Học cách chế ngự những tật xấu trong lớp

Duyên Lê, Theo Pháp luật xã hội 00:01 15/12/2013

Có những thói xấu mà chúng ta, hay bất kì ai đi nữa, dù ít nhiều đều có.

Đó là tính tự kiêu, lòng đố kị, chứng biếng nhác, lòng tham… Hơn nữa, ở môi trường học đường, bản chất của nó đã là ganh đua, hơn thua, vì thế mà bạn còn có nhiều lý do để “đánh thức” những tật xấu này hơn đấy.

Tính tự kiêu

Lòng kiêu hãnh không cho phép bạn chịu thua kém bất kỳ một ai. Bạn luôn muốn đứng “từ trên cao nhìn xuống” và hiếm khi chịu nhìn… ngang, chứ đừng nói là nhìn lên! Tự cho mình là “cái rốn của vũ trụ”, bạn dành nhiều thời gian để ngưỡng mộ bản thân hơn là quan tâm đến người khác.

Đồng ý là mỗi chúng ta đều có quyền được “o bế” cái tôi của mình, tuy nhiên bạn cũng nên học cách khiêm tốn. Nếu khéo léo, bạn sẽ biết khiêm tốn đúng cách.

Học cách chế ngự những tật xấu trong lớp 1

Tuấn (18 tuổi, ĐN) kể: “Tớ là thủ khoa đầu vào THPT nên hồi mới vào lớp cũng ra vẻ lắm. Mãi à ơi với mấy "vệ tinh" trong lớp, tớ lơ là việc học vì nghĩ chẳng ai theo kịp mình. Ai dè cuối kỳ tớ chỉ xếp thứ 16, mất luôn cả suất học bổng. Sang kỳ sau tớ chẳng dám chủ quan nữa”.

Lòng đố kỵ

Biểu hiện của lòng đố kỵ đó là bạn không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có. Thành công và may mắn đến với người khác sẽ luôn làm bạn cảm thấy khó chịu. Dù bạn có được điểm 8 thì vẫn luôn chì chiết và đòi hỏi rằng “tại sao nó cứ hơn mình” dù chỉ là 0,25 điểm. Rồi không hết ấm ức, bạn sẽ tìm cách nói xấu người ta cho hả hê để bớt tức giận. 

“Có một khoảng thời gian khá dài mình luôn ganh tỵ với Mai, cô bạn cùng lớp. Vì Mai xinh xắn lại học giỏi và tất nhiên được nhiều bạn yêu mến. Trong lớp, hễ có hội “buôn dưa” nào là mình đều nhập bọn, cốt chỉ để nói xấu Mai. Đến khi mình biết được hoàn cảnh của bạn ấy, bố mẹ đã ly dị từ lâu, Mai phải sống cùng ông bà, hằng ngày ngoài giờ học thì vất vả để phụ giúp ông bà. Thế mà Mai lại luôn phấn đấu để trở thành một học sinh xuất sắc toàn diện. Khi đó mình cảm thấy có lỗi vô cùng với Mai. Điều này đáng để mình học hỏi chứ không thể mang lòng đố kỵ được.” – Tuyết ( THPT ST, QN) tâm sự.

Chứng biếng nhác

Học hành mệt mỏi, bạn có thể cho phép mình dành ra thời gian nghỉ ngơi hợp lý thì có thể chấp nhận được. Nhưng hễ có dịp là bạn sẽ "nướng" đến khi cháy khét lẹt mới thèm dậy, phòng ốc thì cả năm không buồn dọn. Bạn luôn bị bắt gặp trong tình trạng mắt mũi lờ đờ, chân tay xuôi xị… Người khác sẽ luôn tự hỏi bạn là con người hay… con lười?!

Học cách chế ngự những tật xấu trong lớp 2

Biện pháp chế ngự dành cho bạn: Trước khi để nó biến thành căn bệnh “vô phương cứu chữa”, bạn nên cố gắng thay đổi thói quen sinh hoạt. Có thể dậy sớm tập thể dục, ăn sáng rồi làm bài thay vì ngủ nướng đến 12h trưa rồi làm một bữa sáng – trưa kết hợp vào đầu giờ chiều. Như thế thì cơ thể bạn sẽ không đủ tỉnh táo và sự tập trung không cao để có thể học hành sau đó.

Lòng tham

Trong lớp, bạn luôn muốn mình là người nhất ở mọi phương diện, hay trong mọi việc, muốn mình có nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm hơn người khác. Luôn hỏi han và muốn người khác chia sẻ kiến thức cho bạn. Nhưng bạn thì ngược lại, chẳng bao giờ muốn chia sẻ bất kì điều gì cho ai. Vì bạn có tính ích kỉ, tham lam, muốn thành công chỉ mình hưởng mà thôi. 

Như trường hợp của Vân Anh (18 tuổi, Huế), Vân Anh chia sẻ: “Lớp mình cũng không ngoại lệ, có bạn tham lam kiểu như cô giáo giao bài tập nào thì muốn được giải cùng các bạn học giỏi Toán, kiến thức thì muốn mọi người san sẻ cho mình. Rồi thì những khi đến giờ kiểm tra các môn lý thuyết, bạn bè mà có ai không thuộc bài hỏi han tí thì bạn ấy cũng chẳng buồn nói. Thậm chí sau đó muốn hỏi bạn ấy cách giải để kiểm tra xem bài làm của mình đã đúng hay chưa thì cũng bị quẳng một "cục lơ" thẳng vào mặt. Cứ thế sau thời gian ngắn, trong lớp ai cũng nhận ra tính xấu của bạn ấy và dần “cạch” mặt luôn”.

Thế liệu trong lớp bạn có những tính xấu nào? Nếu chưa thì bạn hãy lấy đó làm may mắn và tiếp tục phấn đấu, học cách chế ngự tuyệt đối đừng để chúng bộc phát. Nếu bạn đã mắc phải một hoặc vài kiểu như trên thì chúc bạn sẽ thay đổi được càng sớm càng tốt.