Mạng xã hội trong nhà trường: Thận trọng khi thiết lập

Kinh Tế & Đô Thị, Theo 16:44 28/09/2013

Ngay sau khi Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh có quyết định đóng trang Confessions (thú tội) trên facebook, đã có nhiều ý kiến tranh cãi. Một trong những vấn đề được nhiều người đặt ra là có nên thiết lập trang mạng xã hội trong nhà trường.

Nội dung nhảm nhí, gây mất đoàn kết

Trào lưu "thú tội" hay các trang mạng xã hội đang được cộng đồng mạng ưa chuộng, nhất là học sinh tuổi teen. Thông qua trang "thú tội", các thành viên ẩn danh được nói thẳng, nói thật, thậm chí cả những bức xúc về thầy, cô giáo… Song thực tế, có những trang "thú tội" đã trở thành nơi xả stress, không giúp gì cho việc học, có khi gây mất đoàn kết giữa nội bộ học sinh với nhau.

Lý giải về việc đóng cửa trang LTV-ers's Confessions, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho hay: "Trang lấy tên Lương Thế Vinh nhưng tôi không biết ai là người tổ chức, đưa thông tin lên. Tôi đã tìm hiểu trang này và thấy rất mất thời gian, nội dung đưa lên rất nhảm nhí, thi thoảng có những tin tức lếu láo, trong khi việc học hành cần thiết thì không được nói đến. Đơn cử như: Có em nói bạn có biết bạn cao cao trắng trắng học lớp 12 nào, tên là gì không? Mình mê bạn ấy. Hoặc có những xuyên tạc trắng trợn: Con em của thầy cô giáo trong trường không thi mà cũng được vào học!".

"Tôi cũng đã gửi tin nhắn và thông báo nếu học sinh nào là chủ trang có thể đến gặp tôi trao đổi để thông qua trang này giúp các em học tập tốt hơn, giúp các em đấu tranh với những sai trái, nhưng không em nào đến. Tới đây, đại hội Đoàn của trường, nếu tổ chức đoàn thấy cần phải có một trang như thế này, chúng tôi sẽ ủng hộ vật chất với điều kiện hoạt động theo quy tắc và quy chuẩn của nhà trường, có định hướng, có mục tiêu" - PGS Văn Như Cương chia sẻ.

Mạng xã hội trong nhà trường: Thận trọng khi thiết lập 1
Khuyến khích học sinh trao đổi trên các trang mạng của trường nhưng cần kiểm soát chặt nội dung. Ảnh: Viết Thành

Nhiều nhà sư phạm và phụ huynh cũng đồng tình với quan điểm của PGS Văn Như Cương và cho biết, trang mạng "thú tội" hiện chủ yếu là nơi các em bày tỏ tình yêu, thậm chí nói xấu thầy cô giáo. Đây không phải là biểu hiện của dân chủ và cởi mở. Vì việc quản lý nội dung của các diễn đàn riêng khó khăn, thông tin đưa lên không có ích và mất nhiều thời gian nên nhiều phụ huynh đề nghị nhà trường không cần thiết lập, nhất là khi các trường đều đã có website riêng cung cấp đầy đủ các thông tin về lịch sử, thời khóa biểu, thông báo… của trường. Bản thân trong website của trường cũng có một forum để các em trao đổi học hành và chia sẻ kinh nghiệm. Nếu các em muốn trao đổi riêng thì đã có facebook, yahoo messenger, skype.

Thiết lập có kiểm soát

Không phủ nhận việc học sinh tham gia các trang mạng xã hội là xu thế của thời đại; thiết lập hay không là tùy theo chính sách của từng trường. Hơn nữa, đây là kênh giao tiếp, nên nhà trường không thích thì các em vẫn cứ tham gia. Do vậy, lời khuyên của nhiều chuyên gia giáo dục là bố mẹ và thầy cô hãy cùng tham gia với học sinh. Xét cho cùng, nhà trường thiết lập trang mạng sẽ có lợi nhiều hơn, bởi đó như là sự hướng đạo. Như TS Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Hiệu trưởng ĐH FPT phân tích, việc có thông tin nhiều chiều từ phía học sinh cũng tốt. Nhà trường biết được một số em đang nghĩ gì, còn hơn là các em nghĩ nhưng không nói ra, cho dù điều các em nói có thể đúng, cũng có thể không. Trong trường hợp thông tin sai lệch, nhà trường nên nghĩ vì sao các em lại đưa như thế để tìm cách ứng xử không gây ra chuyện hiểu lầm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khi trang mạng của nhà trường được thiết lập thì phải có yêu cầu về văn hóa, giáo dục và có sự chỉ đạo. TS Trịnh Thu Tuyết - giáo viên dạy Văn, trường THPT Chu Văn An chia sẻ: "Nhà trường cũng cần giáo dục định hướng cho học sinh, vì khi các em vô danh hay hữu danh nói điều gì đều thể hiện nhân cách, trí tuệ, văn hóa của mình". Và, để các trang mạng hoạt động nghiêm túc, hiệu quả và mang tính định hướng giáo dục, nhà trường nên có cơ chế và cách kiểm soát thông tin được đưa lên, hoặc có chế tài với quản trị mạng.

"Nếu trường mình làm tốt thì không việc gì phải lo ngại. Còn nếu cấm đoán thì có nghĩa là mình đang có vấn đề. Bản thân mình có định hướng tốt thì sẽ chia sẻ được với các em" - TS Lê Trường Tùng Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày