Những người thầy tật nguyền nhưng vẫn đứng lớp

lethuy248, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 16/12/2012
Chia sẻ

Các thầy dù có bị khuyết tật do bẩm sinh hay tai nạn, nhưng với lòng yêu nghề vẫn còn đó, các thầy luôn sẵn sàng cống hiến và thật sự là những tấm gương sáng.

Thầy giáo và lớp học không phấn, không bảng

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có lẽ chính vì thế mà cái sự kiên cường, bản lãnh không khuất phục trước những thử thách của cuộc đời đã ngấm vào “máu” của thầy giáo Trần Quốc Hoàn. Bị liệt nửa người phía dưới nhưng chưa bao giờ cậu bé Trần Quốc Hoàn có suy nghĩ từ bỏ việc học hành. 

Thương bố mẹ vất vả, vượt qua trăm bề khó khăn, quyết tâm học tập và tốt nghiệp cấp 3, thầy quyết định ở nhà mở lớp học cho những trẻ em nghèo nơi gia đình sinh sống.

Những người thầy tật nguyền nhưng vẫn đứng lớp 1
Thầy Hoàn trên chiếc xe lắc nhưng vẫn sôi sục ý chí dạy học.

Học sinh của thầy cũng rất đặc biệt, hầu hết các em đều là những đứa trẻ nghèo ở làng chài lưới, một chữ bẻ đôi không biết, thậm chí còn có những em bán vé số, đánh giày, nhặt ve chai… Nhưng tất cả đều chung một điểm giống nhau đó là sự khát khao đến với con chữ.

Điều đặc biệt thứ hai trong lớp học của thầy,  không phấn, không bảng mà cũng chẳng có bàn giáo viên. Đơn giản chỉ là hai dãy bàn ghế gỗ và chiếc xe lăn. Cứ thế trong suốt 10 năm qua, không biết có bao nhiêu thế hệ học trò đã từng ngồi học nơi đây. Những lứa học sinh đầu tiên của thầy giờ đã có người đi làm, đã có bạn vào đại học. Thầy không thể nhớ nổi.

Không chỉ là một người thầy giáo giỏi có tấm lòng nhân hậu, thầy Trần Quốc Hoàn còn là một vận động viên thể thao với thành tích đánh nể 12 huy chương vàng, 19 huy chương bạc và 8 huy chương đồng ở các giải đấu trong nước cũng như ở khu vực.
 
Người thầy nằm giảng bài, Nguyễn Hữu Thắng

Bục giảng của thầy, lớp học của thầy, tất cả chỉ xoay quanh chiếc giường đơn sơ ở góc nhà. Sinh ra khôi ngô tuấn tú như bao đứa trẻ đứa khác, tưởng chừng ước mơ làm thầy giáo nằm trong tầm tay, nhưng đâu ai biết được chữ ngờ. Đang học dở lớp 7 thì chân thầy bắt đầu có triệu chứng của bệnh tật. Vượt qua 5 km để đến trường với bao đau đớn không buổi học nào thầy vắng mặt. Cho đến khi không thể tự đứng vững trên đôi chân của mình vì chứng teo cơ lan ra toàn thân, nay chỉ còn tay trái là cử động được, cộng thêm sự ra đi đột ngột của người cha khiến cho hoàn cảnh gia đình thầy đã khó nay lại càng khó hơn cũng là lúc thầy phải từ bỏ việc học tập, cất sâu ước mơ vào đại học trong tim.

Những người thầy tật nguyền nhưng vẫn đứng lớp 2
Nằm trên giường nhiều năm qua, nhưng thầy mỗi ngày đều có học trò tới học chữ của thầy.

Và cái nghề giáo đến với thầy cũng như một cái duyên. Sau một lần giúp mấy đứa trẻ giảng hòa vì đang tranh cãi về một bài toán. Thì kể từ ngày đó, mỗi khi gặp bài toán “hóc búa’ nào lũ trẻ lại nhờ thầy giảng giải. Cứ thế ngày qua ngày đã có không biết bao nhiêu lớp học trò đi qua đời thầy. Niềm khát khao trở thành người thầy một lần nữa lại cháy bỏng.

Không lớp học, không bàn ghế, thầy cũng chẳng thể ngồi dậy hay đứng trên buc giảng để giảng bài để kiểm tra học sinh, mỗi lần làm bài xong, học trò lại đọc lên cho thầy kiểm tra, rồi lắng nghe thầy giảng giải những điểm chưa được. Bằng kiến thức, tấm lòng của người thầy, nghị lực phi thường Thầy Nguyễn Hữu Thắng đã đưa đến cho các em những bài giảng khúc triết, rõ ràng và đáp lại công lao của thầy là sự kính trọng, yêu mến không chỉ của các em mà còn là của những người bà con xóm giềng, là thành tích của các em khi đạt học sinh giỏi, khi đậu vào trường Chuyên.

