Trong thời đại mới, với một người thành công, ngoài kiến thức chuyên môn thì kiến thức xã hội là điều quan trọng không thể thiếu. Trong khi đó, Facebook lại là nguồn cung cấp một lượng kiến thức xã hội vô tận với những người biết cách khai thác. Đọc Facebook sẽ giúp quá trình học tập hiệu quả hơn, nhưng xin nhắc lại là “đọc” chứ không phải là “chơi”.
Rất nhiều người nghĩ, Facebook chỉ đơn thuần là để giải trí và làm những việc “vô bổ”, và Facebook "ngốn" của bạn quá nhiều thời gian, thậm chí ngăn cản tương lai tốt đẹp của bạn (khiến bạn trượt đại học chẳng hạn). Nhưng hãy cùng nhìn vào mặt tích cực của nó…
Nguồn thông tin và tài liệu vô tận
Facebook hiện nay có rất rất nhiều các trang thông tin thiết thực cho học tập. Ở những trang này, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều thông tin và tài liệu có ích cho học tập và ôn thi. Ví dụ như: hướng nghiệp, kỹ năng mềm,…
Một điểm chú ý là hiện nay, các tờ báo của Việt Nam và quốc tế hầu hết đều có trang Facebook của mình. Chỉ cần tìm và Like (thích) những trang này, hằng ngày bạn sẽ được cập nhật tất cả nhưng tin tức nóng hổi của xã hội.
Bạn Nguyễn Hưng (SV Đại học công nghiệp HN) chia sẻ: “Tôi like nhiều trang Facebook của các tờ báo và các trang tin. Sáng ra, mình chỉ “lướt” qua một vòng Facebook là nắm được kha khá tin tức quan trọng ngày hôm qua và hôm nay”.
Không chỉ báo chí trên Facebook, những trang Facebook của những nhà giáo, giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo,… cũng là một nguồn thông tin rất hay, bởi đây là nơi họ thể hiện những quan điểm đa chiều, thực tế và kiến thức của họ. Điều này bổ sung không ít kiến thức.
Bạn Thanh Hà (SV năm 3, HV Báo chí) kể: "Mình thích nhiều trang của nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng, những chia sẻ của họ có ích rất nhiều cho việc học tập của bọn mình. Đặc biệt mình ấn tượng với trang Facebook của Nhà văn Nguyễn Quang Vinh".
Chưa kể khi đọc các thông tin trên Facebook giúp bạn dễ nhớ hơn. Bởi một lí do rất đơn giản: Facebook là niềm yêu thích và bạn đang được “dạo chơi” trên đó. Đó là yếu tố về tâm lý, khi được thoải mái về tinh thần bạn sẽ tiếp thu mọi thứ dễ dàng hơn.
Một thực tế hiện nay là trong các kì thi đại học, cao đẳng,… bài thi nào lồng được nhiều kiến thức xã hội hơn, thể hiện sự hiểu biết rộng hơn sẽ được điểm cao hơn, đặc biệt là các khối trường về nhân văn. Kể cả với các bạn học khối Tự nhiên, thiên về tính toán thì những liên tưởng về thực tế sẽ giúp bạn có góc nhìn toàn diện hơn. Ví dụ như trong hình học không gian: Vẽ và đọc được hình là điều tối quan trọng, và một trong những yếu tố quan trọng để giải quyết các vấn đề này là khả năng liên tưởng đến một thực tế nào đó.
Nguồn chia sẻ những khó khăn và giải pháp cho học tập
Không chỉ là nguồn tìm kiếm tài liệu, thông tin, Facebook còn là nơi để chúng ta chia sẻ những khó khăn và cả những phương pháp học tập hiệu quả.
Chỉ cần bỏ công tìm kiếm một chút là chúng ta có thể tìm được rất nhiều trang, diễn đàn về các giải pháp tăng hiệu quả học tập, và đây thực sự là những kiến thức rất bổ ích và cần thiết. Khi thích và theo dõi những trang này, những kiến thức và chia sẻ về học tập sẽ liên tục được cập nhật lên tường của bạn, và khi đang “lướt face” bất chợt bắt gặp nó, nếu để ý bạn sẽ nhớ nó rất nhanh.
Với các diễn đàn trên Facebook, bạn có thể vào đó để chia sẽ những khó khăn, và chắc chắn mọi người sẽ tham gia góp ý, giúp bạn tìm ra những giải pháp hiệu quả cho học tập.
Một thực tế là hiện nay, Facebook đang là kênh để các bạn thành lập các nhóm, bỏ qua các nhóm “chơi bời”, các nhóm lập ra để học tập, chia sẽ kinh nghiệm học tập rất nhiều. Các bạn sinh viên hiện nay cũng dùng Facebook để học nhóm và làm bài tập nhóm.
Chưa kể, trang Facebook của lớp, của trường còn là nơi cung cấp, cập nhật những thông báo mới nhất tới các thành viên. Ví dụ: khi có thay đổi trong lịch học, lớp trưởng thường hay báo lên trang của lớp,… Trang Facebook thực sự trở thành công cụ hỗ trợ học tập đắc lực.
Bạn Phạm Lan Hương (SV Đại học Sư phạm Hà Nội) kể: “Lớp mình thường thông báo lịch học và tất cả những gì liên quan trên trang Facebook của lớp. Nhóm của bọn mình cũng thường xuyên trao đổi trên Facebook về bài tập nhóm nếu trên lớp chưa thảo luận xong. Mình thấy, trao đổi trên Facebook nhanh và dễ dàng, vì cả nhóm bọn mình có thể cùng theo dõi. Với lại, dùng Facebook tiết kiện hơn so với nhắn tin hay gọi điện”.
Nhưng hãy biết cân đối
Tất nhiên cái gì quá cũng không tốt và thậm chí có hại. Chẳng riêng gì Facebook, kể cả ăn, chơi, ngủ,… nếu quá đà cũng gây hại lớn. Chính vì thế, hãy biết cân bằng các yếu tố, như về thời gian, về sức khỏe, về mọi thứ để công việc và học tập có hiệu quả hơn mà không bị mất sức.
Còn riêng với Facebook, hãy biết cân bằng giữa yếu tố thông tin và yếu tố giải trí trên đó. Trong thời gian ôn thi, bạn dành từ 4 đến 5 tiếng một ngày để lên Facebook, nhưng trong thời gian đó, bạn dùng phần lớn vào việc học nhóm, và tìm kiếm thông tin thì chẳng có gì là lãng phí thời gian cả.
Bạn Nguyễn Hoàng Tiến (SV năm 2 Đại học Bách Khoa) cho biết: “Mình thi đại học khối D được 24 điểm, trong quá trình ôn thi, mình bỏ không ít thời gian trên mạng, trong đó có Facebook. Tất nhiên là mình không dùng nó cho việc nói chuyện phiếm, hay để xem ảnh, mà mình dùng nó cho các mục tiêu học tập. Chính nhờ có các kiến thức trên mạng, Facebook mà môn tiếng Anh và văn học mình đực điểm rất cao”.