Vẽ là một loại hình nghệ thuật cũng giống như bao loại hình nghệ thuật khác, nó tôn vinh cái hay, cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống; thông qua nó để thể hiện cảm xúc, cả một thế giới nội tâm của con người. Tại sao lại gọi là lớp học vẽ kể chuyện? Và nó đặc biệt ở chỗ nào?
Kể chuyện qua hình vẽ thật ra đã có từ lâu và điều này không hề mới trên thế giới. Nhưng đây là lần đầu tiên loại hình này được đến với các bạn Việt Nam.
Nói ngắn gọn, vẽ kể chuyện là một câu chuyện sẽ được thể hiện thông qua nét vẽ và chất liệu, màu sắc của bức tranh.
Họa sĩ Đỗ Hữu Chí đang hướng dẫn các bạn trong một buổi học.
Buổi học của các học viên tại Đà Nẵng
Mỗi người đều có những câu chuyện của riêng mình, nó có thể là câu chuyện về một ước mơ, hoài bão nào đấy, câu chuyện về cuộc sống qua cách nhìn cách nghĩ và cảm nhận của bản thân, câu chuyện tình yêu trong veo của tuổi trẻ, chuyện về năm tháng của tuổi học sinh tươi đẹp, những câu chuyện bạn muốn truyền đạt ẩn đằng sau mỗi bức tranh. Hằng ngày, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh các bạn dùng phấn vẽ trên bảng đen, trên nền gạch, lên cả mặt bàn học, các em nhỏ hay dùng tay để nguệch ngoạc trên cát, chơi trò hà hơi vào kính để vẽ… Những hình ảnh đó có thể được xem là giai đoạn đầu tiên của một hình thái tư duy, dần phát triển cao hơn nữa, người ta muốn trình bày cái theo ý muốn, tạo ra cái chưa có, không có, cái lý tưởng, ước mơ, cái xa hơn, cao hơn ở cái gọi là tầng sáng tạo.
Tranh về ước mơ 5 năm nữa của Meep Meep Hưởng ứng theo phong trào ngày Cá tháng tư.
Ta Ba Lo – Nick name của học viên của lớp tại Sài Gòn hào hứng chia sẻ: “Mình vừa tham gia một lớp dạy vẽ trong thời gian 3 tuần, trong một thời gian ngắn cũng đủ làm mình thay đổi rất nhiều. Ban đầu chỉ là nghe thiên hạ đồn “Ừ lớp này hay thế này, lớp này hay thế nọ” rồi đăng ký vu vơ thế thôi, dè đâu điều mình có được còn nhiêu hơn là chuyện học lấy vài thủ thuật để lên tay nghề”.
Mỗi khóa học gồm 9 buổi, được kéo dài trong 3 tuần, mỗi lớp học có chừng 25 - 30 người. Các học viên rất phong phú về thành phần, nghề nghiệp, độ tuổi, sở thích, xu hướng. Đây chính là điểm đặc biệt của khóa học. Vì càng nhiều người khác nhau thì càng có nhiều câu chuyện và nhiều góc nhìn khác nhau để vẽ và chia sẻ. Mọi người tham gia với một tinh thần yêu vẽ với những cái tôi rất lạ, mọi thứ đều có thể vẽ ra được, điều quan trọng không phải là vẽ đẹp hay xấu, mà là cảm xúc của bức tranh, là câu chuyện bạn muốn truyền đạt ẩn đằng sau nó.
Những khách mời chia sẻ trong lớp là những nghệ sĩ trẻ như họa sĩ Phong Ronin, Thái Mỹ Phương, Kỳ Nam, Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh…
Tranh vẽ trong một buổi học của Họa sĩ Thái Mỹ Phương – một trong những người chia sẻ của khóa học.
“Đây không phải là một khóa học vẽ theo nghĩa truyền thống, nơi thầy giáo đặt mẫu sẵn, học trò vẽ theo và chỉnh sửa từng bài vẽ – lớp học loại này cần thời gian thực hành lâu dài. Khóa học dựa trên nền tảng chia sẻ ý tưởng, thảo luận các vấn đề căn bản và hướng dẫn phương pháp thực hành qua các bài tập ngắn. Nó là một sê-ri các buổi nói chuyện và workshop được thiết kế để mang đến cho bạn hai điều cốt lõi: động lực sáng tạo và phương pháp sáng tạo để duy trì động lực đó”- Trích lời họa sĩ Đỗ Hữu Chí nói.
Khóa học thu hút nhiều đối tượng tham gia
Ngoài những buổi học chính thì lớp còn có những buổi dã ngoại để các học viên tham gia nhằm tạo không gian giúp các bạn tìm kiếm ý tưởng mới lạ cho tác phẩm của mình.
Một buổi offline của lớp ở Hà Nội.
Nhóm tổ chức Vẽ kể chuyện hiện đang tìm nguồn tài trợ để đưa khóa học đến với càng nhiều người càng tốt, nhất là các nhóm dân cư khó có khả năng chi trả học phí. Đối tượng ưu tiên của Vẽ kể chuyện bao gồm nhưng không chỉ giới hạn trong các nhóm thiểu số, các nhóm trẻ mồ côi, trẻ em miền núi, làng biển, các nhóm bệnh nhân, công nhân và nông dân. Tất cả chúng ta đều có những câu chuyện hay đang đợi được kể.
Một số tác phẩm khác của các bạn học viên: