Nghỉ ngơi – "xõa"
Nếu quãng thời gian ôn thi và thi cử, ngoài học, các thí sinh không có thời gian để thực hiện những dự định khác, thì ngay khi môn thi cuối cùng kết thúc nhiều thí sinh đã lên lịch để nghỉ ngơi, thư giãn trước khi bước vào những năm tháng sinh viên.
“Sau khi thi đại học, mình đã dành 1 ngày chỉ để ngủ. Vì quãng thời gian ôn thi đại học quá căng thẳng và hầu như ngày nào mình cũng thiếu ngủ. Không chỉ riêng mình mà hầu hết các bạn mình hay các thí sinh khác vào phòng thi, dáng vẻ của ai cũng mệt mỏi, phờ phạc” - Ngọc Quỳnh – SV năm 2 Đại học Tài nguyên Môi trường chia sẻ.
“Sau khi thi đại học, mình đã lên rất nhiều lịch tụ tập, ăn uống với bạn bè, rồi đi du lịch cùng gia đình. Đây cũng là phần thưởng mình tự dành cho bản thân sau những tháng ngày học tập, thi cử căng thẳng” - Anh Tuấn – học sinh THPT Việt Đức chia sẻ.
Tiếp tục cầu nguyện
Rất nhiều phụ huynh, thí sinh sau kỳ thi vẫn tiếp tục cầu nguyện và tin tưởng vào các thế lực siêu nhiên ở các đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ... để có thể giúp thí sinh có thể đỗ cao trong kỳ thi này. Lý giải cho việc làm này bác Đỗ Thị Phương (trú tại quận Hồng Bàng – Hải Phòng) cho rằng: “Mình làm lễ trước là tạ ơn thần thánh đã phù hộ cho em nó đi thi và trở về an toàn, sau là cầu cho em nó được điểm cao, đỗ đạt trong kỳ thi lần này.”
Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh, thí sinh còn tìm đến những cô đồng, thầy bói nhằm cầu cúng cho thí sinh đạt điểm cao “ngoài dự kiến” so với bài làm của mình để dễ đỗ vào trường mình mơ ước.
“Ngay lúc thi về, thấy bài làm có trục trặc, mẹ đã đưa mình đến cô đồng T để nhờ cầu cúng, “kê đệm” giúp mình có thể đỗ vào trường. Mẹ bảo, phen này nếu không cầu cúng sẽ trượt chắc” - H.T.T (THPT Minh Khai) chia sẻ.
Giúp đỡ gia đình
Trở về từ thành phố sau kỳ thi đại học căng thẳng, nhiều bạn đã không nghỉ ngơi mà tiếp tục phụ giúp gia đình để bù lại những tháng ngày ôn thi, không thể giúp đỡ gia đình.
Thành Trung ( Hà Trung – Thanh Hóa) sinh ra trong một gia đình làm nghề nông và nghề mộc ngậm ngùi: “Thời điểm mình thi đại học đúng vào vụ cấy nên mình không thể đi cấy đỡ mẹ được. Bây giờ về nhà, ngoài làm việc nhà, mình chạy lăng xăng giúp việc ở xưởng mộc của bố. Có thể sau này khi mình đi học xa, em gái thì bận học, sẽ chẳng còn ai đỡ đần bố mẹ nữa.”
Cũng như vậy, kể từ khi thi xong đại học, Nguyễn Thị Anh (Thuận Thành – Bắc Ninh), ngày nào cô bạn cũng phụ mẹ bên hàng phở buổi sáng của gia đình kể: “Có thời điểm khách đến rất đông, 2 bố mẹ mình phục vụ không xuể. Mình đã giục mẹ thuê thêm người nhưng có lẽ mẹ muốn tiết kiệm.”
Cũng có người ngậm ngùi tiếp tục ôn thi lại
Sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố đáp án chính thức của đề thi đại học tất cả các khối. Các thí sinh đã tự ước lượng được điểm và khả năng đỗ trượt của bản thân. Có nhiều người đã nghĩ đến lựa chọn những trường NV2, cũng có những thí sinh tiếp lựa chọn tiếp tục ôn thi lại, chờ kỳ thi năm sau.
Đỗ Duy Minh ( dự thi Đại học Khối B – ĐH Y Hà Nội) cho biết: “Mình rất thích ngành y và mong muốn có thể trở thành một bác sỹ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt. Tuy nhiên theo ước lượng từ bài làm của mình, thì có lẽ mình không thể đỗ vào trường đại học Y vào năm nay. Mình chọn cách tiếp tục ôn thi để chờ cơ hội vào năm sau".