Ngay khi phương án thi tốt nghiệp mới được phê duyệt với 4 môn trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, còn lại là do học sinh tự chọn, chiều ngày 28/2, GS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đã công bố tỷ lệ các môn thi được học sinh lựa chọn với Vật lý 75,6%; Tiếng Anh 56,3%; Hóa học 50,8%; Địa lý 11,4%; Sinh học 5,3%. Điều bất ngờ là không có thí sinh nào lựa chọn môn Lịch sử.
Với tỷ lệ này cùng với phương án thi mới được áp dụng, 99,9% là tỷ lệ tốt nghiệp được GS Văn Như Cương dự đoán trong năm nay. Với tỷ lệ đỗ cao ngất ngưởng như thế, liệu có thấy vui?
Nỗi vui đầu tiên có lẽ là nỗi vui… “thoát” Sử. Với những “kết quả” tốt nghiệp thu được trong nhiều năm qua, Lịch sử là “nỗi lo” không chỉ của học sinh mà còn của những người làm giáo dục.
Áp lực điểm số kéo theo những suy nghĩ áp đặt trong học sinh dễ khiến môn học được cho là lý thú và đáng tự hào này trở thành gánh nặng. Lịch sử không được lựa chọn cũng giống như học sinh đang quẳng gánh lo cho riêng mình.
Nỗi vui thứ hai có lẽ là tỷ lệ và điểm số tốt nghiệp. Sẽ thật nhẹ lòng nếu năm nay (và chắc chắn năm nay) người ta không còn phàn nàn về điểm 0 môn Sử. Môn Lịch sử dường như đang thay đổi lịch sử cũng theo cách như thế.
Với học lực được đánh giá là “trên trung bình” của học sinh Lương Thế Vinh nhưng tỷ lệ lựa tuyệt đối không lựa chọn môn xã hội này thì không quá khó khăn để dự đoán môn Sử sẽ (lại) lập thêm “thành tích” cho mùa tốt nghiệp năm nay.
Nhiều người đã tỏ ra chua chát khi tỷ lệ trên được công bố, dù đó mới chỉ là tỷ lệ ban đầu. Câu chuyện của học Sử, thi sử giờ đây lại được tiếp nối theo cách thật đáng buồn.
Nếu được chọn lựa dễ dàng như thế, liệu việc học Sử, dạy Sử trong trường có còn được chú trọng hay chỉ qua loa, đại khái rồi đến lúc phải nói lời “khai tử” như cách người ta đối đãi với luyện viết chữ đẹp hay tính nhẩm - những môn nền tảng và cơ bản trong môi trường tiểu học?
Chưa kể mai đây sẽ có bao nhiêu học sinh quốc gia… giỏi Sử, có bao nhiêu chuyên gia nghiên cứu Sử học, sách Lịch sử hay được viết nên khi trong bây giờ nó đang trở thành lựa chọn yếu thế trong tư duy của học trò?
Nếu ngày trước Lịch sử được xem là “vấn nạn” thi cử với hàng loạt điểm 0, điểm kém bị công bố; người dạy sử đau đầu với những giải pháp dù thức thời hay trường cửu được mang ra áp dụng; học sinh học Sử với vô số những phương án đối phó, nhóm người nghiên cứu xã hội xem nó là vấn đề cần đem ra mổ xẻ, phụ huynh học sinh xấu hổ, dư luận hoang mang thì nay đã phần nào được “giải quyết” chỉ với việc được chọn hay không chọn.
Những người yêu Sử, tâm huyết với Sử rõ ràng là vẫn buồn đấy, nhưng buồn theo một kiểu khác, nỗi buồn của việc bị bỏ rơi và phủ nhận.