Do vậy, có không ít trường hợp các "quý tử" không tài nào theo kịp và hòa nhập được với môi trường học tập tại nước ngoài, đã về nước ngay sau khi xuất ngoại chưa lâu. Và với cái mác "du học", hằng tháng, hằng năm các đấng cha mẹ vẫn rót tiền đều đều vào tài khoản cho "quý tử" mà không hề biết rằng con mình đang "du học" tại… Sài Gòn.
Tiền mất, tật mang
Nếu như vài năm về trước, chỉ những người thật sự xuất sắc, hoặc giành được học bổng thông qua các kỳ thi mới mong có được tấm vé đi du học nước ngoài thì nay, việc du học đã không còn là mơ ước quá cao xa với những gia đình có điều kiện. Do vậy, không ít các bậc phụ huynh sẵn sàng chi mạnh tay để con em mình được học tập trong môi trường giáo dục tiên tiến tại xứ người.
Tuy nhiên, lại có nhiều trường hợp phụ huynh quyết tâm đưa con em mình xuất ngoại cho bằng được chỉ vì các cô cậu "quý tử" học hành quá tệ, có cố gắng thế nào cũng không bước chân nổi vào giảng đường đại học trong nước. Thế nên, nghiễm nhiên, du học tự túc trở thành một biện pháp "cứu cánh hoàn hảo", vừa giải quyết được vấn đề trường lớp, mà các bậc cha mẹ lại còn được "thơm lây" vì có đứa con đi du học. Như trường hợp của Nguyễn Hữu L.T., con trai duy nhất của ông chủ thầu nông sản lớn nhất nhì quận 2, TP HCM. Nhờ nhiều mối quan hệ, chúng tôi được gặp L.T. tại Sài Gòn trong khi hiện tại, lẽ ra cậu này phải ở Norwich, Anh quốc để tiếp tục theo học chương trình đào tạo cử nhân tại East Anglia - một trường đại học khá danh tiếng tại xứ sở sương mù.
Từ một du học sinh, L.T. trở thành tay chơi thứ thiệt, vung tiền như nước và là khách ruột ở các tụ điểm ăn chơi, các bar, vũ trường lớn tại Sài thành. Điều đáng nói là, với cái mác du học, hằng tháng, L.T. vẫn được cha mẹ rót kinh phí đều đều vào tài khoản để trang trải việc… "mua chữ nơi xứ người".
Theo lời L.T. và cũng như từ bạn bè của cậu thì trước kia L.T. học khá tốt môn Anh văn, do từ nhỏ đã được gia đình đưa đến các trung tâm Anh ngữ để rèn luyện. Tuy nhiên, cậu này lại dở tệ tất cả các môn học khác. Cố gắng lắm T. mới có thể lấy được tấm bằng THPT nhưng cánh cổng vào đại học dường như quá sức so với cậu. Không đủ điểm sàn để vào bất cứ trường đại học, cao đẳng nào, cha mẹ L.T. quyết định đưa cậu đi du học. Hoàn tất hồ sơ, L.T. hăm hở sang Anh quốc với bao mộng tưởng về một tương lai tốt đẹp.
L.T. trong một đêm thác loạn tại vũ trường.
Theo kế hoạch ban đầu, L.T. sẽ tham gia khóa Dự bị đại học kéo dài 1 năm tại East Anglia. Nhưng chỉ sau hai tháng, do không thể nào theo kịp chương trình học, lại nhớ bạn bè, người thân nên L.T. đâm ra chán nản vô cùng. Không lâu sau đó, L.T. xin cha mẹ được về nước, nhưng bị ông bà phản đối kịch liệt, vì nếu về lúc này chẳng khác nào "bôi tro trát trấu" vào mặt gia đình. Ngậm ngùi, L.T. đành ở lại. Nhưng chỉ được thêm ít lâu, vì quá nhớ quê và hoàn toàn vỡ mộng với cuộc sống nơi xứ người, L.T. quyết định giấu cha mẹ, lén về lại Việt Nam. Cậu thuê một phòng khách sạn tại quận 3 làm nơi trú ngụ. Sẵn tiền, lại "ăn không ngồi rồi" nên từ một cậu học sinh khá hiền hòa, L.T. nhanh chóng lậm vào chơi bời, suốt ngày chỉ biết tụ tập lũ bạn bè quý tử, bù khú, trác táng thâu đêm.
Khi chúng tôi gặp được L.T. cũng là lúc, cậu đang đóng vai trò "chủ xị" trong một bữa tiệc náo nhiệt tại một quán bar đình đám ở quận 1. Đám bạn của L.T. phục sức toàn hàng hiệu, xe sang và hầu như đều ở độ tuổi 9X. Khi cả đám đang say men, phê nhạc, "chủ xị" L.T. bỗng "lệnh" cho tất cả dời lên phòng VIP của bar. Rút chiếc Iphone 5 mới cáu, L.T. nháy mắt ra hiệu giữ im lặng. Thì ra, đã tới giờ L.T. phải "voice chat" (một tiện ích của yahoo, cho phép người sử dụng trò chuyện được với nhau thông qua mạng Internet) với gia đình. Trong cuộc chuyện trò, L.T. bịa ra đủ thứ chuyện ở xứ người để kể lể, nào là học hành căng thẳng, nào là, thời tiết đang độ chuyển mùa, rằng, hẹn kỳ nghỉ đông T. sẽ về nước, v.v... Lũ bạn của T. tóc xanh, tóc đỏ chụm đầu nhau cố nén những tiếng cười tán thưởng.
Một cô bé xưng danh là Shala N. kéo tay tôi thầm thì: "Học phí một năm của East Anglia hơn 10.000 pound (đồng bảng Anh) là ít, đổi ra hơn 300 triệu đồng Việt Nam, "khủng" thiệt. Thằng T. nó còn xin thêm đủ thứ chi phí nữa, bảo sao mà không thả sức ăn chơi. Chuyến này, chắc em cũng đi "du học tại chỗ" như nó quá". Bởi vậy mới xảy ra cái hoàn cảnh "cười ra nước mắt" là, cha mẹ của L.T. mặt tươi như hoa, bước vào Ngân hàng quốc tế ANZ gửi tiền cho đứa con đang đi du học. Ông bà mới rời khỏi ngân hàng,thì ít phút sau, cậu "quý tử" cưỡi SH sáng loáng lại xuất hiện tại chính địa điểm đó để rút tiền "trang trải cuộc sống nơi xứ người" …
Theo chuyên gia tâm lý Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp Việt thì: "Còn có trường hợp cha mẹ thất bại trong việc quản lý, giáo dục con cái nên xem việc du học như một biện pháp để cách ly con em mình với những mối quan hệ xấu tại quê nhà. Tuy nhiên, ở một môi trường xa lạ, không có người thân bên cạnh giám sát, lắm khi còn tạo điều kiện tốt để các "quý tử" không lo học hành, tiếp tục quậy phá. Mà ăn chơi ở nước người tốn kém, lại thiếu "chiến hữu ruột" nên việc nói dối cha mẹ, rồi về nước "du học tại chỗ" âu cũng là hệ quả tất yếu".
Hầu như đêm nào nhóm bạn "du học sinh tại chỗ" của H. cũng đến những nơi "ăn chơi đốt tiền" .
Sa chân vào tệ nạn
Qua tìm hiểu từ đám bạn sành sỏi ăn chơi của L.T., được biết trường hợp "du học tại chỗ" như L.T. không phải là quá cá biệt. Tại trung tâm Sài Gòn, có một nhóm tay chơi khét tiếng mà thành phần hầu hết là những "du học sinh" chuyên nói dối cha mẹ để lấy tiền rồi về nước tiêu xài như đại gia thứ thiệt. "Đồng bệnh tương lân", số này tụ tập thành nhóm, ngày ăn nhậu, đêm đắm chìm trong ánh đèn, tiếng nhạc, tiếng hú hét phấn khích, rượu bia hỗn loạn.
Lê Thanh H. - tay chơi trẻ nhất trong nhóm khoác vai cô tiếp viên tại một quán cà phê "đùi", nói cười rổn rảng: "Tụi nó ngu, chơi "đá" để rồi lậm, đêm nào không giật, không lắc, không phê nhạc là tê dại hết cả đám. Cứ như anh, ăn chơi lành mạnh để gái nó mê là được" - nói rồi H. siết chặt cô tiếp viên, vô cùng tình tứ. Được biết, nhóm của H. hầu hết đã bị vướng vào ma túy đá (một loại ma túy tổng hợp tạo ảo giác hưng phấn tạm thời). Thấy "đập đá" ở các quán bar không ổn, chúng hùn nhau mướn nhà riêng để tha hồ thác loạn và thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh bị phát hiện.
Từ ăn chơi, nghiện ngập đến trở thành tội phạm ranh giới chỉ như một bước chân. Đã có nhiều trường hợp, du học sinh giấu gia đình về nước rồi lâm vào cờ bạc, ma túy mà cha mẹ hoàn toàn không biết gì. Mãi đến lúc con em mình trở thành tội phạm thì các bậc phụ huynh mới tá hỏa. Gần đây nhất là trường hợp của Nguyễn Anh Cường (28 tuổi, ngụ đường Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - du học sinh tại Singapore về nước hành nghề… ăn trộm.
