Không biết phải hỏi
Bốn chữ đơn giản nhưng không phải ai ai trong chúng ta đều có thể làm được. Đành rằng sự tự tin thuộc về tính cách riêng của mỗi người, nhưng nếu thầy cô tạo cho học trò một môi trường thực sự thân thiện và thoải mái, có lẽ sự hăng hái phát biểu, xây dựng bài không chỉ dừng trên... lý thuyết.
“Hồi thầy tớ mới vào dạy Toán, lớp vốn nhát với cả lười nên cứ im re. Thầy tuyên bố thẳng thừng rằng đề kiểm tra sẽ rất khó nên đứa nào không muốn... ở lại lớp thì ráng giơ tay, góp ý hay trả lời câu hỏi của thầy. Điểm cộng cực lớn. Đứa nào cũng nơm nớp lo sợ nên ngại cỡ nào cũng giơ tay. Hỏi lại thầy những chỗ chưa hiểu cũng được tính là “phát biểu”. Dần dần, đứa nào cũng tự tin hơn, quên béng đi vụ thầy cộng điểm cho những đứa hay phát biểu. Cuối học kì, thầy nói thay vì cộng, thầy sẽ cho đề dễ hơn. Lúc đó, cả lũ mới biết hóa ra thầy chỉ đang cố gắng để lớp tự tin và năng động hơn” - Lê Văn Cương, Thanh Hóa.
Thế nhưng, không phải thầy cô nào cũng tạo điều kiện cho học trò của mình như thế. Không ít thầy cô chỉ chăm chăm vào giảng bài và gọi những học trò “cưng” của mình mà không để ý tới nhiệm vụ khuyến khích, thúc đẩy những cô cậu học trò ham học nhưng còn nhút nhát.
Để được thất bại
Bảng điểm, giải thưởng, thứ hạng... tất cả những điều đó đẩy chúng ta vào một guồng quay không ngừng nghỉ. Chúng ta không dám dừng chân, không dám nghỉ ngơi, dù thực lòng không rõ đó là điều mình muốn hay chỉ là những thứ người khác muốn chúng ta làm.
Ảnh minh họa.
“Tớ có một đứa bạn thân học rất giỏi. Từ nhỏ tới lớn đều thực sự toàn diện, không chỉ những môn học ở trường mà cả các hoạt động ngoại khóa nhỏ đều rất tài. Kì thi đại học sắp đến rồi, nhỏ cuống lắm. Nhỏ nói thi cử phụ thuộc không ít vào may rủi, nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Nếu không may thi trượt, cả dòng họ, cả trường học đều sẽ chê cười. Nhỏ thậm chí không dám dạo phố, chỉ chăm chăm ở nhà vì lo thất bại sẽ làm hỏng “hình tượng” bấy lâu, dù tớ biết thực lòng nhỏ không nặng nề quá chuyện đỗ trượt. Cũng muốn mình giỏi giang như nhỏ, nhưng cứ phải gồng mình và sợ hãi thất bại như thế thì cũng thật buồn” - Yến Phương, 18 tuổi, Bắc Ninh.
Đừng cố gắng chơi xấu bạn bè
Chính bởi giải thưởng, sự ganh đua, thành công là điều dễ dàng được ghi nhận và đánh giá nên không ít bạn lựa chọn chơi xấu để thành công. Như trường hợp của N. A (THPT X, BG), khi được cô giáo nhờ phổ biến với các bạn cùng lớp về giới hạn đề thi giữa kì, N.A đã giấu nhẹm với hi vọng điểm của mình sẽ cao hơn mọi người. Giá như thầy cô tạo cho học sinh của mình một sân chơi công bằng, để học sinh biết được rằng gian lận là điều không tốt và mọi thứ cuối cùng cũng sớm lộ ra, chắc chắn sẽ không có những trò chơi xấu như thế.
Tương tự như trong một show truyền hình thực tế của Mỹ, những cô gái được tham gia vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày cùng nhau, qua đó bộc lộ tính cách để chọn ra người xứng đáng nhất với ngôi vị quán quân. Một cô nàng thường xuyên nói xấu chê bai người khác mà không biết rằng... máy quay được đặt ở khắp mọi nơi và không gì lọt qua mắt ban giám khảo. Thế mới thấy, chơi xấu như cái kim trong bọc, lâu ngày cũng lòi ra.
Không ai là người giỏi nhất
Tên của bạn đang đứng đầu hay cuối danh sách? Bạn thường xuất hiện ở vị trí đại diện khối học sinh lên phát biểu trước toàn trường hay lủi thủi trong “xóm nhà lá”? Điều đó chỉ là tạm thời, quan trọng là bạn có cố gắng hay không mà thôi. Hãy tự nói với chính mình rằng không ai là người giỏi nhất và ngay cả khi bạn là người sở hữu bảng điểm tuyệt nhất ở thời điểm này thì ngôi vị ấy hoàn toàn có thể bị thay thế trong ngày mai, ngày kia.
Thế mới nói, sự cố gắng là rất cần thiết. Giá như trường học dạy chúng ta biết rằng “phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”. Giá như thầy cô không vì “cưng chiều” quá mức một bạn nào đó mà trù dập những người còn lại, thì ai ai trong chúng ta cũng có thể vươn lên và... "cầm quyền".