Liên thông lên ĐH không còn đi đường vòng?

Ngọc Hà/Tuổi Trẻ, Theo 11:09 19/03/2015
Chia sẻ

Không phải chờ đợi 36 tháng sau khi tốt nghiệp, thí sinh vừa tốt nghiệp trung cấp, CĐ nghề, CĐ có thể thi liên thông ngay lên CĐ, ĐH.

Toàn bộ quy định này vẫn đang trong quá trình dự thảo, Bộ GD-ĐT mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các trường, từ thí sinh và toàn xã hội để thông tư sửa đổi, bổ sung khi chính thức ban hành sẽ phù hợp thực tế và nhanh chóng đi vào cuộc sống. PGS.TS Bùi Anh Tuấn

Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông dự kiến cho phép thí sinh vừa tốt nghiệp trung cấp, CĐ nghề, CĐ có thể thi liên thông ngay lên CĐ, ĐH chứ không phải chờ đợi 36 tháng sau khi tốt nghiệp như trước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết:

- Thông tư số 55/2012/TTLT-BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH đã thực hiện hai năm, được xã hội đánh giá cao trong việc chấn chỉnh hình thức đào tạo liên thông và mang lại công bằng cho người học.

Tuy nhiên, năm 2015 có nhiều thay đổi trong lĩnh vực giáo dục như Luật giáo dục nghề nghiệp được ban hành, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, quy chế thi THPT quốc gia và một số bất cập rút ra trong việc thực hiện thông tư 55, Bộ GD-ĐT đã chỉnh sửa, bổ sung một số điều của thông tư 55, đảm bảo thống nhất với các văn bản pháp quy liên quan.

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM hệ cao đẳng liên thông lên đại học làm thủ tục trước khi vào phòng thi - Ảnh: Như Hùng

“Thông tư 55 đã hoàn thành sứ mệnh”

* Tại sao Bộ GD-ĐT lại đưa ra quy định có vẻ “cởi trói” cho tuyển sinh liên thông chỉ sau hơn hai năm “ban lệnh” siết đầu vào thí sinh tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng muốn liên thông chính quy phải chấp nhận tuyển sinh như học sinh phổ thông thi ĐH, CĐ chính quy?

- Trong dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 55, việc tuyển sinh liên thông đã được Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho nhà trường quyết định.

Các trường ĐH, CĐ có thể được chủ động chọn lựa phương thức tuyển sinh liên thông: tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết hợp cả hai phương thức này.

Tuy nhiên, không thể nghĩ đơn giản đây là cách cởi trói hay buông lỏng hệ đào tạo này. Dự thảo đưa ra yêu cầu nếu lựa chọn hình thức thi tuyển, trường được tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển bằng các môn: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề.

Nhà trường có trách nhiệm thông báo công khai trong thông báo tuyển sinh. Với phương thức này, trường cũng phải xây dựng và ban hành quy chế tuyển sinh liên thông. Quy chế của trường không được trái với quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đối với liên thông chính quy và quy chế tuyển sinh hệ vừa làm vừa học đối với liên thông vừa làm vừa học.

Còn nếu lựa chọn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì, trường phải công bố tổ hợp các môn xét tuyển vào các ngành tương ứng.

Trường cũng sẽ không được xét tuyển những thí sinh có kết quả thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.

* Việc thay đổi bất ngờ về điều kiện tuyển sinh liên thông chính quy với thí sinh tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng có phải là sự thừa nhận thất bại của thông tư 55 trước đó khi các trường kêu ca quá nhiều về sự sụt giảm nguồn tuyển vì thông tư này?

- Thông tư 55 được thực hiện hơn hai năm qua đã có tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của biện pháp tổ chức đào tạo này và giúp khắc phục tình trạng “hợp lý hóa” bằng ĐH “theo con đường vòng” và không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, thực hiện lộ trình đổi mới đào tạo ĐH, trước hết là đổi mới công tác tuyển sinh, việc tuyển sinh liên thông cũng phải thay đổi phù hợp các văn bản chỉ đạo hiện hành của bộ. Việc bỏ quy định về thời gian 36 tháng cũng là để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhưng trong dự thảo cũng quy định các cơ sở đào tạo phải có biện pháp tổ chức đào tạo chặt chẽ hơn trước đây.

Như vậy, có thể nói thông tư 55 đã hoàn thành sứ mệnh của nó, để các cơ sở đào tạo và người học không còn quan niệm liên thông là “con đường vòng” cho những người không đủ điều kiện vào ĐH.

