Học không phải là "học gạo"

Phùng Văn Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 25/08/2013
Chia sẻ

Không ai dám phủ nhận và chê bai tinh thần ham học và cầu tiến, tuy nhiên mỗi chúng ta (học sinh, sinh viên) cần phải suy nghĩ lại mình học để làm gì, giúp ích gì cho bản thân, gia đình và xã hội.

Hồi đầu năm lớp 3 có một câu chuyện rất hay nói về tính ham học. Câu chuyện có tên là “Mình bận học” mà chắc chắn nhiều bạn vẫn không quên. Nội dung câu chuyện là:

Vào một buổi sáng thứ bảy đẹp trời, Vô-lô-đi-a đang miệt mài chuẩn bị bài thì có bạn đến rủ đi bắn chim vì cậu ta được bố mua cho khẩu súng mới, điều đó thật thú vị với các bạn trai.

Nghe bạn nói Vô-lô-đi-a thích lắm. Cậu mở toang cửa sổ, ló đầu ra ngoài và hỏi bạn một cách chi tiết về khẩu súng. Nhưng rồi, Vô-lô-đi-a trả lời bạn với vẻ tiếc nuối:

- Mình bận học!

Cậu bạn mỉa mai:

- Học gạo để lấy điểm 5 à? (Liên Xô cũ, Nga thang điểm 5)

Vô-lô-đi-a bình thản đáp:

- Mình không học gạo, mà là học, học không phải vì điểm, hiểu không?

Cậu bạn rủ rê:

- Mai chủ nhật tha hồ mà học!

Vô-lô-đi-a lưỡng lự vì lời bàn đó của bạn. Nhưng nghĩ tới bài chưa chuẩn bị, Vô-lô-đi-a cương quyết trả lời:

- Không! Mai chúng ta sẽ đi từ sáng còn hôm nay thì không!

Dứt lời, Vô-lô-đi-a đóng cửa sổ lại và ngồi vào bàn học.

Học không phải là "học gạo" 1

Đã hơn 15 năm từ hồi được học câu chuyện đó, tới giờ mình mới thấy ý nghĩa. Có lẽ hồi đó cảm thấy câu chuyện đó hay vì ngắn nên học thuộc nhanh, hơn nữa là ngưỡng mộ bạn Vô-lô-đi-a chỉ vì tinh thần ham học. Tất nhiên, không ai dám phủ nhận và chê bai tinh thần ham học và cầu tiến, tuy nhiên mỗi chúng ta (học sinh, sinh viên) cần phải suy nghĩ lại mình học để làm gì, giúp gì có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. 

Có phải cứ đạt điểm cao trong học tập là bạn đã yên tâm, tự tin trước khi bước vào đời. Vâng, không ai phủ nhận những gì bạn đã đạt được và nó đáng được mọi người nể phục và ghi nhận – kết quả đó phần nào phản ánh nỗ lực và khả năng của bạn.

Có một sự thật đáng buồn, không ít các bạn học sinh đang làm là cố gắng học thật giỏi, học lệch để mong đỗ đạt được vào trường mình nguyện vọng. Và không ít các bạn đó đăng ký thi theo phong trào, mức độ tiếng tăm của trường mà bỏ qua điều quan trọng là mình thích gì, phù hợp với nghề gì – cái để bạn thành công nhất với nó. Vì vậy, trong quá trình học tập và để chuẩn bị cho tương lai, ngoài việc bạn phấn đấu để đạt thành tích tốt thì bạn không nên bỏ qua một kỹ năng quan trọng – kỹ năng mềm.

Kỹ năng mềm - kỹ năng quan trọng mà hầu hết sinh viên, học sinh đều biết tới, đã và đang được cho vào chương trình giảng dạy một số trường. Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia có viết: Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới…

Kỹ năng mềm khác với kỹ năng cứng để chỉ trình độ chuyên môn, kiến thức, hay điểm số mà bạn đạt được. Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm mà họ được trang bị.

Kỹ năng mềm thiên nhiều về yếu tố bẩm sinh, tuy nhiên nếu chịu khó rèn luyện thì bạn vẫn có thể nâng cao đáng kể kỹ năng của bạn thân. Điều này thực sự cần thiết, bởi kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa bạn đến thành công. Vì vậy, ngoài việc chăm chỉ học hành để đạt được kết quả tốt, bạn nên trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết và luôn nhớ rằng học không phải là học gạo!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày