Là do không biết hay “bệnh ngôi sao”?
Thuật ngữ “bệnh ngôi sao” đã được các giáo viên ở 1 trường THCS chuyên sáng tạo ra để chỉ những học sinh trong 1 lớp chọn của họ, đa phần đều là các học sinh có học lực giỏi và có kiến thức khá chắc. Khi giáo viên nêu câu hỏi, tất cả trong số học sinh đều biết câu trả lời, tuy nhiên, họ đều ngồi im và không giơ tay, khiến cho các giáo viên rất tức giận. Tuy nhiên để có thể mắc “bệnh ngôi sao” được, thì ắt hẳn nhiều sinh viên không thể có kiến thức chắc như vậy, bởi kiến thức ở chương trình đại học thường là rất nặng, trừu tượng và khó hiểu.
Chuyện sinh viên ở trong lớp ngồi im, chép bài, hay 1 số thì nói chuyện, ăn quà, sử dụng điện thoại đã và đang trở thành hiện tượng phổ biến ở các trường đại học. Khi được hỏi, “Rất nhiều sinh viên Việt Nam sẽ ngồi im, khoanh tay và cúi mặt” – thầy James nói. Khi thầy cô giảng, thì họ nói chuyện, khi được hỏi, thì cúi mặt và im lặng, sợ thầy cô nhìn vào mình. “Sinh viên lớp mình nếu học lớp lý thuyết thì có nửa lớp phía trên thì còn học và ghi chép bài, nếu phát biểu thì quanh quẩn 3, 4 người, ở dưới đa phần là nói chuyện với điện thoại, còn lớp thảo luận thì chủ yếu là ngồi im.” - An Trang, sinh viên năm 3 của trường đại học Luật Hà Nội chia sẻ.
Tán đồng với ý kiến đó Th – sinh viên trường CĐ KTKTCN cũng nói: “Ở lớp tớ thì sinh viên chủ yếu nằm ngủ, ăn quà hoặc nói chuyện.” Chính vì quá “ bận rộn” cho các việc cá nhân nên dẫn đến chuyện không nghe giảng, đến khi hỏi thì không trả lời là chuyện dễ hiểu.
Về nguyên nhân chủ quan, là do sinh viên Việt Nam có kỹ năng mềm chưa thực sự tốt và chưa đủ tự tin, họ e sợ và ngại nói trước đám đông, 1 số sợ nếu nói sai sẽ bị chê cười. Hơn nữa tâm lý số đông vẫn ám ảnh nhiều sinh viên, khi nhìn cả lớp im lặng, không hỏi và phát biểu thì họ cũng làm theo dẫn đến không khí lớp luôn trầm lắng, mất tập trung, không tạo được hứng thú cho giảng viên khi giảng dạy.
Nói về nguyên nhân khách quan, thầy Nguyễn Thành Long – giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền cũng thẳng thắn nhìn nhận: “1 số giảng viên cũng chưa tìm được phương pháp để khơi gợi cho sinh viên tham gia vào bài học 1 cách hăng say bằng việc ra các câu hỏi tình huống, câu hỏi có vấn đề kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của sinh viên.”
Thêm vào đó, hiện nay ở nhiều trường, không có quy định thưởng điểm cho các sinh viên hăng hái phát biểu hay số điểm được cộng quá nhỏ chưa đủ để khuyến khích tinh thần hăng say học tập của sinh viên.
Đã có những sinh viên hăng hái hỏi và phát biểu
Đứng trước thực trạng sinh viên ngày càng thụ động và lười suy nghĩ trong học tập, 1 số trường đại học đã đưa ra các phương pháp dạy mới để khuyến khích cách học lấy sinh viên làm trung tâm đã được áp dụng thành công từ lâu ở các nước phát triển.
Viện Khoa học và Công nghệ môi trường ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là cơ sở đầu tiên áp dụng phương pháp dạy học mới. Sinh viên sẽ được phát và tìm hiểu trước bài giảng dưới dạng Powerpoint, đến khi lên lớp, họ và giảng viên sẽ cùng nhau tìm hiểu, thảo luận, và giảng viên sẽ giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên.
“Phương pháp giảng dạy mới này thực sự đã tạo nên nhiều thay đổi, sinh viên của khoa mình hỏi và phát biểu nhiều đến mức giảng viên phải ở lại sau khi hết giờ để giảng bài và giải đáp các thắc mắc” - Quang Tuấn, sinh viên năm 4 Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận xét.
Phương pháp dạy khuyến khích sinh viên phát biểu bằng cách cộng điểm của nhiều giảng viên trường Đại học Thăng Long cũng tạo nên nhiều chuyển biến tích cực. “Nhiều thầy cô nói ngay từ đầu tiên là cộng điểm để khuyến khích sinh viên nên 80% là tính ỷ lại hay ngại ngùng biến mất, cả lớp sôi nổi hẳn, có bạn không hẳn vì điểm cộng mà thấy bạn bè mình hăng hái nên cũng sôi nổi, hăng hái tham gia cùng tập thể” - Kim Tuyến, sinh viên năm 3 trường Đại học Thăng Long chia sẻ.
Tham gia các lớp học về kỹ năng mềm cũng giúp các sinh viên cải thiện đáng kể sự tự tin, bản lĩnh trước đám đông cũng là 1 lời gợi ý không tồi.
Lợi ích của việc hăng hái hỏi, thảo luận và phát biểu thì ắt hẳn ai cũng hiểu và biết đến. Và môi trường đại học là môi trường tuyệt vời dành cho những ai có biết tự ý thức, nỗ lực và khẳng định bản thân mình.