Học phí tăng theo từng năm
Qua các kỳ học, học phí đều tăng theo “giá cả thị trường”, đặc biệt ở các trường đại học ngoài công lập, vấn đề học phí đang là vấn đề làm phụ huynh và học sinh đau đầu.
Tại các trường đại học công lập, mức học phí cũng nhảy vọt theo từng năm. H.T (sinh viên năm cuối HV Báo chí & Tuyên truyền) cho biết: “Mức học phí lúc mình nhập học là 1.775.000đ/kỳ, nhưng đến năm cuối, mức học phí đã tăng lên 2.750.000đ/kỳ. Học phí luôn tăng theo từng kỳ và chưa khi nào giảm.”
V.P (sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội) cũng chia sẻ: “Trường mình học theo hình thức tín chỉ, học phí sẽ lựa vào số lượng tín chỉ sinh viên đăng ký, khi vào trường mức học phí trường mình là 80.000đ/tín chỉ, nhưng đến năm cuối, mức học phí đã lên đến 160.000đ/tín chỉ.”
Tại các trường đại học dân lập, do phải tự chủ về tài chính nên các trường đại học đều tăng học phí theo từng năm, khiến cho các sinh viên cảm thấy chán nản, căng thẳng mỗi khi đăng ký, đóng tiền học phí.
T.N (sinh viên ĐH Thăng Long) than thở: “Ngay học kỳ đầu, trường mình đã thông báo sẽ tăng 15% học phí mỗi năm. Cứ mỗi khi đăng ký môn học và đóng học phí mình lại cảm thấy vô cùng chán nản và muốn bỏ học. Vào năm nhất, nhà trường thông báo học phí là 4.850.000đ/kỳ, 1 năm có 3 kỳ, có nghĩa là khoảng 15.000.000 triệu đồng/năm tuy nhiên khi mình học đến năm 3, năm 4, học phí mỗi năm của mình đã là 30.000.000đ/năm, gấp đôi so với năm nhất! Đây quả là con số quá lớn đối với gia đình mình.”
T.Q ( sinh viên đại học Nguyễn Trãi) bức xúc: “Sau khi trúng tuyển vào ngành kiến trúc của trường, bọn mình được tư vấn mức học phí 1,3triệu 1 tháng, nhưng đến gần tết nhà trường đã đột ngột tăng lên 2 triệu 1 tháng. Điều này khiến nhiều sinh viên vô cùng bức xúc. Trong lớp mình đã có hơn 50% sinh viên trong lớp đã bỏ học.”
Tăng học phí nên đi đôi với chất lượng
Việc tăng học phí qua từng năm là điều dễ hiểu khi mọi chí phí vẫn đang tăng lên hàng ngày. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng khi học phí tăng quá cao cũng như bày tỏ nỗi mong mỏi tăng học phí đi kèm với tăng chất lượng giảng dạy và cơ hội việc làm sau này.
Bác Nguyễn Văn Sơn (kế toán của một công ty tại Hà Nội) chia sẻ: “Tổng thu nhập của gia đình tôi vào khoảng 12.000.000đ mỗi tháng, việc tăng học phí của con tôi từ 15.000.000đ lên 30.000.000đ mỗi năm cũng khiến gia đình tôi cũng rất lo lắng. Nhưng điều khiến chúng tôi lo lắng hơn là, khi chấp nhận mức học phí đắt đỏ như thế, con của chúng tôi có được đào tạo trong môi trường tốt hay không? Ra trường cháu có sớm có công việc ổn định hay không?”
Còn nhiều sinh viên tại các trường đại học thì truyền tai nhau mẹo: “Môn học nào nhiều tín, “đắt tiền” thì phải đăng ký học ngay từ kỳ đầu, kẻo đến kỳ sau, môn đó sẽ tăng giá, đắt hơn nữa.”
TS Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, học phí là vấn đề cần xem xét khi chọn chỗ học, nhưng quan trọng nhất với các em vẫn là ngành học nào yêu thích và bậc học nào phù hợp với sức học. Nếu các em đủ khả năng vào ĐH thì mạnh dạn đăng ký, nếu không đủ vẫn có thể học trung cấp, cao đẳng rồi liên thông, đừng lo quá nhiều chuyện học phí.
Đại diện nhiều trường ĐH cho biết, luôn có quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài hỗ trợ SV. Với những SV có khả năng học tập nhưng nghèo, gia đình chính sách, các trường đều có chế độ miễn giảm học phí. Theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, HS-SV có thể làm thủ tục vay vốn của ngân hàng để học tập với lãi suất thấp. Cha mẹ hoặc người thân của HS-SV cũng có thể đại diện để vay vốn cho đi học. Mức vốn vay tối đa là 1,1 triệu đồng/tháng với lãi suất 0,65%/tháng (lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay).