Cùng với việc triển khai tài liệu này đến các nhà trường, Sở cũng lưu ý rất cụ thể đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh THPT trên địa bàn nhằm thực hiện tốt công tác ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Trao đổi về những lưu ý đối với cán bộ quản lý trong công tác ôn tập, ông Chu Bá Vinh cho biết:
Sở GD&ĐT Bắc Giang đã yêu cầu các cán bộ quản lý tổ chức rà soát chất lượng thực của học sinh lớp 12 để phân loại đối tượng học sinh theo trình độ nhận thức, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách.
Đồng thời, chỉ đạo tổ/nhóm bộ môn và giáo viên trực tiếp ôn tập xây dựng xây dựng chương trình và nội dung dạy học phù hợp với từng đối tượng, phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức tốt công tác ôn tập.
Bên cạnh việc xem xét và phê duyệt kế hoạch, nội dung giảng dạy của bộ môn trên cơ sở đề xuất của tổ/nhóm chuyên môn, các cán bộ quản lý cũng được yêu cầu quản lý chặt chẽ công tác dạy ôn tập của giáo viên và học sinh.
Cụ thể gồm: Hồ sơ sổ sách, kế hoạch dạy ôn tập của nhà trường, nội dung, chương trình ôn tập, bài soạn của giáo viên (có phê duyệt của tổ trưởng/trưởng nhóm bộ môn theo từng chuyên đề), tài liệu ôn tập của học sinh, tỷ lệ chuyên cần của học sinh, công tác thu chi và việc thực hiện kế hoạch ôn tập đã đề ra.
Đặc biệt, cách sắp xếp thời khóa biểu được lưu ý phải đảm bảo hợp lý, không gây quá tải đối với học sinh trong từng buổi học. Mỗi buổi học nên bố trí học tối đa 2 tiết/môn.
Các cán bộ quản lý cũng sẽ chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên trực tiếp ôn tập thường xuyên kiểm tra sự tiến bộ của học sinh sau mỗi nội dung hoặc chuyên đề.
Việc ra đề kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của học sinh phải được thực hiện theo nguyên tắc giáo viên trực tiếp giảng dạy không ra đề và chấm bài của học sinh mình giảng dạy.
Căn cứ kết quả khảo sát, hiệu trưởng tư vấn, đề nghị giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học, nội dung giảng dạy cho phù hợp, cùng giáo viên tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình ôn tập.
Việc định kỳ tổ chức lấy ý kiến của học sinh đối với các giáo viên trực tiếp giảng dạy, nội dung, chương trinh, tài liệu ôn tập, phương pháp dạy học, … cũng được khuyến khích để kịp thời có các điều chỉnh cần thiết, đảm bảo hiệu quả ôn tập.
Hạn chế tối đa “dạy chay”
Theo ông Chu Bá Vinh, các giáo viên được quán triệt, ngoài giáo án ôn tập, nên sử dụng các đồ dùng, thiết bị dạy học phù hợp với từng kiểu bài như: Máy chiếu đa năng (projector), máy chiếu ghi vật thể (object presenter), bảng phụ, phiếu học tập, …
Việc này nhằm hạn chế thời gian ghi bảng, tiết kiệm thời gian cho các nội dung chính của bài học và tăng thời lượng luyện tập của học sinh. Hạn chế tối đa tình trạng giáo viên lên lớp không sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học.
Trước khi lên lớp, giáo viên phải có bài soạn, trong đó, thể hiện rõ các nội dung: Yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng; chuẩn bị của giáo viên và học sinh; phương pháp dạy học (tiến trình lên lớp của giáo viên và hình thức tổ chức hoạt động học của học sinh;
Dự kiến chia nội dung của từng chuyên đề theo từng tiết dạy trong đó có nội dung dạy trên lớp, có nội dung giao cho học sinh làm ở nhà. Bài soạn có thể soạn theo từng chủ đề hoặc theo từng buổi dạy hoặc theo từng tiết học.
Cùng với đó, căn cứ kết quả khảo sát chất lượng của học sinh, các giáo viên sẽ cùng tổ/nhóm bộ môn xây dựng khung chương trình, nội dung ôn tập chi tiết (bao gồm thời lượng, nội dung, tài liệu ôn tập) phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, trình hiệu trưởng phê duyệt.
Ngoài ra, giáo viên trực tiếp giảng dạy cần tích cực tư vấn cho học sinh trong việc chọn môn thi tự chọn, lựa chọn cụm thi tại các trường CĐ, ĐH hay cụm thi tại địa phương đảm bào phù hợp với năng lực thực của học sinh.
Lưu ý đặc biệt môn tiếng Anh
Ông Chu Bá Vinh cho biết, với sự chú tâm đặc biệt với môn tiếng Anh, chương trình và tài liệu ôn tập THPT quốc gia dành cho giáo viên và học sinh môn học này được Sở GD&ĐT hoàn thành đầu tiên.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, Sở yêu cầu giáo viên phải sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh; sử dụng linh hoạt các kỹ thuật dạy học và hình thức tổ chức các hoạt động học, tránh học sinh nhàm chán, nặng nề về tâm lý. Đồng thời, động viên, khích lệ sự cố gắng và tiến bộ của học sinh kịp thời.
Đối với kỹ năng đọc hiểu: Không dạy thành chuyên đề riêng mà phải được dạy xen kẽ vào các chuyên đề khác trong suốt quá trình ôn tập theo phương châm giáo viên giao bài cho học sinh làm trước ở nhà (1 bài/tuần), sau đó chữa bài trên lớp, hướng dẫn học sinh các thủ thuật đọc từng loại bài, giải thích cách làm, đáp án, …
Kỹ năng đọc cũng được thực hiện trong các giờ dạy chính khóa. Ngoài việc giải thích đáp án, cách làm bài, giáo viên cần khai thác các cấu trúc thông thường (common structures) trong các bài đọc hiểu.
Đối với chuyền đề viết: Giáo viên tích hợp các dạng bài viết theo các chuyên đề ngữ pháp.
Ví dụ, khi dạy reported speech, giáo viên đưa ra các dạng bài luyện tập trong đó có các dạng bài hoàn thành câu hoặc chuyển đổi câu.
Bên cạnh đó, vẫn nên bố trí thời lượng phù hợp để dạy kỹ năng làm bài viết tổng hợp như trong chuyên đề viết của tài liệu này.
Giáo viên giao bài tập về nhà cụ thể cho học sinh, đồng thời yêu cầu học sinh đọc trước tài liệu của buổi học tiếp theo; chỉ giải thích các vấn đề trọng tâm hoặc các nội dung mà học sinh chưa hiểu rõ; không nên cung cấp đáp án cho học sinh khi giao bài tập về nhà hoặc in đáp án vào tài liệu dành cho học sinh.