Đằng sau lười học là cả tá lý do

Cá Mập, Theo Trí Thức Trẻ 01:00 18/12/2012
Chia sẻ

Bố mẹ, thầy cô đều thường xuyên mắng mỏ, than trách chúng ta vì cứ hay lười biếng. Nhưng họ có thể không biết đằng sau đó là cả một câu chuyện đang chờ được lắng nghe...

Lười học – một cách... phản kháng

“Tớ thích vẽ và thấy mình vẽ cũng ổn. Cô giáo dạy Mỹ thuật ở trường cũng khuyến khích tớ theo đuổi nghiệp vẽ khi thấy những bức tranh của tớ. Tớ tâm sự nguyện vọng và sở thích của mình với bố mẹ thì hai người phản ứng dữ dội lắm, nói rằng nghề vẽ vời không có tương lai. 

Bố mẹ muốn tớ theo khối A và nhất quyết phản đối chuyện tớ đăng kí khối V. Nhưng bố mẹ không biết tớ đã kiếm được công việc làm thêm đó chính là vẽ minh họa cho một tờ báo. Tiền kiếm được trung bình một tháng cũng được hơn 2 triệu đồng. Với số tiền đó, tớ có thể dùng để đóng học phí lớp bồi dưỡng vẽ và trang trải thêm một số việc lặt vặt không tên khác. Ngoài ra, tớ vẫn chăm chỉ học hai môn Toán và Lý. Nhưng các môn còn lại chỉ học cho có. Tớ không thể phản đối ngay quyết định của bố mẹ, nhưng cũng không muốn đi theo những gì bố mẹ vạch sẵn. Chỉ có cách này thôi!” – tâm sự của T.H (18 tuổi, Vinh).

Không chỉ T.H, mà rất nhiều bạn khác cũng chọn cách giải quyết trên là "phản kháng, chống đối" với gia đình vì bị bắt buộc học một ngành nào đó mà mình không thích. 

Đằng sau lười học là cả tá lý do 1

Lười học – vì học hay không... cũng thế

Đối với trường hợp này, một khi bạn chỉ vì bất mãn một điều nào đó với thầy cô, mà lại cố tình lười biếng, làm tuột thành tích học tập thì người lãnh hậu quả chỉ có bạn mà thôi. Vô vàn biện pháp để giúp bạn có thể cải thiện tình hình, chứ đừng vội "manh động" giống như "tớ phải học tệ đi cho bớt tức" vậy.

Một ví dụ điển hình là chuyện của Thảo Nguyên, học trường THCS VĐ:“Tớ cảm thấy rất bất mãn khi công sức của mình bị đánh giá thấp hơn bài làm của một vài bạn khác. Ai cũng biết bài họ sao chép từ trên mạng, thậm chí coi coppy một cách công khai. Hoặc đơn giản là làm bài chểnh mảng nhưng điểm vẫn cao do... “ăn ý” với thầy cô. Nếu đứa nào dũng cảm mang bài lên yêu cầu thầy chấm lại và sửa điểm, thì “yên tâm” rằng bài đó được cao nhưng các bài kế sau sẽ thấp thấy rõ, nhất là những bài kiểm tra miệng. Thầy luôn “ưu ái” tặng những câu hỏi khó trên trời. Tớ chán không thèm học, vì học hay không cũng thế! Hi vọng, cuối năm bố mẹ thấy tớ không thể bắt kịp chương trình học ở trường này sẽ cho phép tớ chuyển qua trường khác. Mọi chuyện có thể sẽ được thay đổi.”

Lười học – khi sự chăm chỉ bị... bài trừ

“Ai cũng nói vào đại học, chúng ta không cần quá chăm chỉ học hành như hồi cấp 3. Nhưng chẳng ai nói với tớ rằng chăm học, chăm đọc sách lại trở thành một... tội như thế này cả. Các bạn cùng lớp đều lao vào hoạt động xã hội hay làm thêm bên ngoài. Riêng mình tớ lúi húi học tập với hi vọng đạt điểm cao, tích lũy kiến thức đầy đủ trước khi ra trường. Các bạn ấy thấy tớ ngồi học là bắt đầu bêu giễu và nói rằng thật chẳng giống sinh viên chút nào. Thậm chí các bạn ấy còn nói, chưa từng học lại hay thi lại thì không thể được coi là sinh viên. Từ đó, tớ cũng lười nhác dần đi. Từ chuyện bỏ thói quen đọc sách ở lớp, tớ “bye bye” luôn thói quen đọc sách, làm bài tập ở nhà. Giờ muốn học cũng chẳng có cảm hứng hay động lực nữa. Quen rồi, sinh viên mà, phải... lười chứ!” - (Mai Khoa – ĐH HB)

Dẫu rằng lý do của bạn là gì, nhưng hậu quả trước hết của việc lười học, chểnh mảng học hành, bạn sẽ là người gánh chịu. Suy nghĩ cẩn trọng và lo lắng cho bản thân mình nhiều hơn, bạn sẽ hiểu ra điều mình nên làm thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày