Từ trước đến nay, đã có không ít trường hợp học sinh tự tử do các nguyên nhân khác nhau, trong đó đa số là về chuyện tình cảm cá nhân, gia đình hay việc học hành sa sút dẫn đến suy nghĩ nông cạn và làm điều dại dột.
Tuy nhiên, việc làm mất quỹ lớp với số tiền không quá nhiều đã trở thành nguyên nhân của sự đau thương, mất mát con cái từ 2 gia đình đang sống tại Hà Nội và TP.HCM trong mấy ngày qua. Đó là hồi chuông cảnh báo cho việc học sinh ngày nay quá nhạy cảm và thiếu kĩ năng ứng xử với các tình huống trong cuộc sống. Bên cạnh đó cũng đặt ra câu hỏi lớn về cách ứng xử của những người xung quanh, nhà trường, gia đình và bạn bè khi sự việc này xảy ra.
Từ việc 2 nữ sinh uống thuốc diệt cỏ tự tử vì mất quỹ lớp
Di ảnh của nữ sinh T.
Khi mới nhìn thấy báo chí đưa tin về trường hợp của T. có thể nhiều người sẽ bị rất bất ngờ vì nguyên dân dẫn đến cái chết của nữ sinh trên. Thậm chí nhiều bạn còn cho biết lúc đầu đã có một số suy nghĩ như trách móc cô bạn vì sao lại dại dột đến vậy. Cho đến khi tiếp tục xảy ra vụ việc của Nguyễn Thị L. một số bạn thẳng thắn nói rằng: "Mình bị sốc, trong phút chốc bỗng nhiên mình tự đặt câu hỏi không biết chuyện gì đang xảy ra với các em học sinh ngày nay? Phải chăng đã có những tác động nào đó khiến các em suy nghĩ không tích cực? Vì rõ ràng đây là một nguyên nhân không quá to tát và hoàn toàn có thể khắc phục nếu các em biết làm đúng cách." - Minh Nhiên, trường ĐH Nhân Văn, TP.HCM.
Cuối cùng, xã hội vẫn phải chứng kiến những cái chết đau lòng của các học sinh trên, để lại nỗi đau cho gia đình, nhà trường, bạn bè. Xót xa hơn, các em đều là những học sinh ngoan, học lực khá giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu quý. Nhưng tiếc thay, cảm xúc đã khiến lí trí của các em không thể cưỡng lại ý muốn vượt lên lòng tự trọng của bản thân để chứng tỏ mình.
Thầy cô và bạn bè nghĩ gì!?
Chúng tôi đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn những học sinh để tìm hiểu về vấn đề này ở góc độ là người trong cuộc. Q.Trang (THPT Chu Văn An – HN) cho biết: “Mình thực rất buồn khi biết tin một số bạn đã tìm đến cái chết chỉ vì làm mất quỹ lớp. Trong việc này, mình thấy lỗi không chỉ nằm ở các bạn ấy mà còn là lỗi của những người xung quanh. Ở độ tuổi của bọn mình rất dễ bị áp lực do ý kiến của bạn bè. Làm sao một học sinh có thể chịu được khi bạn bè cứ nói ra nói vào ngay bên cạnh mình được".
Ngôi trường mà nữ sinh T. từng học.
Nguyễn Thị Thùy Trang (lớp 10, THPT Marie Curie): "Mình nhớ hồi học lớp 8 cũng từng thấy có trường hợp làm mất tiền qũy. Nguyên nhân được cô chủ nhiệm tìm hiểu là do bạn ấy bất cẩn làm mất tiền học thêm nên phải lấy tiền qũy bù vào, vì nghĩ còn lâu lắm lớp mới cần đến. Từ đó, cô mình giao cho bạn khác là thủ qũy, còn bạn ấy thì chuyển sang lớp khác sau khi lên lớp 9".
Cô giáo Trang, giáo viên môn Văn trường THPT Tạ Quang Bửu, quận 8 nhận xét: "Từng làm chủ nhiệm lớp gần 10 năm, cô cũng đã gặp qua rất nhiều trường hợp làm mất tiền quỹ. Cái quan trọng là mọi người và cả giáo viên phải có cách giải quyết và xử lý sao cho thật khôn khéo. Bởi các em ngày nay rất nhạy cảm và hay chạm tự ái. Một khi đã khiến các em cảm thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương và mọi người xung quanh đả kích, thì hậu quả nghiêm trọng rất có thể xảy ra".
Xử khéo và đừng vội nghi ngờ nhau...
Trần Hoàng Minh (sv năm 1, ngành Marketing, ĐH Hoa Sen) chia sẻ: "Mình cực kì dị ứng với mấy bạn làm mất tiền qũy lớp. Bạn ấy được giao nhiệm vụ giữ tiền thì phải có trách nhiệm với số tiền ấy, dù ít hay nhiều. Đâu thể nói mất là mất được. Việc làm mất tiền chứng tỏ bạn ấy là người bất cẩn."
Thông thường, sau khi tiền quỹ lớp bị mất, sẽ có nhiều lời ra tiếng vào, bạn bè xì xào và mất tin tưởng lẫn nhau cũng là một trong các nguyên nhân chính khiến nhiều bạn nghĩ quẩn. Nữ sinh Nguyễn Thị L. cũng vì sợ điều này xảy ra, nên đã viết 2 lá thư thanh minh cho sự trong sạch của mình trước khi chết.
“Em chào Thầy và các bạn!
Em thành thật xin lỗi vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nó nhưng em đã xin bố em tiền để trả lại lớp. Mong thầy thông cảm cho em. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng mà cho em làm lớp trưởng, cho em được cùng học tập với các bạn...
Em xin lỗi! Sau cái chết này, em mong em sẽ chứng tỏ được mình trong sạch... Các bạn luôn làm cho em vui vẻ, nhưng em đã làm gì buồn mong các bạn tha lỗi nhé!
Tạm biệt thầy và các bạn! Hãy học tốt nhé! Nhớ mãi những ngày qua...” - (Trích những ý chính từ lá thư thứ 2 của L.)
Lá thư thứ 1 được L. viết gửi thầy cô và bạn bè trước khi quyên sinh.
Nguyễn Ánh Ngọc (lớp 11, THPT Lê Thị Hồng Gấm) nói: "Đụng đến tiền bạc là chuyện rất tế nhị. Mình nghĩ việc làm mất tiền của lớp cũng không có gì là nghiêm trọng. Nếu thủ quỹ có thể hoàn trả lại số tiền làm mất thì sao phải cứ chỉ trích hay nhìn bạn ấy ác cảm như thế? Con người ai cũng có lỗi lầm mà, quan trọng là người đó có nhận ra mà sửa sai hay không thôi".
"Nhưng không phải trường hợp nào cũng là xấu, mà phải thật cẩn thận hỏi rõ nguyên nhân rồi sau đó hãy đưa ra kết luận, nếu không sẽ làm tổn thương đến các bạn. Điều này mình rút ra được sau lần đứa bạn tên Lân lén sử dụng tiền quỹ hết gần 3 triệu đồng. Khi cô giáo phát hiện thiếu hụt tiền quỹ, cô đã cho bạn ấy 3 ngày để bù lại số tiền đã mất. Trong 3 ngày đó, cả lớp không biết gì đã bàn tán lẫn nhau, người thì nói Lân đút cả vào tiệm game, người thì khẳng định cậu ấy ăn chơi. Nhưng chỉ ngày hôm sau, cô giáo mới âm thầm đi điều tra và biết cô em gái đang bị bệnh nên Lân mới dùng tạm số tiền ấy" - Lê Tịnh Tiến, lớp 12 trường THPT Lương Văn Can kể.
Người trong cuộc phải bình tĩnh
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Thạc sĩ - Giảng viên tâm lý, trường ĐHSP TP.HCM), cho biết: “Tôi vừa thương vừa giận khi biết tin các em học sinh đã chọn cái chết để giải quyết vấn đề. Tôi thương các em vì ở lứa tuổi mới lớn, cảm xúc đã làm chủ các em chứ không phải là lý trí. Tôi giận vì người lớn chúng ta dạy cho các em biết bao môn học, biết bao kiến thức mà chưa dạy cách em cách ứng xử khi gặp thất bại, cách phản ứng khi gặp một vấn đề”.
Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Thầy Hiếu cũng cho rằng, trong những sự việc này, lỗi không phải ở các em học sinh mà là ở cách người lớn đã dạy các em chưa đầy đủ, ứng xử thiếu tinh tế trong một số trường hợp. Quyết định đi tìm cái chết của các em là cộng hưởng của 3 cái thiếu: thiếu cân bằng trong tâm lý lứa tuổi – thiếu kỹ năng ứng phó - thiếu chỗ dựa từ thầy cô, cha mẹ.
Ở độ tuổi này, hưng phấn trong thần kinh rất mạnh, teen dễ mất kiểm soát bản thân và có hành động khó ngờ. Ba yếu tố sinh lý – tâm lý – quan hệ xã hội cộng hưởng lại đã đẩy nhiều em vào trong hố sâu của sự tuyệt vọng mà các em không thể tự kéo mình lên.
Nói về cách phản ứng của những người xung quanh, thầy Khắc Hiếu nhận định: “Trong những trường hợp gần đây, cha mẹ và thầy cô đã chưa thực sự giải quyết thấu đáo để giải tỏa tâm lý cho con em mình. Chúng ta nên nhớ rằng, lời nói cũng có thể giết người, thế nên các em học sinh khác và cả người lớn tuyệt đối đừng xì xào khi chưa có chứng cứ, đừng nghi oan khi rõ thực hư. Một lời trách oan có thể là mồi lửa cho sự uất ức bùng lên và gián tiếp, những người xì xào đó là thủ phạm gián tiếp cho cái chết”.
Riêng với việc giao cho học sinh giữ quỹ lớp, việc cắt cử học sinh làm cán bộ lớp và giữ quỹ, theo thầy Hiếu, đó là cách để rèn cho học sinh tính tự quản, tính cẩn thận, cách quản lý sổ sách chi tiêu. Dụng ý của nhà trường và thầy cô là tốt. Thế nhưng, nếu đã tin tưởng giao tiền cho các em thì cũng phải đủ can đảm để tin rằng em ấy không bịa chuyện mất mát để lấy cắp. Điều đó có nghĩa là nhà trường phải hỗ trợ em ấy đền bù lại phần lớn quỹ lớp đã mất. Còn nếu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm không đủ tin tưởng để làm điều đó thì đừng giao nhiệm vụ giữ tiền cho học sinh.
Bên cạnh đó, thầy Khắc Hiếu cũng đã đưa ra cách ứng xử hợp lý cho cả 2 phía để các học sinh không bị shock và nghĩ ngợi, dẫn đến việc nghĩ quẩn tự vẫn. Theo thầy Hiếu, rễ chắc thì cây sẽ vững. Gia đình mà chắc thì con trẻ khó mà gục đổ một cách dễ dàng. Nếu các em gặp vấn đề, cha mẹ hãy giúp các em giải quyết ngay, đảm bảo tâm lý các em đã được giải tỏa. Về lâu dài, cha mẹ nên bên cạnh để là nhà tư vấn chống đỡ cho các em những bước đi đầu đời, hướng dẫn các em biết cách xử lý khi gặp khó khăn, bế tắc.
Song song đó, nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy khoa học mà còn phải chú trọng dạy kỹ năng để sống, phải hướng dẫn cách các em giải quyết những vấn đề thường gặp.
Và quan trọng nhất, ở vị trí các em học sinh thầy Khắc Hiếu khẳng định: “Trên đời này không có sự bế tắc, chỉ có con người nghĩ mình bế tắc mà thôi”. Nếu xảy ra sự cố mà mình không tự giải quyết được, hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác, đừng đem mạng sống ra làm trò đùa, tự hủy hoại bản thân mình rồi để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.