Kỳ tuyển sinh ĐH năm nay có nhiều vấn đề khiến dư luận quan tâm, từ việc Bộ cho phép thí sinh mang thiết bị phản ánh tiêu cực vào phòng thi, tới đề Văn khối D bàn đến "thảm họa mê muội thần tượng" trong giới trẻ, đến sự nhiệt tình của các bạn tình nguyện viên, sự lo lắng của các bậc phụ huynh và những thí sinh vượt lên hoàn cảnh để thực hiện giấc mơ đại học.
Sinh viên nghèo hỗ trợ hàng trăm sĩ tử
Đó là Nguyễn Xuân Tiến (SN 1989), sinh viên năm cuối ngành Báo chí, khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Tiến quê ở mảnh đất Quảng Trị nắng gió khô cằn. Từ chính hoàn cảnh từng là cậu sinh viên nghèo miền Trung ngơ ngác vào TP.HCM dự thi, sau khi ra Đà Nẵng học ĐH, Tiến đã quyết định giúp đỡ những thí sinh khác.
Trước khi đợt 1 của kỳ thi đại học năm nay diễn ra, Tiến đã vận động được các bạn cùng dãy trọ giúp đỡ chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho khoảng 40 thí sinh và người nhà. Trong suốt những năm qua, số sĩ tử và phụ huynh được em giúp đỡ lên tới hàng trăm.
Một điều khiến người khác không khỏi khâm phục nữa là, cậu sinh viên được mệnh danh "vua làm thêm", ki cóp từng đồng tiền, rất vất vả để lo cho bản thân, giúp đỡ mẹ.
Trong mùa thi, ngoài việc lo chỗ nghỉ cho thí sinh, đảm bảo việc ăn uống... bạn còn giúp đỡ các sĩ tử ôn bài, thậm chí còn thân chinh ra bến xe đón hoặc chở các bạn đi thi.
Hồ Văn Lai: không điều gì ngăn cản ước mơ
Có lẽ, trong số những thí sinh khuyết tật dự thi đại học năm nay, Hồ Văn Lai là trường hợp rất đặc biệt. Em chỉ còn một mắt, một tay và một chân. Thế nhưng, sự thiếu hụt đó không thể ngăn cản ước mơ của Lai.
Hồ Văn Lai.
Lai bị thương tật do tai nạn bom mìn. Bạn cũng quê ở Quảng Trị, đăng ký thi vào ĐH Đà Nẵng. Suốt 3 năm THPT bạn phải thuê trọ xa nhà 20km, và học lực luôn đạt loại khá.
Trong buổi thi đầu tiên của khối A tại hội đồng thi trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), Lai đã khiến các thí sinh, thầy cô và phụ huynh xúc động. Cũng sau buổi thi này, trường ĐH Đà Nẵng đã quyết định đặc cách cho bạn.
Thí sinh "tí hon" vươn lên trong sự khắc nghiệt của số phận
Vũ Thị Hằng quê ở khu phố Thọ Xuân, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Bạn chỉ cao 1,1m, nặng 25kg, là thí sinh đặc biệt nhất tại hội đồng thi THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). Hằng thi khối C vào ngành công tác xã hội thuộc Đại học Lao động Xã hội (Hà Nội).
Vũ Thị Hằng tự đi xe đến địa điểm thi, sau đó về nhà lo cơm nước cho mẹ.
Sinh ra với cơ thể bình thường, nhưng đến 3 tuổi, sau một trận ốm “thập tử, nhất sinh”, Hằng bị co rút chân tay và biến chứng, không thể phát triển như các bạn.
Một điều khiến người khác không khỏi xót xa là cô bé lớn lên trong gia đình quá nhiều tai ương. 15 năm trước, bố mất, sau đó người anh trai cả cũng đột ngột ra đi. Người anh thứ 2 cũng phát bệnh điện dại và bỏ nhà đi đến nay không rõ tin tức. Mới đây, chị gái của Hằng bị lừa bán sang Trung Quốc.
Hằng sống với mẹ đã 62 tuổi. Từ năm cấp 2, một mình em phải tự lê bước chân khập khiễng tới trường với quãng đường gần 4km, dù bất kể trời mưa hay nắng. Tất cả, để thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học, có công ăn việc làm, giúp đỡ mẹ, giúp đỡ chính bản thân và cả những hoàn cảnh khó khăn như mình.
Đạp xe 300km từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học
Câu chuyện của Nguyễn Văn Thuận (quê ở Yên Thành, Nghệ An) đã được truyền đi rất nhanh trên cộng đồng mạng trong suốt những ngày qua. Thuận thi vào trường Sỹ quan Lục quân I.
Xuất phát ở quê (huyện Yên Thành, Nghệ An) từ 1h trưa, đến 9h30 sáng hôm sau Thuận đã đến huyện Thanh Trì, Hà Nội. Với 30.000 đồng trong túi, khi đến Hà Nội, Thuận chỉ còn 10.000 đồng cho hơn 2 ngày tham gia thi và chặng đường về.
Với 30.000 đồng, Nguyễn Văn Thuận đã đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội ứng thí.
Thuận có kế hoạch "tác chiến" cụ thể cho chuyến đi của mình, như ăn bánh mì, nước lọc hết thì xin, ngủ nhờ ở chùa hoặc ngay cổng trường thi, hay dưới cột đèn cao áp.
Tuy nhiên, xúc động trước câu chuyện của bạn, nhiều người ở huyện Thanh Trì (nơi Thuận dự thi) đã giúp đỡ bạn có nơi ăn ở trong những ngày thi. Kết thúc môn cuối cùng, bạn còn được đích thân Đại uý Nguyễn Quốc Khánh (huyện Thanh Trì) đưa ra bến xe để về nhà.
Sau đó, tại TP.Vinh, Thuận đã ngay lập tức xin việc làm thêm, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống.
56 tuổi vẫn đi thi đại học để không ... tụt hậu
Đó là trường hợp của cô Nguyễn Thị Phong, dự thi khối C vào trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM, thi nhờ tại cụm Vinh - Nghệ An). Cô Phong quê ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Tốt nghiệp cấp 3, cô thi đậu vào trường ĐH Thủy lợi nhưng do nhận được giấy báo trúng tuyển quá muộn nên không được nhập học. Giờ đây, khi đã có hai cháu nội, con trai làm giám đốc tại TP.HCM, tái hôn và sống với chồng ở Nghệ An, cô Phong quyết định đi thi đại học.
Cô Nguyễn Thị Phong sau khi kết thúc môn Văn.
Cô chia sẻ rằng, khi thông báo quyết định này, những tưởng gia đình sẽ phản đối, nhưng bất ngờ là mọi người đều ủng hộ. Con dâu ở TP.HCM còn gửi sách ra để giúp cô ôn thi.
Trong khi đó, dư luận rất bất ngờ khi biết mục đích đi thi của cô, đó là để không tụt hậu. Để đi thi, cô đã ôn luyện với các cháu hàng xóm. Khi thi, ngồi chung với thí sinh cũng thuộc bậc con cháu, ban đầu cô còn "ngợp" nhưng sau đó thì khá thoải mái.
Sinh viên tình nguyện che mưa cho thí sinh
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, cả nước huy động được 35.000 lượt sinh viên, thanh niên tham gia chiến dịch Tiếp sức mùa thi. Và có lẽ, đây là một minh chứng hùng hồn nhất cho câu nói "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên".
Sinh viên tình nguyện đứng trong cơn mưa tầm tã, che ô cho sĩ tử vào phòng thi tại TP.HCM, trước buổi thi thứ 2 khối B, C, D.
Tại TP.HCM, từ đầu tháng 6, các bạn trẻ đã ra quân Tiếp sức mùa thi. Trong suốt hơn một tháng, xuyên ngày, trắng đêm, sinh viên tình nguyện luôn có mặt ở nhà ga, bến xe để giúp đỡ sĩ tử, người nhà. Tại các nhà ga, lúc 3h sáng, khi chuyến tàu dừng lại cũng là lúc các bạn trẻ hỏi han, xách đồ, chỉ dẫn, thậm chí chở thí sinh - người nhà về tận phòng trọ.
Tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An... chiến dịch Tiếp sức mùa thi cũng rất rầm rộ. Không chỉ thuộc khối đoàn trường, mà ngay cả các hội đồng hương cũng kết nối để giúp đỡ thí sinh.
Chính nhờ lực lượng tình nguyện viên, thí sinh và người nhà đã hạn chế được tối đa nhất những rủi ro khi về tới thành phố, từ việc không bị chèo kéo, hét giá của xe ôm, tới kiếm nhà trọ cho đến đảm bảo giao thông tại các điểm thi, hay đơn giản là một ly trà đá trong cái nóng oi ả, ngồi ngóng chờ con trước cổng trường.
Người mẹ nhường cơm cho con
Trong mùa thi, bên cạnh dáng cha gầy khắc khổ đứng bám song cửa chờ đợi con là những người mẹ tận tình, chu đáo.
Thí sinh Bùi Thị Tường Oanh (quê ở Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) có một người mẹ như thế và mẹ của bạn, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn nhường cơm để con gái có sức làm bài.
Hơn 10 năm qua, Oanh mắc bệnh rối loạn tiền đình. Nhà Oanh vốn làm ruộng, kinh tế khó khăn, dưới Oanh còn có 2 em bị bệnh lão hóa da sơ cấp và viêm phổi.
Dù bị bệnh nhưng Oanh vẫn khao khát đến trường. Thương con, chị Đỗ Thị Vân đã cùng Oanh về TP.HCM trong mùa tuyển sinh ĐH. Thời gian đầu, để tiết kiệm, hai mẹ con ở nhờ nhà chùa, nơi giúp đỡ các thí sinh khó khăn. Tuy nhiên, bệnh của Oanh dễ tái phát, cần tránh đông đúc nên chuyển ra ở trọ với giá 250.000 đồng cho 3 ngày thi.
Ánh mắt buồn của người mẹ, và cả cô con gái bé bỏng.
Trong ngày thi đầu tiên, trước thời điểm con gái đến trường, cô mua hộp thức ăn về cho con lót dạ, còn mình chấp nhận nhịn. Đến buổi trưa, vừa kết thúc môn thi xong, cả hai mẹ con vội vàng về căn phòng trọ, cô mua cơm, nhường con gái ăn trước, còn thừa bao nhiêu mình mới ăn lại.
Khi hình ảnh của cô Vân và con gái được đăng tải, một số độc giả đã liên hệ để giúp đỡ mẹ con chị. Hi vọng rằng, với sự chia sẻ cộng đồng, cô sẽ bớt khó khăn hơn trong chặng đường sắp tới.