Thầy giáo xe lăn, 2 năm học tiểu học và THCS

Đang học lớp 2 thì bị sốt co giật biến chứng, khiến đôi chân bị bại liệt, và quãng thời gian 6 năm sau đó thầy Lê Hữu Tuấn đã phải dừng việc học của mình.

Những người thầy tật nguyền nhưng vẫn đứng lớp 3


Sinh năm 1983 tại Xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, thầy Lê Hữu Tuấn ngay từ khi còn là một đứa trẻ đã nối tiếng là “thần đồng” toán học, khi mà chưa học học hết lớp 2 thầy đã thi và đạt giải Nhất môn Toán lớp 5 cấp huyện và tốt nghiệp tiểu học một cách “ngon lành” với bằng giỏi, khi mà mới học lớp 7 thầy đã đi thi học sinh giỏi lớp 9 và cũng giật giải Nhì, tiếp tục vào cấp 3 trường Đông Sơn I. Chỉ trong vòng 2 năm, sau 6 năm gián đoạn học tập thầy Tuấn đã hoàn thành chương trình Tiểu học và Trung học cơ sở để vào cấp 3 và rồi tự tin bước vào giảng đường đại học Hồng Đức khoa công nghệ thông tin với số điểm cao nhất trong số 15 người được vào lớp tài năng.

Học CNTT nhưng có lẽ cái nghiệp làm thầy mới chính là cơ duyên với thầy Lê Hữu Tuấn Một lần người bạn của bố thầy nhờ kèm hai người còn từng trượt đại học. Và sau đó một năm thì cả hai đều đỗ đại học. Thế là bắt đầu từ đó thầy dạy kèm học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 hai môn Toán và Vật Lý. Nghề giáo đã bước vào đời thầy một cách tự nhiên như thế.

Đến nay học sinh thầy dạy vào đại học đã lên tới con số gần 200 và số vào cao đẳng thì không thể nhớ nổi. Lớp học của thầy rộng gần 100m2, có đầy đủ các trang thiết bị như  bàn ghế, quạt, điện, máy chiếu… Và đặc biệt là học phí thấp nhưng chất lượng cao nên số học sinh đến xin thầy được học ngày một đông.

Và những người người thầy đem ánh sáng đến với trẻ em nghèo

Sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác, đến năm 9 tuổi một lần bị bệnh đã khiến đôi chân của thầy Nguyễn Trai (huyện Phú Vang,Tỉnh Thừa-Thiên Huế) bị liệt. Chứng kiến cảnh nhiều em nhỏ vì cái nghèo mà phải bỏ học, thầy quyết định mở lớp xóa mù chữ miễn phí mà lớp học chính là ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng của thầy.

Những người thầy tật nguyền nhưng vẫn đứng lớp 4
Thầy Nguyễn Trai

Thương lũ trẻ nhà nghèo lại hiếu học thầy Nguyễn Trai chẳng nỡ lấy tiền công.”Chỉ mong các em nhỏ lấy chỗ mà học, lấy chỗ mà chơi, có cái chữ thoát cái nghèo” là mong ước của thầy. Để có tiền trang trải cuộc sống và suy trì lớp học, thầy Nguyễn Trai chăm đàn lợn, nuôi gà. Đến nay lớp học của thầy đã được hơn 20 năm dù còn nhiều khó khăn nhưng với nghị lực và niềm tin vào cuộc sống, thầy luôn lạc quan vào cuộc sống.

47 tuổi với hơn 20 năm cõng con chữ đến với trẻ em nghèo trong thôn Tuân Lễ thuộc xã Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định), thầy giáo tật nguyền Lê Quốc Hưng chính là “ông tiên” giữa đời thường đối với những đứa trẻ nghèo hiếu học. Căn bệnh viêm cột sống dính khớp không thể cứu chữa đã cướp đi ước mơ trở thành bác sĩ của thầy. Thương các em nhỏ không có tiền đi học, thầy quyết tâm phải làm một cái gì đó giúp các em. Và lớp học đơn sơ với một chiếc bàn dành lớn dành cho tất cả học sinh với cùng chiếc bảng đen của thầy ra đời. Thật đặc biệt khi thầy có thể dạy tất cả môn từ lớp 1 cho đến lớp 12. Không chỉ truyền đạt kiến thức trong sách vở, thầy Hưng còn dạy học trò của mình các cách đối nahan xử thế, các làm người. 

Đến nay đã có không biết bao em nhỏ ở vùng quê nghèo của mảnh đất miền Trung này đã vào đại học, ra trường đi làm. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày