Sinh viên với chuyện "chơi nhóm"

Mạc Yến, Theo Pháp luật xã hội 00:01 27/11/2013
Chia sẻ

Không quá lạ trước chuyện sinh viên “chơi nhóm”, điều này đôi khi làm tập thể lớp mất đoàn kết. Nhưng đây lại là chuyện bình thường và không khiến sinh viên quan tâm.

Phân chia "địa bàn" lớp học

Khi mới nhập học, hầu hết sinh viên đều tìm cho mình những người bạn để kết thân. Họ đi ăn nhờ nhau, góp tiền chung ở trọ, đi học ngồi gần nhau… nên trong một lớp học không khó để nhìn thấy nhiều “địa bàn” của mỗi nhóm.

Ngô Thị Yến (sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH & NV) chia sẻ: “Lớp mình có hơn 100 người, những môn đại cương thì chia 5 xẻ 7 ra mỗi lớp vì đăng ký môn học rất khó khăn. Còn các môn chuyên ngành, tuy là học cùng nhau nhưng mỗi bàn, mỗi khu là nơi mỗi nhóm bạn chơi thân “chiếm giữ”, rất ít khi chuyện trò với mọi người xung quanh.”

Các nhóm được thành lập thường là nhóm “nhà giàu”, nhóm “bình dân”, nhóm đồng hương, nhóm đi phượt… vô hình trung đã giới hạn tần xuất giao tiếp giữa các thành viên trong lớp. Có nhiều người còn chưa biết tên bạn mình là gì hoặc năm nhất biết tên, năm cuối trở thành người lạ mặt.

Sinh viên với chuyện "chơi nhóm" 1
Ảnh minh họa.

Đỗ H.A (đại học Ngoại Ngữ) là một sinh viên hòa đồng nhưng cô cũng không biết tên một số bạn trong lớp. Tuy có kết bạn trên Facebook nhưng chưa một lần nói chuyện. Nhóm của H.A gồm có 4 người, đến từ 4 tỉnh thành nhưng hợp cạ với nhau, trong bất cứ chuyện gì đều dính nhau như sam.

Các phe phái trong lớp cũng không tránh khỏi tình trạng nói xấu nhau. Bạn Đoàn Thị Tr (cao đẳng Du lịch HN) giãi bày: “Lớp mình có khá nhiều hội nhóm, nhiều lúc thấy các bạn nói xấu nhau rất căng thẳng. Hội Bắc nói xấu Nam, hội trọ bên ngoài nói xấu nhóm ở ký túc xá… Năm cuối rồi nhưng mình thấy thật khó để hòa đồng.”

Khi lớp có nhiều nhóm nhỏ sẽ khiến việc chụp ảnh kỷ yếu để lưu giữ kỷ niệm trước khi ra trường cũng không được đoàn kết. Thường các sinh viên cùng nhau chụp chung vài bức hình tập thể rồi nhanh chóng chia nhóm để chụp riêng. Nhóm bạn Lưu Thị Ph (ĐH Thương Mại HN) khi chụp xong cùng chung tiền đi “đập phá” riêng lẻ, tách biệt khỏi tập thể lớp. 

“Khói” sinh ra từ “lửa”

Sinh viên với chuyện "chơi nhóm" 2
Ảnh minh họa.

Việc hình thành các nhóm trong một lớp học thường xảy ra ở những trường đào tạo theo hệ tín chỉ. Mỗi sinh viên được chủ động chọn thời khóa biểu cho mình. Những bạn chơi với nhau thường rủ rê đăng ký chung, kỳ này sang kỳ khác đều như vậy. Nghiễm nhiên khi môn học yêu cầu thành lập nhóm để phục vụ mục đích học tập thì những cạ cứng vẫn tìm về nhau đầu tiên.
 
Hơn nữa, chuyện ban cán sự lớp thiếu sát sao, hạn chế tổ chức các sự kiện, giao lưu cho tập thể được xem là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn tới việc “chơi nhóm”.

“Năm nhất lớp mình có nhiều hoạt động, nhưng càng về sau càng ít, nhất là năm cuối này. Các ngày lễ 8/3; Halloween; 20/10… đều không có hoạt động nào. Nếu có đi chơi thì chỉ những bạn trong nhóm tự tổ chức thôi. Dù ít người nhưng vẫn vui” - Đinh Thị Vân (sinh viên năm cuối – ĐH KHXH & NV Hà Nội) cho biết.

“Chơi nhóm” không phải là xấu, điều quan trọng là mỗi người đều tìm được cho mình những người bạn đích thực. Nhưng xao nhãng với tập thể lớp đã gắn bó với mình từ ngày đầu, hay không có kế hoạch gì để gắn kết các thành viên trong lớp với nhau quả là có chút buồn.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày