo quá chuyên sâu về lý thuyết hàn lâm, nhẹ về thực hành. Vì vậy, nhiều sinh viên ra trường bị các đơn vị tuyển dụng “chê” do thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Tỷ lệ cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp tăng, dẫn đến nhiều gia đình đã có những hướng đi khác và tự bản thân học sinh cũng nhận thức được rằng đại học không còn là con đường duy nhất để lập thân.
Theo lời bác Nguyễn Đình Hảo – một phụ huynh ở Hà Nam cho biết: “Hiện giờ số lượng cử nhân thất nghiệp ngày càng gia tăng, nên tôi nghĩ, chỉ cháu nào thực sự giỏi, thì nên thi và học đại học. Số còn lại có thể đi học các nghề khác nhau, bất cứ ngành nghề nào cũng thế, chỉ cần nỗ lực và chăm chỉ nhất định sẽ thành công, không cứ gì có bằng cấp hay không.”
Ngay từ nhỏ, Trần Bình Minh (học sinh trường THPT Kim Liên) đã có niềm đam mê với các kiểu tóc thời trang. Sau khi thi tốt nghiệp, cậu bạn đã mạnh dạn xin bố mẹ cho đi học nghề làm tóc với dự định mở một tiệm hớt tóc của riêng mình. “Việc học đại học rất quan trọng, vì mình nghĩ có nhiều kiến thức và kỹ năng chỉ có trường đại học mới có thể dạy chúng ta. Nhưng để làm được việc, mình nghĩ học tập, rèn luyện thực tế cũng rất quan trọng để làm được nghề. Mình ao ước trở thành một thợ hớt tóc giỏi, mình sẽ cố gắng để thực hiện ước mơ của mình.”
Rất nhiều bạn trẻ cũng như Minh lựa chọn học nghề và có một công việc ổn định. “Bởi học qua 4-5 năm học đại học mà không xin được việc thì rất lãng phí cho gia đình” - Tú Anh – một bạn học sinh không thi đại học chia sẻ.
Số lượng thí sinh dự thi đại học, cao đẳng giảm, cho thấy phụ huynh và học sinh đã có nhận thức đúng hơn về việc thi và học đại học. Việc xác định đúng mình là ai, mình ở đâu, ước mơ và định hướng nghề nghiệp cho tương lai là rất quan trọng cho những 96ers trong thời điểm này.