Nhờ gia đình có điều kiện, Cường được cha mẹ đưa đi du học nước ngoài với ước vọng sau này con trai sẽ có một tương lai sán lạn. Nhưng nào ngờ, như con chim xổ lồng Cường tập tành ăn chơi, đua đòi theo lũ bạn xấu rồi vướng vào ma túy khi nào không biết. Số tiền cha mẹ chu cấp không đủ thỏa mãn những cơn vã thuốc và tốc độ tăng liều liên tục, Cường nghĩ đến chuyện trộm cắp và lẳng lặng cuốn gói về nước hành nghề.
Như dân chuyên nghiệp, Cường sắm cho mình đủ thứ đồ nghề nào kìm bấm, tuốc nơ vít, búa… loại to, loại nhỏ đủ cả. Địa điểm Cường nhắm đến là các chung cư ở huyện Từ Liêm, Hà Nội. Sở dĩ vậy, vì hầu hết các phòng tại những khu chung cư này đều được thiết kế phần lỗ thoáng nhà vệ sinh theo dạng cửa lật, do chủ quan, có rất ít nhà lắp thêm chấn song để bảo vệ. Và với vóc dáng nhỏ bé bởi chỉ còn "da bọc xương" do nghiện, Cường có thể dễ dàng chui qua phần lỗ thoáng này để đột nhập vào trong.
Nguyễn Anh Cường tại Cơ quan điều tra.
Tinh vi hơn, để qua mặt bảo vệ của các khu chung cư, Cường còn thuê cả xe ôtô, ăn mặc chỉn chu lịch sự, rồi đường hoàng xách cặp táp chứa đồ nghề bước vào các tòa nhà. Trộm xong lại đường hoàng đánh ôtô chạy ra. Hàng loạt các vụ mất trộm laptop, nhẫn vàng, điện thoại di động… tại huyện Từ Liêm đã khiến cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết. Và không lâu sau đó, chàng "du học sinh" nghiện ngập, chuyên thuê ôtô đi… trộm cắp bị tóm gọn.
Trở lại với nhóm bạn "du học sinh tại chỗ" của Lê Thanh H. mà chúng tôi đã kể ở trên, sau những đêm tưng bừng, thác loạn, họ rệu rã, người nọ dìu người kia, dắt díu nhau về khách sạn. Tỉnh ra, thấy đời không hoài bão, không niềm tin lại tiếp tục lao vào ăn chơi để quên đi thực tại thất bại của chính bản thân. Trong nhóm, Lê Thanh H. là người có vẻ hiền lành và mang nhiều tâm sự trắc ẩn, nên chúng tôi kết thân với cậu và vẫn thường xuyên mời cà phê ở những góc tĩnh lặng, vắng mùi "ăn chơi đốt tiền". Những lúc như thế, H. thường trầm ngâm, rít thuốc thành hơi dài. Hỏi cậu, hết thời gian du học rồi tính sao với gia đình khi bằng cấp không có, kiến thức lại càng không? H. trả lời buồn thiu: "Em cũng không biết nữa…".
Trao đổi về vấn đề này, ông Tôn Thất Hoài, giảng viên Trường đại học Hùng Vương cho rằng: "Nhằm đáp ứng nhu cầu cho con em đi du học tự túc của nhiều bậc cha mẹ, các trung tâm tư vấn du học thi nhau mọc lên như nấm. Chỉ cần chi tiền mạnh tay, những trung tâm này hứa có thể đưa học sinh tới bất kỳ trường đại học danh tiếng nào trên thế giới. Và để hút khách, họ có thể vẽ ra viễn cảnh về việc học tập bên xứ người vô cùng dễ dàng nhưng thực tế, lại không hề đơn giản.
Với những học sinh yếu kém về khả năng, khi tiếp xúc với chương trình giáo dục nặng tính tự lập, tự tìm tòi sẽ khó có khả năng theo kịp, nảy sinh tâm lý tự ti, ức chế. Nếu hạn chế về ngoại ngữ, thì tình trạng kể trên lại càng trầm trọng và nguy hiểm hơn. Ngoài ra, rất ít trung tâm du học có cam kết sẽ giám sát việc học hành của học sinh. Dẫn đến trường hợp, "mang con bỏ chợ", du học sinh có khi tự ý bỏ học, về nước,… cha mẹ cũng khó có thể kiểm soát được". |