Cô bé Annie Clark, 7 tuổi, là một học sinh chăm chỉ và có quyết tâm trong học tập. Bởi vậy, dường như việc em giành giải thưởng trong cuộc thi Viết chữ đẹp Quốc gia thì chẳng có gì bất ngờ. Cô bé sinh ra đã thiếu hai bàn tay này đã trải qua một cuộc chiến với bản thân - tập viết với chiếc bút chì kẹp vào hai khuỷu tay - để đạt được thành quả ngày hôm nay.
Cuộc thi Viết chữ đẹp Quốc gia, do công ty Đọc sách và Nghệ thuật Ngôn ngữ Zaner-Bloser tổ chức lần đầu tiên cho những học sinh khuyết tật. Cùng đoạt giải Xuất sắc với Annie là một học sinh khiếm thị ở bang Ohio.
Bố mẹ của Annie, anh Tom và chị Mary Ellen Clark cho biết, việc kẹp các vật vào 2 khuỷu tay cũng là cách mà Annie vận dụng để ăn, mặc đồ, cắt tóc bằng kéo và thậm chí là sơn móng tay.
Annie tập viết với chiếc bút chì kẹp vào hai khuỷu tay
"Annie đã rất quyết tâm, tự làm các việc cho mình như là mặc đồ và ăn uống. Cô bé còn biết đi xe đạp, biết bơi. Cô bé đã xác định là chẳng có gì mà nó không thể làm được” - anh Tom kể.
Bố Annie cho biết, em cũng có thể đánh máy trên bàn phím và dùng iPod mà không gặp khó khăn gì.
Khi trò chuyện với phóng viên, Annie đã giải thích về kỹ thuật viết chữ của em, trong đó có việc viết chữ hoa ở đầu câu và đặt dấu chấm cuối câu.
Được biết, gia đình nhà Clarks có truyền thống nhận con nuôi. Họ có 8 con thì chỉ 3 trong số đó là con ruột của họ. Người con ruột thứ ba của nhà Clarks bị bệnh Down. Vợ chồng anh chị cho biết rằng, chính kinh nghiệm nuôi đứa con này đã giúp họ hiểu hơn về thế giới người khuyết tật và sau đó nhận nuôi toàn những trẻ khuyết tật khác. "Tôi cảm thấy dường như Chúa đã dùng cái đó (sự khuyết tật) để dạy chúng tôi về giá trị của mỗi con người" - chị Mary chia sẻ.
Ngoài Annie, vợ chồng nhà Clarks còn nuôi hai cậu con trai Travis và Talbot, đều 10 tuổi, cùng với Tyler, 18 tuổi. Ba cậu con trai này đều không có cẳng tay bên phải. Họ cũng có 2 cô con gái nuôi khác là Alyssa, 18 tuổi, bị bệnh Down và Amelia, 4 tuổi, bị thương tổn ở chân.
Vợ chồng nhà Clarks cho biết, trong khi những người khác có thể nghĩ gia đình họ là một gánh nặng thì vợ chồng họ lại coi các con là phúc lành.
"Nếu chúng tôi không có các con, thì chúng tôi đã bỏ lỡ tất cả những niềm vui, hạnh phúc mà chúng tôi đã và đang có" - anh Tom nói.