Bằng phổ thông “lên giá”
Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội chuyên ngành Kế toán đã 2 năm, Nguyễn Hà Phương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn chưa xin được việc đúng chuyên ngành, Phương quyết định về quê nộp đơn xin vào làm công nhân Công ty May Việt – Hàn (Bắc Giang). Để được nhận vào làm công nhân tại đây, Phương đã phải “giấu” bằng đại học và chỉ dùng bằng tốt nghiệp THPT để xin việc với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. “Trước khi đi xin việc, nhiều bạn bè đã nhắc mình nếu trong hồ sơ phát hiện có bằng đại học hay cao đẳng là hồ sơ đó bị trả về luôn nên mình chỉ dùng bằng cấp 3 thôi. Bằng đại học vẫn cất trong đáy tủ” – Phương cho biết.
Việc cử nhân đi làm công nhân không còn là chuyện hiếm ở các công ty nữa. Đỗ Thành Công (SN 1990 ở Tân Yên, Bắc Giang) tốt nghiệp ngành Trắc địa, Đại học Mỏ - Địa chất với tấm bằng khá. Đi làm ở một công ty xây dựng được 6 tháng, dù không đúng với ngành học nhưng cũng là công việc của một kỹ sư. Tuy nhiên, sau khi liên tục bị công ty nợ lương, Công đã chọn con đường xin làm công nhân tại Công ty Samsung (Bắc Ninh). Dù chỉ được nhận làm công nhân nhưng với Công, đó là một điều may mắn vì “trong hồ sơ mình chỉ dùng bằng cấp 3 nên được nhận luôn. Mấy người bạn của mình kém may mắn hơn, bị phát hiện có bằng đại học, cao đẳng nên dù đã đi làm được gần một tuần rồi vẫn bị loại”.
Chị Nguyễn Thị Chi - tổ trưởng một tổ trong Công ty Samsung xác nhận: “Trong tổ của tôi có 20 công nhân thì có đến 6 công nhân đã tốt nghiệp đại học”.
Lấy ngắn nuôi dài
Nguyên nhân khiến các công ty không thích tuyển cử nhân vào làm công nhân bởi tâm lý e ngại họ chỉ coi đây là công việc tạm thời và sẽ nhanh chóng bỏ đi khi tìm được công việc đúng chuyên ngành. Chị Nguyễn Thị Thoa - cán bộ nhân sự một công ty ở Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang cho biết: “Mặc dù công nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng dễ đào tạo hơn, nhưng nhiều người chỉ coi đây là công việc tạm thời, khi họ nghỉ việc, công ty sẽ phải mất thời gian đào tạo người mới lại từ đầu nên biện pháp tốt nhất là không nhận cử nhân vào làm vị trí công nhân ngay từ đầu”.
Chị Nguyễn Thị Chi - tổ trưởng một tổ trong Công ty Samsung Bắc Ninh xác nhận: “Trong tổ của tôi có 20 công nhân thì có đến 6 công nhân đã tốt nghiệp đại học”.
Nhiều cử nhân thấy mặc cảm khi phải cất tấm bằng đại học xin đi làm công nhân. Tuy nhiên, để có thể tự nuôi sống bản thân, chờ đợi cơ hội xin được việc làm đúng chuyên ngành, phù hợp với năng lực, các cử nhân buộc phải đi làm công nhân hay những công việc trái ngành khác như một kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Trần Chiến Thắng (Hưng Yên) tốt nghiệp Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, rải hồ sơ khắp nơi mà chưa có nơi nào chấp nhận. Trong thời gian chờ được gọi phỏng vấn, Thắng xin vào làm ở Công ty Hồng Hải (Việt Yên, Bắc Giang). Thắng chia sẻ: “Tốt nghiệp rồi không lẽ vẫn ở nhà ăn bám bố mẹ nên mình tạm thời đi làm công nhân, chờ các đợt thi tuyển công chức, may ra thì đỗ. Nếu trượt thì có lẽ mình vẫn làm công nhân”.
Mặc dù chỉ làm công nhân mà chưa một lần được sử dụng tấm bằng đại học theo đúng nghĩa nhưng đa số các cử nhân khi được hỏi đều khẳng định sẽ vẫn tiếp tục học lên đại học, kể cả khi biết trước tình hình khó khăn khi ra trường. Đỗ Thành Công (tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất) chia sẻ: “Ra trường mà không xin được việc thì đúng là buồn và tủi thân thật. Nhưng nếu cho chọn lại thì mình sẽ vẫn cố gắng học lên đại học”.
Đã đến lúc học sinh tốt nghiệp THPT cần có sự lựa chọn sáng suốt giữa việc học tiếp lên đại học và chọn cho mình một trường dạy nghề phù hợp với khả năng. Nếu mãi chạy theo xu thế đại học thì hiện tượng “giấu” bằng cử nhân xin làm công nhân sẽ mãi còn tiếp diễn.