Sự cố trong giờ thi
"Thời gian kiểm tra môn Lí 15 phút đã trôi qua, phòng thi im lặng như "tờ". Bỗng dưng thầy giám thị đến bên tớ hét lớn: "Cậu này đứng lên, lôi tài liệu trong ngăn bàn ra!" Mọi con mắt trong phòng đều đổ dồn về phía tớ. Mặt tớ nóng bừng bừng, rồi thầy đẩy tớ sang một bên, thò tay vào ngăn bàn lôi ra một bộ "phao ruột mèo" rối bù. Có điều, bộ phao đó là tài liệu của môn Sử lớp 10, trong khi tớ đang học lớp 11. Thầy nhìn đống tài liệu, rồi liếc sang tớ, "vứt toẹt" đống tài liệu lên mặt bàn và cứ thế bước thẳng lên bục giảng mà không thèm nói một lời nào. Điều này đã làm tớ vô cùng ngạc nhiên và có một chút tức giận vì rõ ràng mình bị oan." - Hoàng Giang - lớp 11, trường THPT NTT kể lại sự cố trong giờ kiểm tra của mình bằng một tâm trạng khá bức xúc.
Thầy giáo đã nhầm lẫn khi cho rằng Giang sử dụng tài liệu trong giờ thi, trong khi đó là bộ tài liệu của lớp khác. Giang không giận thầy vì thầy đã thực sự nghiêm minh trong thi cử. Nhưng giá mà thầy nói với mình chỉ một câu: “Xin lỗi em, thầy nhầm! Em hãy làm bài tiếp đi…” thì chắc chắn cậu bạn đã cảm thấy nhẹ lòng hơn và không ngượng ngùng mỗi khi gặp lại thầy ở trường.
Nỗi khiếp sợ mang tên… "thầy giáo dạy Toán"
Thu Hương, học sinh lớp 12 (một trường chuyên có tiếng của Hà Nội) chậm rãi kể lại: "Tớ có một mái tóc rất dài và đen mượt. Đó là niềm tự hào của tớ. Nhưng hôm đó vì vội đi học, tóc chưa kịp hong khô, nên đến lớp tớ vẫn phải xõa tóc. Thầy đi một vòng lớp kiểm tra rồi gọi ngay tớ mà không cần tra sổ. Thầy ra đề với một dạng toán mới toanh nên tớ cũng hơi lúng túng vì Toán không phải là một thế mạnh của tớ. Vậy là thầy nói với tớ bằng một giọng hết sức mỉa mai: "Nếu chị bớt chút thời gian chăm sóc tóc tai mà làm vài bài tập thì đâu đến nỗi phải "làm tượng" trên bục giảng của tôi như thế này. Hay chị vẫn cần người chiêm ngưỡng…?”. Thầy còn nói rất nhiều điều khác, quan trọng là chẳng có gì liên quan đến việc học Toán của tớ cả. Từ hôm đó, tớ rất ức chế và đâm ra… sợ thầy mỗi khi tới giờ Toán.”
Khoảng cách vô hình giữa thầy giáo và Hương như đang dần rộng hơn. Thay vì chì chiết, giá như thầy nói với cô bạn rằng: “Em thử bắt đầu từ giả thiết X của bài toán đi xem sao”, hay chỉ dẫn cho cô bạn làm bài một cách tận tình… thì có lẽ môn Toán đối với Thu Hương đã không trở thành nỗi ám ảnh suốt năm học lớp 12 đến như vậy.
Cô chủ nhiệm không tâm lí
Nhà trường tổ chức thi Học sinh Thanh lịch đúng ngày giỗ đầu của bố Phương (lớp 12A2, trường THPT BĐ). Lớp trưởng kéo cả lớp tới giúp Phương dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu nướng nên suýt nữa thì đến muộn và bỏ qua phần thi của lớp. Thi xong, lớp họp đột xuất. Cô chủ nhiệm gọi lớp trưởng lên mắng "xối xả": “Tôi giao cho chị trách nhiệm làm lớp trưởng để chị quản lí lớp, đưa lớp đi lên chứ không phải để chị rủ cả lớp bùng học, để đứng bét trường về mặt kỉ luật. Tôi chưa từng chủ nhiệm một cái lớp A nào ý thức kém như cái lớp này….”. Lớp trưởng không kịp thanh minh lấy một lời, còn Phương cúi gằm mặt xuống bàn, đỏ tía tai như mắc lỗi…
Phương tâm sự: "Đến muộn buổi thi mà không thông báo, thật sự chúng tớ đã sai. Chúng tớ rất muốn gửi đến cô một lời xin lỗi, cũng như một lời thanh minh về sai sót đó, vì chúng tớ không cố ý. Thế nhưng chúng tớ không được cô cho một cơ hội để giãi bày, vì thế khoảng cách giữa cô và chúng tớ đang dần xa hơn!".
(Ảnh minh họa)
“Cậu muốn lên giảng thay tôi à...?”
Tiết bài tập môn Hóa của lớp 12 Văn, trường THPT Chuyên TN thì lại đáng thương hơn. Cô chép đề lên bảng rồi xuống văn phòng ngồi uống nước, 30 phút sau cô lên chép đáp án nhưng lời giải của cô bị nhầm công thức nên sai đáp số. Lớp trưởng đứng dậy nhắc, cô bảo: “Các em cứ chép vào đi! Để lúc khác tôi kiểm tra, sắp hết giờ rồi!” Một lúc sau, Cường đứng dậy, phát biểu: “Thưa cô em có cách giải khác cho bài 2”. Cô cười nhẹ: “Cậu muốn lên giảng thay tôi à!?" Lớp im phăng phắc…
Một lớp học im phăng phắc có phải là điều mà các thầy cô muốn hay không? Chắc chắn là không. Các thầy cô luôn muốn bước vào một lớp học mà ở đó tràn ngập tinh thần học tập, học sinh phát biểu sôi nổi và hăng hái đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng thành công bài học. Thế nhưng ở lớp chuyên Văn ấy, có lẽ cô giáo nghĩ những ai theo các khối Xã hội thì không cần quan tâm đến Hóa học, không cần nghiên cứu sâu môn học này mà chỉ hiểu đủ để đi thi là được, nên không cần phát huy sự sáng tạo và sự đóng góp ý kiến của học sinh. Cô giáo không muốn một lớp học im lặng như thế nhưng có lẽ cô cảm thấy hơi khó khi tự nhận là mình sai.
Mong ước của teen
Teen chúng mình không muốn có những giờ học căng thẳng, mà ở đó các thầy cô chỉ đến giảng bài rồi lại về. Teen không muốn các thầy cô coi chúng mình như những người dưng, xa lạ. Teen muốn thầy cô như những người bạn, luôn gần gũi, trao đổi, chia sẻ và động viên chúng mình trong học tập cũng như trong cuộc sống. Mong lắm những giờ học vui vẻ, thầy trò cùng nhau tâm sự, chia sẻ với nhau..., như vậy mới ấm cúng và gần gũi làm sao. Tiếc rằng, mong muốn nhỏ nhoi đó của chúng mình nhiều khi vẫn khó có thể được thực hiện.