Khi các cơ sở đào tạo, nhất là các trường “tốp trên”, đã ý thức tốt hơn một bước về quyền tự chủ trong việc đảm bảo uy tín, thương hiệu của mình thì họ có quyền quyết định ở mức độ cao hơn về đối tượng tuyển sinh liên thông, đồng thời phải sử dụng các biện pháp quản lý khác để đảm bảo chuẩn đầu ra tương đương với hình thức đào tạo chính quy.

Chỉ tiêu tuyển không quá 20%/ngành

* Áp dụng quy định “rộng cửa” hơn với tuyển sinh liên thông, liệu có làm cho đào tạo liên thông trở lại dễ dãi, kém chất lượng...?

- Như đã nói ở trên, cùng với việc bỏ quy định với người tốt nghiệp dưới 36 tháng, Bộ GD-ĐT đặt ra những biện pháp tổ chức đào tạo chặt chẽ trong kiểm soát chất lượng, góp phần làm cho công tác đào tạo liên thông từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Quy định trong dự thảo không “rộng cửa” bởi vì chỉ tiêu đào tạo liên thông của các ngành bị khống chế. Các thí sinh dự thi liên thông sẽ cạnh tranh trên cơ sở năng lực của mình để được vào học. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn tuyển.

Việc cho phép thi ngay và dựa trên kết quả thi các môn chuyên môn khuyến khích các em tích cực học tập ở bậc trung cấp và CĐ, góp phần nâng cao chất lượng của các bậc học này.

Trước đây, việc xác định chỉ tiêu liên thông được xác định theo tổng chỉ tiêu chung của nhà trường với quy định chỉ tiêu liên thông chính quy không quá 20% chỉ tiêu đào tạo chính quy của trường.

Nhưng sắp tới, việc xác định chỉ tiêu liên thông sẽ được xác lập dựa trên từng ngành. Trong tổng chỉ tiêu của mỗi ngành thì chỉ tiêu liên thông chính quy sẽ không quá 20%. Việc quy định khống chế này sẽ góp phần quan trọng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo muốn đào tạo liên thông phải có một khóa tốt nghiệp chính quy, các trường muốn đào tạo liên thông chính quy phải tổ chức đào tạo theo tín chỉ, không tổ chức lớp đào tạo liên thông riêng mà các sinh viên liên thông được (phải) học chung với các sinh viên chính quy khác...

Những điều này cũng sẽ góp phần làm cho công tác đào tạo liên thông, đặc biệt là liên thông chính quy, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hướng tới chỉ có một chuẩn đầu ra dù đào tạo theo bất cứ hình thức tổ chức đào tạo nào.

Lo ngại đào tạo liên thông Y - Dược

* Tình trạng dồn chỉ tiêu liên thông chung vào một vài ngành “hot” - đặc biệt ngành y, dược - sẽ được giải quyết thế nào trong tương lai khi đội ngũ giảng viên Y, Dược ở một số trường chưa thật sự đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, thưa ông?

- Thực tế, khi thực hiện thông tư 55, nhiều trường đã sử dụng hầu hết chỉ tiêu liên thông chung dành cho một hoặc hai ngành mà người học có nhu cầu lớn mặc dù điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giảng viên - đặc biệt là đội ngũ giảng viên cho ngành này - không đủ theo quy định.

Việc dồn chỉ tiêu theo cách đó dẫn tới chất lượng đào tạo không đảm bảo. Vì vậy, quy định tỉ lệ đào tạo liên thông chính quy 20% theo từng ngành rất cần thiết để đảm bảo chất lượng của biện pháp tổ chức đào tạo này.

Ngoài ra, trong khi chỉ tiêu liên thông chung của các ngành bị giới hạn ở mức tối đa 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy thì chỉ tiêu liên thông chính quy ngành khoa học sức khỏe không vượt quá 15% chỉ tiêu chính quy của ngành.

Phải đặt ra “thước đo” riêng này vì các ngành về khoa học sức khỏe cần có những quy định chặt chẽ hơn các ngành khác. Thời gian qua, các đơn vị chức năng của hai bộ GD-ĐT và Y tế đã phối hợp chặt chẽ để xem xét lại các tiêu chí, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành về khoa học sức khỏe, trong đó có vấn đề chỉ tiêu liên thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các ngành này.

Theo dự thảo, từ năm 2015 sẽ không áp dụng đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược sĩ trình độ CĐ, ĐH.

Về nguyên tắc, hình thức đào tạo vừa làm vừa học chỉ khác hình thức đào tạo chính quy về cách thức tổ chức học, chất lượng đào tạo phải đảm bảo tương đương hình thức đào tạo chính quy.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày